30/09/2021 06:20 GMT+7

Chuyện giờ mới kể từ trung tâm ICU

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - 'Tôi muốn những câu chuyện của chúng tôi, của các phòng ICU được nhiều người biết, để mọi người hiểu rằng bệnh này thật sự đáng sợ, nạn dịch này thật sự đe dọa không chỉ bản thân chúng ta mà cả nước chúng ta', bác sĩ Trần Xuân Sáng tâm sự.

Chuyện giờ mới kể từ trung tâm ICU - Ảnh 1.

Các bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Vừa ra khỏi ca trực đêm kéo dài 10 tiếng đồng hồ, rất mệt nhưng bác sĩ Sáng vẫn nán lại, bởi: “Tôi muốn những câu chuyện của chúng tôi, của các phòng ICU được nhiều người biết, để mọi người hiểu rằng bệnh này thật sự đáng sợ, nạn dịch này thật sự đe dọa không chỉ bản thân chúng ta mà cả nước chúng ta, nó phải được chấm dứt theo cách nào đó, bắt đầu từ ý thức của mỗi người...”.

Trung tâm Hồi sức tích cực của ĐH Y dược TP.HCM (đang đặt tại Bệnh viện quốc tế City, quận Bình Tân, TP.HCM) được bác sĩ Lê Minh Khôi đặt tên là Trung tâm Lam Sơn, từng phân khu mang những cái tên đặc biệt: Bạch Đằng, Hồng Hà, Cửu Long, Hương Giang, Thu Bồn, Lâm Viên.

Đầy cảm xúc, đầy lịch sử, văn hóa, đầy tự hào, tự tin và đầy hy vọng. "Cũng mang cả tác dụng giảm stress nữa" - bác sĩ Trần Xuân Sáng nói khi gặp chúng tôi đứng tần ngần đọc tên ở cổng bảo vệ. 

Tác dụng này thì tôi biết rồi, khi đọc những dòng bác sĩ Khôi viết: "Hôm nay, Cửu Long, Hồng Hà tràn bờ", hẳn nhiên dễ chịu hơn nhiều so với thông báo: "Khu thở máy xâm lấn đã kín giường". Nhưng sự "stress" của các bác sĩ thì tôi chưa thể hình dung được.

Câu chuyện của chúng tôi với bác sĩ Trần Xuân Sáng chắp nối từ hành lang bệnh viện vào các phân khu ICU, từ ca trực sáng đến ca chiều, ca tối, trong bộ đồ bảo hộ, giữa những máy thở, lọc máu, tiếng "tít tít" của monitor.

Nỗi bàng hoàng của bác sĩ

"Là bác sĩ chuyên khoa hô hấp, đúng chuyên ngành với các triệu chứng, biến chứng của COVID-19, tôi đã tham gia đợt dịch này từ những ngày đầu tiên. Đầu tháng 6, tôi tình nguyện đi chống dịch tại Bắc Giang. Phải nói là cực lắm, cực nhất là mặc bộ đồ bảo hộ trong cái nóng tháng 6 'nước như ai nấu, chết cả cá cờ', nhưng mà vui, vui lắm, vì thành quả rất rõ: bệnh nhân hồi phục nhanh, vùng dịch khoanh gọn, con số tử vong rất thấp.

Thế rồi dịch lan vào TP.HCM. Tôi lại tình nguyện đến bệnh viện điều trị COVID-19 đầu tiên của TP đặt tại Củ Chi, và tại đây tôi đã từng ngày một chứng kiến TP của mình lún vào đại dịch. Số người nhiễm tăng từ hàng chục lên hàng trăm, hàng ngàn mỗi ngày. 

Người thứ nhất tử vong, cả TP bàng hoàng. Rồi người thứ hai, thứ ba, rồi chục người, trăm người tử vong, mỗi ngày. Là bác sĩ trong khoa điều trị bệnh nhân nặng, nghe thấy - lường được từng hơi thở của bệnh nhân, người mạnh lên, người đuối dần nhưng tôi nghĩ mình lại là người bàng hoàng nhất.

Mỗi lúc ra khỏi ca trực, tôi mở điện thoại lên. Những con số đập vào đầu mút thần kinh. Choáng váng. Mỗi sáng - chiều - tối mặc vào người bộ bảo hộ, đẩy cửa vào khu điều trị, bệnh nhân mới, bệnh nhân cũ đầy kín các phòng, đầy kín hành lang. 

Giường thiếu. Oxy thiếu. Máy thở thiếu. Monitor thiếu. Bơm tiêm điện thiếu. Điều dưỡng thiếu. Bác sĩ thiếu. Chỉ có bệnh nhân là thừa, quá thừa. Có lúc một điều dưỡng phải chăm sóc 15 - 20 bệnh nhân. Có lúc kíp trực 3 bác sĩ mà cả trăm bệnh nhân cùng cần theo dõi, cấp cứu...

Những đêm tôi đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu, chuyển viện từ Củ Chi về TP. Tay bóp bóng, mắt canh oxy, thỉnh thoảng tôi nhìn qua cửa sổ xe. TP giãn cách nghiêm ngặt, xe vắng, người vắng, cửa hàng đóng, đèn tắt, những con đường tối đen. 

Có khoảnh khắc tôi lạnh người. Tương lai của bao nhiêu người, của TP.HCM, của Việt Nam sẽ ra sao nếu cảnh này cứ kéo dài? TP.HCM là nơi tôi và bao nhiêu người khác, bao nhiêu thế hệ xây đắp cuộc đời, ước mơ, là TP tối quan trọng của cả nước kia mà".

Chuyện giờ mới kể từ trung tâm ICU - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Xuân Sáng trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ ở bệnh viện - Ảnh: TỰ TRUNG

Ám ảnh không quên

"Tôi đã ra trường, làm việc 8 năm và sau này sẽ còn nhiều năm nữa, nhưng có lẽ những tháng ngày này là khốc liệt nhất, không bao giờ quên trong đời. Một ca trực 8 - 10 tiếng căng thẳng, mệt nhoài, về vẫn còn họp nhóm, hội chẩn, vậy nhưng rất nhiều đêm, nhiều ngày, rã rời nằm xuống giường mà trằn trọc không ngủ được. 

Tôi soát lại những y lệnh của mình đã tốt nhất cho bệnh nhân chưa, nhớ lại một gương mặt, một ánh mắt, lời nói của người nào đó vừa ra đi. Có người điều trị vài ngày, vài tuần đã đủ mến tay mến chân. Có người tôi còn chưa kịp đọc rõ hồ sơ bệnh trạng. Có lúc quá thiếu nguồn lực, quá đông bệnh nhân, chúng tôi buộc phải xác định xem ai có nhiều khả năng hồi phục... 

Tôi nhớ những lời khuyên: "Thành bại không quan trọng bằng việc bạn cố gắng hết sức". Với người học ngành y, làm ngành y, ngoài tố chất, việc cố gắng hết sức đã trở thành bản năng từ nhỏ, nhưng thành bại với ngành y lại là tính mạng của con người, là số phận của gia đình họ.

Có lúc tôi tưởng phải buông tay, phải chịu thua, phải gục ngã. Nhưng rồi bên tôi còn có đồng nghiệp mà trong trận chiến này trở thành đồng đội. Các thầy cô, đàn anh làm chỗ dựa cho tôi, và đến lượt mình, tôi phải đứng vững để làm chỗ dựa cho các bác sĩ đàn em mình nữa. 

Tôi nhớ một bạn bác sĩ nhỏ hơn tôi hai khóa, đã là trưởng một khoa, vậy mà bạn khóc: "Nếu không phải là em mà là một bác sĩ khác giỏi hơn, có phải bệnh nhân sẽ được cứu nhiều hơn không?". Tôi chỉ biết nói: "Không phải như thế, chỉ là vì nạn dịch này đang vượt quá vòng tay mình thôi".

Toàn bộ lực lượng của ngành y đã được huy động, toàn bộ nguồn lực đã được tập trung. Tôi lần lượt được gọi sang trung tâm hồi sức đầu tiên ở Thủ Đức và rồi lại chuyển về trung tâm của ĐH Y dược. Bốn tháng, chưa nghỉ một ngày nào, tôi đã cùng với các đồng nghiệp vượt qua được đỉnh dịch.

Niềm vui không so sánh

"Bây giờ, ở các trung tâm hồi sức tích cực, số ca xuất viện đã nhiều hơn ca tử vong, trong mỗi ca trực đã có niềm vui trở lại. Tôi không sợ quá lời mà nói rằng: Bệnh nhân xuất viện vui một, nhưng nhân viên y tế còn vui gấp hai, ba lần, bởi bản thân người bệnh không biết họ đã ở gần cái chết đến thế nào bằng bác sĩ. 

Mỗi bệnh nhân được chuyển đến trung tâm hồi sức tích cực là đã rớt một chân xuống vực. Ba ca - bốn kíp của chúng tôi ở bệnh viện nỗ lực từng phút giây để giành lại họ, kéo họ trở lại với cuộc đời. Đã rất nhiều lúc chúng tôi phải chịu thua, và vì vậy, mỗi khi bệnh nhân hồi phục, thở lại được, phổi phồng lên thì không có niềm vui nào vui hơn, không có món quà, phần thưởng nào sánh được.

Mỗi bệnh nhân xuất viện là một động lực lớn để chúng tôi tiếp tục bước vào khu ICU với tiếng monitor, tiếng bệnh nhân tập thở, với các loại máy móc đang làm thay chức năng sống của con người. 

Cuộc chiến tiếp tục, và mỗi ngày tôi đều cầu mong một điều: mọi người hãy giữ gìn, đừng có thêm bệnh nhân nhập viện.

Khoảnh khắc tuyệt vời

hinh box sk 30092021 5(read-only)

Bác sĩ Sáng chia tay bệnh nhân Phạm Thị Bích Phương xuất viện chiều 28-9 - Ảnh: P.VŨ

May mắn khi lần thứ ba vào phân khu Bạch Đằng (Trung tâm Hồi sức tích cực) thì chúng tôi được chứng kiến khoảnh khắc vui nhất của bác sĩ Sáng khi bệnh nhân Phạm Thị Bích Phương xuất viện.

Phương là một sản phụ mắc COVID-19, phải mổ bắt con tại Bệnh viện ĐH Y dược trong tình trạng suy hô hấp. Được đưa đến phân khu Bạch Đằng, Phương phải mở nội khí quản. Hơn 10 ngày các y bác sĩ cùng với Phương giành giật sự sống, và chiều 28-9 chị được xuất viện, em bé cũng đã được về nhà trước một ngày. "Không có gì vui bằng" - bác sĩ Sáng lặp lại.

F0 khỏi bệnh vững chãi nơi tuyến đầu chống dịch F0 khỏi bệnh vững chãi nơi tuyến đầu chống dịch

TTO - Với số ca mắc tăng cao, hệ thống chăm sóc điều trị có hạn, TP.HCM đang có kế hoạch tuyển tình nguyện viên F0 "gánh vác" một số công việc cùng với nhân viên y tế.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên