Phóng to |
Ông Dũng và chiếc tàu bị cướp tài sản mang số hiệu do Malaysia cung cấp để hành nghề tại vùng biển theo hợp đồng đánh bắt - Ảnh: Trà Giang |
Nét hãi hùng vẫn còn trên khuôn mặt, ông Dũng kể tàu ông xuất bến ngày 15-4, trên tàu có 14 thuyền viên nhằm hướng biển Malaysia thẳng tiến. Sau khi đánh bắt gần đầy khoang các loại hải sản và khoảng 3 tạ hải sâm, khoảng 10g ngày 15-5, sau một đêm lặn mệt nhoài tại vùng biển trên, tàu của ông neo lại nghỉ ngơi, lúc này các thuyền viên trên tàu đang ngủ.
Bất ngờ một chiếc tàu gỗ khác xuất hiện không treo cờ nước nào, nhìn như thuyền đánh bắt của ngư dân. Theo thói quen, ông giơ ngón tay trỏ lên chào (cũng là ký hiệu của các ngư dân cho biết đó là tàu và ngư dân Việt Nam).
Phía tàu lạ liền ném dây thừng qua, ông Dũng bắt dây và cột vào tàu của mình. “Thường thì các tàu khi đánh bắt trên biển dù trong nước hay ngoài nước mỗi khi thiếu lương thực, dầu máy… đều có thể đề nghị hỗ trợ. Lần này cũng vậy, tui nghĩ họ qua nhờ mình chuyện gì đó. Vậy nhưng khi hai tàu đã cập vào nhau, phía tàu lạ có năm người lăm lăm vũ khí trong tay (hai người cầm súng R15, một người cầm súng thể thao, một súng ngắn còn người nữa thì cầm mã tấu), bốn người nhảy qua tàu tui, thu ngay bộ đàm, dồn các thuyền viên về phía mũi tàu, lấy luôn máy Icom, tầm ngư, định vị hải đồ… sau đó bắt từng tốp hai người chuyển hải sâm, 1.200 lít dầu… từ tàu của tui qua tàu của họ. Lấy hết tài sản xong, chiếc tàu lạ nổ máy di chuyển trong khi những họng súng đen ngòm vẫn chĩa về phía chúng tôi” - ông Dũng kể lại.
Sau khi bị cướp hết tài sản, ông Dũng đã phải vay tạm tàu của ông Nguyễn Hoa, đang hành nghề tại khu vực đó, để có nhiên liệu chạy về đất liền. Trong khi tàu QNg 90360 TS do ông Nguyễn Tấn Luận làm thuyền trưởng phải chạy vào một đảo gần đó của Malaysia để chăm sóc vết thương, đến nay vẫn chưa về đến đất liền.
Phóng to |
Cũng tại buổi làm việc với đại diện công an, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và UBND xã Bình Châu sáng 23-5, ông Dũng cho biết ông qua vùng biển Malaysia đánh bắt theo hợp đồng ký kết giữa Công ty TNHH MTV Quang Tân (trụ sở tại TP.HCM) và đối tác Malaysia từ năm 2008.
Chi phí ban đầu để được đi là 18.000 USD; sau đó mỗi tháng phải nộp thuế cho phía Malaysia 35 triệu đồng/ tháng. Hơn ba năm qua, tất cả thủ tục pháp lý đều phù hợp, ngư dân được cấp thẻ thuyền viên, hộ chiếu… để hành nghề hợp pháp. Tàu sau khi sang vùng biển Malaysia được kẻ màu sơn, cấp số hiệu theo quy định của nước bạn: SBF28.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tàu ông bị cướp tại vùng biển trên. Ước thiệt hại khoảng 280 triệu đồng. “Chi phí đi về cho chuyến đi khoảng 400 triệu đồng nhưng đã bị cướp trắng tay. Phải vay nợ khoảng 100 triệu đồng của đầu nậu thu mua hải sản trang bị lại thiết bị trên tàu để ra khơi đánh bắt tiếp chứ không thể vì sợ mà nằm bờ được” - ông Dũng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận