15/07/2019 11:50 GMT+7

Chuyện không tưởng tượng nổi: những lão nông nghèo Cái Bè xây 300 cầu

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đó là những lão nông ở Cái Bè, Tiền Giang, nhiều người khó khăn, không ruộng vườn và đau yếu nhưng gần 10 năm qua, họ đã bẻ sắt, trộn hồ, vác gạch, xúc cát... xây hơn 300 cây cầu cho bà con mình.

Chuyện không tưởng tượng nổi: những lão nông nghèo Cái Bè xây 300 cầu - Ảnh 1.

Ông Năm Chà (74 tuổi), người lớn tuổi nhất đội lão nông xây cầu từ thiện - Ảnh: H.TRIỀU



Thôi, bay để tao đi mần đi. Mấy đứa nhỏ nó biểu: vậy cha làm mấy việc nhẹ nhẹ thôi nha. Tui ừ ừ cho tụi nó khỏi lo chớ đi làm tui bẻ sắt, đóng đinh, trộn hồ, xúc cát... đủ thứ hết trơn.

Ông NĂM CHÀ

Giờ có ăn phải biết giúp người

14h chiều. Nhiệt độ ngoài đường lên đến 370C, trời lại đứng gió, càng nóng thêm. Bên con đường chạy dọc kinh Năm giáp 2 xã Mỹ Lợi B và Mỹ Tân (huyện Cái Bè, Tiền Giang), hơn 10 lão nông đang đánh vật với nắng nóng, cần mẫn mỗi người mỗi việc cho cây cầu sớm nên hình hài. Người xúc đá, người vác ximăng, người đứng trộn bêtông...

"Bữa nay bọn tui đổ cột, đổ gối trên đặng gác dầm làm cầu" - ông Phan Văn Mãnh (Sáu Mãnh, 56 tuổi, đội trưởng đội xây cầu từ thiện) cho hay.

Cây cầu này đã được đội khởi công 1 tháng, khi hoàn thành sẽ nối xã Mỹ Lợi B với xã Mỹ Tân. "10 ngày nữa đổ sàn. Khoảng 1 tháng nữa hoàn thành" - ông Hai Thọ, người dân xã Mỹ Tân, phấn khởi nói. 

Bà Bùi Thị Bé Toán, 62 tuổi, người dân ấp Lợi Thuận (xã Mỹ Lợi B), nói: "Mấy chục năm ở đây hổng có cầu. Dân ở đây chỉ ước có cây cầu ngang sông. Mấy ổng về đây bắc cầu tụi tui mừng quá trời".

Trong đội, ông Sáu Mãnh "chức" lớn nhất nhưng nhỏ tuổi nhất. Lớn tuổi nhất là ông Năm Chà, 74 tuổi. Ông Năm Chà đi theo đội gần 8 năm nay, từ sau cú sốc mất đi người vợ. 

"Bốn đứa con tui không cho đi. Tui nói: Con gái nhờ phước cha, con trai nhờ phước mẹ. Bắc cầu cho ông bà, cô bác đi lại là tạo phước" - ông Năm Chà nói. 

Ông Năm Chà có một cô con gái là tiếp viên hàng không, đã lấy chồng - một phi công người Pháp. "Hồi nó cho tui qua Pháp chơi 6 tháng, mới đi 3 tháng thì tui nhớ quá, về mần cầu. Ở nhà chèo queo một mình buồn lắm" - ông Năm Chà cười khoe hàm răng móm mém, kể.

Ông Hai Lập, 72 tuổi, người "già" thứ hai trong đội, nhà ở Đồng Tháp, nhưng ngày nào cũng chạy xe qua xã Mỹ Lợi B (Tiền Giang) làm cầu. "Ổng hổng ruộng đất gì hết. Sau này có con gả Đài Loan, kinh tế mới đỡ. Lẽ ra tuổi này ở nhà lo an dưỡng nhưng ổng vẫn ham đi theo đội" - ông Bảy Hung (67 tuổi, đội phó đội xây cầu từ thiện) tiết lộ. 

Nghe vậy, ông Hai Lập cười hiền, cho hay: "Lớn tuổi, ở nhà buồn. Đi làm, cực nhưng mà vui". Nói về lý do theo đội xây cầu, ông Hai Lập giải thích: "Xưa tui nghèo không có cháo ăn, giờ có ăn thì phải biết giúp người, giúp đời. Mình hổng có tiền thì lập công, bồi đức tạo phước gửi "ngân hàng Tây Phương" sau này "về" có "vốn" mà xài. Đội này trước qua Đồng Tháp bắc cầu từ thiện, tui đi theo tới giờ".

Chuyện không tưởng tượng nổi: những lão nông nghèo Cái Bè xây 300 cầu - Ảnh 3.

Từng thùng bêtông được các lão nông cẩn thận chuyền tay nhau đưa xuống sà lan cho người đổ cột - Ảnh: HẢI TRIỀU

Bí thư, chủ tịch cũng vác đá, vác cát

Đội lão nông xây cầu từ thiện do ông Sáu Mãnh thành lập từ năm 2011. "Sáu Mãnh có 15 công ruộng, rồi trồng xoài bán một năm cũng được 100 - 200 triệu đồng. Vậy mà ổng bỏ hổng làm, lập đội xây cầu từ thiện, đi quanh năm suốt tháng" - ông Bảy Hung cho hay. 

Hỏi chuyện, ông Sáu Mãnh chia sẻ: "Hồi năm 2001, ông già tui 67 tuổi, ngày 28 tết đi thăm bạn bè về chạy xe đạp điện lên dốc cầu, xe chết điện, lên không lên được, xuống không xuống được, ổng té ngang chấn thương sọ não chết. 

Hồi đó người ta làm cầu sắt hẹp quá, dốc quá mà đứng sững... Tui không muốn có nhiều cái chết oan uổng như vậy nữa nên cứ ước có tiền sẽ bắc cầu an toàn cho bà con đi. Một thời gian sau tui đi cứu trợ bên Sóc Trăng, Bạc Liêu, gặp ông Chín Hùm chuyên đi bắc cầu từ thiện. Ổng vận động các mạnh thường quân cho tiền về Cái Bè xây một lượt 3 cây cầu".

Khi 3 cây cầu đó làm xong, ông Sáu Mãnh lập đội luôn xây cầu từ thiện. "Hồi đầu tui phải đi kiếm từng người. Làm một thời gian, công việc trôi chảy thì tự anh em hô: thôi Sáu Mãnh có năng lực thì làm tổ trưởng đi. Lúc đầu đội có 15-16 người, từ 50 tuổi đổ lên. Trẻ trẻ lo làm kinh tế, ai đâu đi làm cái này. Anh em hổng ai học cao hết, chỉ biết đọc, biết viết thôi" - ông Sáu Mãnh cho hay.

Làm ở Tiền Giang một thời gian, ông Sáu Mãnh đưa đội sang Đồng Tháp, đặt tên đội là Đội xây cầu từ thiện huyện Tháp Mười. Suốt 6 năm, đội lão nông đi dọc ngang các xã khó khăn nhất của Đồng Tháp xây cầu. Một năm đội xây 30 cây cầu.

"Bên đó chúng tôi có anh Ba Cống (Nguyễn Văn Cống - nguyên giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp) đỡ đầu. Giai đoạn đầu khó khăn lắm vì chưa ai biết đến đội. Lúc đó còn có anh Chín Hội ở Sài Gòn hỗ trợ. Mỗi cây cầu ảnh giúp cho 15 triệu đồng. 

Làm suốt 3 năm, anh Ba Cống cho lính theo dõi, thấy anh em trong đội nhiệt tình, có tâm, ảnh cho cái sà lan và máy ép cọc trụ cầu, trị giá gần tỉ, để tạo điều kiện cho mình xây cầu đạt chuẩn, đảm bảo kỹ thuật, an toàn. Trước làm cầu rất khó khăn, nhiều khâu rất nặng mà phải làm bằng tay" - ông Sáu Mãnh kể.

Sau 6 năm, đội bắt đầu đi tới nhiều tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Anh em có khi phải đi xa nhà cả tháng. Ngày nào cũng vui. Không ai cãi cự. Cực nhọc gì cũng không than, làm tự nguyện mà. Bọn tui thương nhau lắm, coi như người một nhà. Mệt quá, nắng quá thì vô nghỉ, không có làm đuối sức vì ai cũng già hết rồi" - ông Sáu Mãnh nói. 

Đã bắc hàng trăm cây cầu, ông Sáu Mãnh nhớ nhất là lần xây cầu ở một xã khó khăn của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. "Anh Sáu Dũng là bí thư xã mà trực tiếp ra cùng anh em trộn hồ cát đá. Ảnh nói hồi nào ở đây chưa có cầu, giờ có ảnh rất mừng. Ảnh điều động ban, ngành của xã ra phụ đội làm suốt một tháng ròng" - ông Sáu Mãnh nói. 

Còn ông Bảy Hung, đội phó, thì nhớ mãi lần xây cầu ở một xã của huyện Thạnh Phú (Bến Tre). "Chính quyền địa phương nhiệt tình lắm. Từ bí thư, chủ tịch xã cũng ra vác đá, vác cát ào ào. Người dân cũng ra phụ làm. Người ta mừng vì bà con xã có cây cầu đi lại. Bởi vậy, thấy việc mình làm có ý nghĩa quá nên cực mà vẫn ham đi, ráng đi" - ông Bảy Hung nói.

Lan tỏa

Điều khiến đội phó đội lão nông toàn U60, U70, U80 này tự hào là sự lan tỏa của đội. Ông Bảy Hung nói: "Đội tui đến địa phương nào cũng có người đi theo đội luôn. Như bên Cao Lãnh (Đồng Tháp) có hai cha con đi theo xây cầu. Cả vợ cũng đi theo nấu cơm cho đội". Từ 1 đội ban đầu, giờ có 4 đội, mỗi đội có 1 đội phó.

Ông Sáu Mãnh cho biết hiện giờ ngoài đội đang bắc cầu ở Tiền Giang này thì 3 đội khác đang đi Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Đội nay có gần 20 mạnh thường quân ruột, đa số ở Sài Gòn: nhóm Chung sức, chị Phụng, anh Trí, nhóm Từ Tâm...

"Mùa này thì nắng nóng chớ qua tháng mưa cực nữa. Sáng hừng đông đội áo mưa chạy mấy chục kilômet làm cầu. Nhưng mỗi lần bắc cầu xong thấy bà con vui mừng, bao nhiêu khổ cực quên hết, thấy tâm mình an lạc lắm" - ông Sáu Mãnh nói.

Lão nông nghèo ham giúp người khổ Lão nông nghèo ham giúp người khổ

TTO - Một lão nông 72 tuổi không ruộng đất và là hộ nghèo. Vậy mà bao năm nay ông luôn là người đi xin tiền làm nhà cho biết bao người dưng, nhưng không khi nào xin tiền làm nhà cho mình dù nó dột nát muốn sập.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên