23/07/2021 11:10 GMT+7

Chuyên gia đề nghị 3 biện pháp giảm tải bệnh nhân COVID-19 cho bệnh viện TP.HCM

BS TRẦN SĨ TUẤN
BS TRẦN SĨ TUẤN

TTO - Các bệnh viện tại TP.HCM đang căng sức điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bình Dương cũng đang chuẩn bị đến ngưỡng quá tải... Làm sao để giảm tải cho bệnh viện, bệnh viện có thời gian điều trị bệnh nhân nặng?

Dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng F0 ngày càng tăng, mỗi ngày TP.HCM ghi nhận trên 2.000 ca và đang tiếp tục tăng, chưa có điểm dừng.

Các bệnh viện đã bắt đầu quá tải, TP.HCM đã tính đến phương án những F0 không triệu chứng sẽ cách ly theo dõi tại nhà. Quả thực tôi rất băn khoăn lo lắng.

Qua thực tế theo dõi và điều trị những ca F0 tại bệnh viện, các thầy thuốc nhận thấy có khoảng 5% không triệu chứng giả. Những trường hợp này phổi vẫn âm thầm bị tổn thương và chỉ trong thời gian ngắn đã phải thở máy, ECMO...

Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân khó có cơ hội được cứu sống. Cách ly F0 tại nhà nếu bệnh nhân diễn biến nặng, bất ngờ thì ta có xử trí kịp thời không, từ xe cứu thương, êkip bác sĩ, nhân viên y tế và trang thiết bị cấp cứu đi kèm?

Số lượng bệnh nhân diễn biến nặng từ nhóm cách ly tại nhà nhiều, chúng ta có đủ lượng xe cứu thương để ngay lập tức có mặt kịp thời không là một thách thức rất lớn. TP.HCM đường ngang ngõ tắt nhiều, xe cứu thương không vào được, chưa kể đến số nhà, tên đường tìm rất khó.

Bác sĩ có nhận biết và tiên lượng được diễn biến nặng của bệnh nhân không khi không trực tiếp thăm khám? Liệu có được bác sĩ tư vấn kịp thời không khi sẽ có hàng chục nghìn F0 được cách ly tại nhà và cần được tư vấn kịp thời, thường xuyên?

Khi cách ly F0 tại nhà, tất cả những tình huống trên phải được đặt ra. Chỉ khi nào bệnh nhân diễn biến nặng, bất ngờ mà ta đưa đến bệnh viện nhanh nhất để kịp thời cấp cứu thì ta mới thực hiện phương án này.

Những trường hợp F0 không triệu chứng theo dõi ở bệnh viện hiện nay được đo oxy máu ngày 2 lần, bác sĩ thăm khám trực tiếp và khi phát hiện bất thường được nhanh chóng chuyển vào ICU để cấp cứu. Chính điều này giúp Việt Nam có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với các nước khác.

Cách ly F0 tại nhà không phải là mới. Ví dụ như Hoa kỳ thời điểm mỗi ngày hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn ca nhiễm, y tế quá tải người ta cũng để F0 không triệu chứng hoặc nhẹ tại nhà. Nhưng ở Hoa Kỳ khác Việt Nam là nhà thông thoáng rất dễ tìm. Hệ thống bác sĩ gia đình rất tốt, mỗi người dân đều có bác sĩ theo dõi sức khỏe, được tư vấn và hướng dẫn thường xuyên.

Dù như vậy nhưng thực tế thì có rất nhiều bệnh nhân đã tử vong tại nhà vì không được cấp cứu kịp thời. Thời điểm bệnh viện ở Hoa Kỳ quá tải, tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 2-5% số ca tử vong trên số ca nhiễm, có ngày cao điểm lên đến 7%.

Việt Nam vốn là điểm sáng trên thế giới về khống chế dịch thành công và tỉ lệ tử vong rất thấp so với các nước có nền y học hàng đầu thế giới (tỉ lệ tử vong chung cả nước dưới 0,5%). Để khống chế dịch thành công, cả đất nước ta là một khối thống nhất đồng sức, đồng lòng dập dịch.

Chúng ta đã thần tốc truy vết khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, dập dịch tốt hơn các nước khác. Vì dập dịch tốt nên số lượng người nhiễm ít, y tế không bị quá tải nên tất cả F0 đều được nhập viện theo dõi và điều trị kịp thời. Chính điều này giúp tỉ lệ tử vong ở Việt Nam thấp hơn các nước có nền y học hàng đầu thế giới, chứ không phải bác sĩ ta giỏi hơn và càng không phải máy móc, trang thiết bị của ta hiện đại hơn họ .

Trước tình hình TP.HCM diễn biến dịch rất phức tạp với trên dưới 30.000 ca nhiễm cho đến nay và con số này tiếp tục gia tăng trong những ngày tới, bệnh viện quá tải, bác sĩ và nhân viên y tế kiệt sức. Vậy để giảm tải cho bệnh viện, theo tôi có 3 giải pháp:

- Hiện tại chúng ta đã cho F1 cách ly tập trung tại nhà, khu cách ly tập trung đã trống chỗ. Ta nên đưa tất cả các F0 không triệu chứng vào đây để theo dõi, khi phát hiện diễn biến bất thường, trở nặng thì khẩn trương đưa vào bệnh viện cấp cứu và điều trị.

- Khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu vực lân cận TP.HCM để chia lửa với TP.HCM (điều trị cho bệnh nhân cả TP.HCM và ở tỉnh). Lực lượng y tế chi viện cho TP.HCM sẽ vào các bệnh viện này. Tránh tập trung quá đông vào tâm dịch với rất nhiều bất cập.

- Giảm thời gian nằm viện điều trị của bệnh nhân COVID-19 (điểm này Bộ Y tế mới thay đổi).

Hy vọng với 3 giải pháp trên sẽ giúp giảm tải bệnh viện, cấp cứu và điều trị kịp thời cho tất cả các F0 và cũng an toàn cho cộng đồng.

Sáng 18-7, thêm 2.454 ca mắc COVID-19 mới, 1.756 ở TP.HCM, cả nước vượt 50.000 ca Sáng 18-7, thêm 2.454 ca mắc COVID-19 mới, 1.756 ở TP.HCM, cả nước vượt 50.000 ca

TTO - Sáng nay 18-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 2.454 ca mắc COVID-19 mới, 1.756 trong đó ở TP.HCM. Đáng chú ý số mắc cả nước từ đầu vụ dịch đã vượt 50.000 ca. Thủ tướng vừa ký quyết định giãn cách liên vùng với 19 tỉnh thành.

BS TRẦN SĨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên