25/11/2019 09:12 GMT+7

Chuyện lạ lùng: Phải ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng để có việc làm

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Để thực hiện hợp đồng cộng tác viên tín dụng, Ngân hàng TMCP Kiên Long đã yêu cầu ông Trần Thanh Bá phải ký hợp đồng tín dụng, thực hiện biện pháp bảo đảm để ràng buộc trách nhiệm với ngân hàng.

Chuyện lạ lùng: Phải ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng để có việc làm - Ảnh 1.

Bà Quýt đã đi đòi sổ đỏ cho ngôi nhà của gia đình mình suốt một năm qua nhưng chưa có hồi kết - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cụ thể, ông Bá và vợ là Đỗ Thị Quýt phải ký 2 hợp đồng tín dụng nhưng thực tế thì họ không nhận tiền vay... Câu chuyện oái oăm từ đây.

Những ngày này, bà Đỗ Thị Quýt (trú đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn phải đi gõ cửa nhiều nơi để đòi sổ đỏ ngôi nhà của gia đình. Tuy nhiên, phía ngân hàng vẫn "giam" sổ đỏ, cơ quan thi hành án, cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý.

Ký hợp đồng tín dụng là giả tạo

Theo bản án đã có hiệu lực số 26 ngày 11-10-2018 của TAND quận Sơn Trà, Đà Nẵng về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Kiên Long, tỉnh Kiên Giang và bị đơn là vợ chồng ông Trần Thanh Bá.

Theo đó, ông Bá (cộng tác viên tín dụng) và bà Quýt có ký với Ngân hàng Kiên Long hai hợp đồng tín dụng vào tháng 4 và 9-2009 cùng một hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. 

Trong đó, ông Bá, bà Quýt đã dùng tài sản là ngôi nhà và đất ở đường Nguyễn Duy Hiệu theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC149796 (sổ đỏ) để đảm bảo cho khoản vay với số tiền 660 triệu đồng.

Phía nguyên đơn cho rằng do ông Bá thiếu đôn đốc những khách hàng mà ông thẩm định để cho vay tín chấp dẫn đến việc họ không trả nợ đúng hạn và ông không có thiện chí cùng ngân hàng đi đòi nợ, nên ngân hàng đã khấu trừ số tiền mà ông Bá đã thế chấp bằng hai sổ tiết kiệm 660 triệu đồng. 

Ngân hàng đề nghị tòa buộc ông Bá, bà Quýt phải thanh toán khoản nợ và tiền lãi hơn 1,2 tỉ đồng. Nếu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì xử lý tài sản thế chấp là sổ đỏ ngôi nhà và đất ở.

Theo HĐXX, thực chất của việc ký 2 hợp đồng tín dụng vào tháng 4 và tháng 9-2009 là để đảm bảo cho việc làm của ông Bá tại ngân hàng, vì ông là cộng tác viên tín dụng theo hợp đồng cộng tác viên ngày 10-4-2009.

Do không có nhu cầu vay vốn và trên thực tế ông Bá, bà Quýt cũng không nhận tiền vay của ngân hàng, do đó bà Quýt không ký tên trên giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, không ký nhận tiền trên phiếu chi tiền khi ngân hàng giải ngân.

Sau khi ký hai hợp đồng tín dụng trên, trong cùng một ngày, ngân hàng đã tiến hành làm hai sổ tiết kiệm đứng tên ông Bá với số tiền 660 triệu đồng, bằng đúng số tiền ông Bá, bà Quýt ký trong hợp đồng tín dụng.

Sau khi lập hai sổ tiết kiệm, trong cùng một ngày, giữa ông Bá và ngân hàng ký hai hợp đồng cầm cố tài sản là sổ tiết kiệm trên. Mục đích của việc cầm cố là để: "Thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho tất cả các khách hàng vay trả góp tại Ngân hàng Kiên Long do ông Bá thẩm định, bảo lãnh khi khách hàng không trả đúng và đủ theo hợp đồng vay vốn vì bất kỳ lý do gì".

Theo HĐXX, việc ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố là giả tạo, chỉ để che giấu mục đích thực sự của ngân hàng là ràng buộc trách nhiệm với cộng tác viên. 

Số tiền trong sổ tiết kiệm được xem như một khoản tiền ký quỹ đảm bảo cho công việc của cộng tác viên. Danh sách những khách hàng vay tiền do ông Bá phụ trách vẫn còn thì ngân hàng có quyền khởi kiện những người này để yêu cầu trả nợ.

Việc ký hợp đồng tín dụng vay thực chất là để ngụy tạo cho một giao dịch khác, đó là để đảm bảo cho hợp đồng lao động của ông Bá tại ngân hàng. Như vậy, việc ký hợp đồng tín dụng trên là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo. Giữa bị đơn và nguyên đơn không tồn tại giao dịch vay tài sản.

Tòa đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, tuyên hai hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, các hợp đồng cầm cố tài sản với hai sổ tiết kiệm là vô hiệu. Buộc Ngân hàng Kiên Long phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay, buộc giao lại bản chính sổ đỏ cho vợ chồng ông Bá, bà Quýt.

Chuyện lạ lùng: Phải ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng để có việc làm - Ảnh 2.

Bà Quýt cho biết giờ đây cơ quan chức năng đẩy qua, đẩy lại khiến bà rất mệt mỏi trong hành trình đi đòi sổ đỏ của mình - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Đòi không được, đổi không cho

Do Ngân hàng Kiên Long không thực hiện nghĩa vụ nên suốt thời gian qua, bà Quýt đã đi đòi sổ đỏ nhưng hiện đang rơi vào tình cảnh đòi không được, đổi không cho.

Ông Lê Văn Trịnh - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà - cho biết đã làm đầy đủ thủ tục thi hành án đối với bản án số 26. Sau khi bà Quýt có đơn yêu cầu thi hành án vào ngày 12-12-2018, ngày 19-12-2018 chi cục đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu. Tuy nhiên, Ngân hàng Kiên Long không tự nguyện thi hành nên chi cục tiếp tục ra quyết định cưỡng chế buộc phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay của ông Bá, bà Quýt và buộc giao lại sổ đỏ.

Ngày 10-9-2019, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự Sơn Trà đã vào trụ sở Ngân hàng Kiên Long ở tỉnh Kiên Giang để công bố quyết định cưỡng chế.

Theo ông Trịnh, tại buổi làm việc, phía Ngân hàng Kiên Long có ý kiến do bản án tuyên có nội dung làm ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng nên ngân hàng có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét vụ việc theo trình tự giám đốc thẩm. Ngân hàng tạm thời đề nghị cơ quan thi hành án cho ngân hàng chưa chấp hành việc thực hiện các nghĩa vụ... 

"Chi cục đã lập biên bản ghi lại ý kiến của ngân hàng, ghi lại việc thực hiện quyết định cưỡng chế để có cơ sở giải quyết theo đúng quy định" - ông Trịnh cho hay.

Được biết, do Ngân hàng Kiên Long vẫn không tự nguyện thi hành án nên ngày 17-9, chi cục đã có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng (chi nhánh Sơn Trà) đề nghị xem xét và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Quýt theo quy định.

Vậy nhưng, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại Sơn Trà cho rằng theo nội dung bản án số 26 không đề cập đến việc thu hồi giấy chứng nhận nhưng Chi cục Thi hành án dân sự Sơn Trà lại đề nghị thu hồi, cấp lại giấy chứng nhận cho bà Quýt. Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Sơn Trà không có cơ sở để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thi hành án. Trường hợp không thi hành được bản án mà việc chiếm giữ giấy chứng nhận thuộc tranh chấp dân sự thì các bên liên quan đến tranh chấp này do tòa án thụ lý giải quyết.

Ông Lê Văn Trịnh cho biết đã có báo cáo Cục Thi hành án dân sự TP về việc này.

Còn bà Quýt buồn nói: "Tôi giờ đã quá mệt mỏi, bên này đẩy qua, bên kia đẩy lại, không biết kêu ai".

Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Ngân hàng Kiên Long chi nhánh Đà Nẵng nhưng vị này từ chối trả lời và hướng dẫn liên hệ tổng đài của hội sở. Phóng viên đã gọi điện, gửi email theo hướng dẫn nhưng Ngân hàng Kiên Long chưa có phản hồi.

Ngân hàng vi phạm quy chế cho vay

Ngày 1-10, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của Ngân hàng TMCP Kiên Long. Sau khi nghiên cứu đơn, các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có ý kiến: Giữa ông Bá, bà Quýt không tồn tại quan hệ vay vốn, không nhận tiền vay từ 2 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Kiên Long. Hiện 2 sổ tiết kiệm, ngân hàng đã tất toán cho các khoản nợ của ông Bá.

Do đó, việc ngân hàng cho vay như trên là vi phạm quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với ngân hàng, ban hành kèm quyết định 1627 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vì vậy có cơ sở để xác định việc ký 2 hợp đồng tín dụng nêu trên thực chất là nhằm thực hiện hợp đồng cộng tác viên tín dụng của ông Bá tại Ngân hàng Kiên Long, hoàn toàn không có hoạt động vay mượn tiền với mục đích sửa chữa, mua sắm cho gia đình như trong hợp đồng đã ký. TAND quận Sơn Trà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng pháp luật.

Vì vậy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Bộ Công an cảnh báo nạn Bộ Công an cảnh báo nạn 'tín dụng đen' với lãi suất 1.600%/năm

TTO - Cơ quan công an xác định từ tháng 4-2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch "tín dụng đen" qua 3 ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" với tổng số tiền các đối tượng cho vay vào khoảng 100 tỉ đồng.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên