27/06/2009 13:59 GMT+7

Chuyện gì đang xảy ra tại Cộng hòa Hồi giáo Iran?

KHÁNH LINH (CTV từ Tehran)
KHÁNH LINH (CTV từ Tehran)

TTCT - Thế giới những ngày qua ngạc nhiên chứng kiến làn sóng bạo động đổ máu ngay sau bầu cử tổng thống lần thứ 10 ở Iran, bộc lộ những mâu thuẫn trong lòng thể chế chính trị Cộng hòa Hồi giáo đã tồn tại 30 năm qua (theo nguồn tin cảnh sát Iran, số người thiệt mạng trong các vụ biểu tình xô xát đã lên tới 18 nạn nhân).

rujGRMGh.jpgPhóng to
Những người Iran biểu tình giơ cao các bức ảnh chụp cảnh lực lượng vũ trang trấn áp bạo động ngày 22-6 - Ảnh: AP

Mâu thuẫn xã hội

Trong xã hội Iran hiện nay tồn tại hai xu hướng đối lập nhau: một bộ phận dân chúng chủ trương cải cách, đa số là lớp trẻ được sinh sau Cách mạng Hồi giáo, và bên kia là những người theo trường phái bảo thủ, tuân thủ những chuẩn mực của Cách mạng Hồi giáo được xây dựng từ năm 1979 đến nay, thường là những người trung niên trở lên. Đi trên đường phố Iran, bạn dễ nhận ra hai hình ảnh tương phản: thanh niên ăn mặc cách tân dù vẫn phải theo quy định của luật lệ; áo dài trùm kín người, đầu đội khăn nhưng vẫn để lộ nét hiện đại dường như muốn phá vỡ những ràng buộc của luật pháp và giáo lý; trái ngược với chiếc chađor đen dài của những người chính đạo truyền thống.

Tin bài liên quan

Hội đồng giám hộ Iran: Chính thức xác nhận kết quả bầu cửIran tố cáo phương Tây “chống lưng” cho phe biểu tìnhBiểu tình ở Iran: Không chỉ vì chiếc ghế tổng thốngIran bắt giữ một số người nước ngoài Cơ quan bầu cử Iran: không hủy kết quả bầu cử Máu lại đổ trên đường phố Tehran Lãnh đạo tối cao Iran: không có gian lận bầu cử Iran cấm truyền thông nước ngoài

Những luật lệ hiện hành trong xã hội Iran: cấm uống rượu bia, hạn chế tụ tập nam nữ nơi công cộng cũng được coi là những hạn chế trong sinh hoạt của giới trẻ. Vì thế mà thanh niên Iran có những hình thức sinh hoạt riêng để thoát khỏi sự tù túng của luật lệ và giáo lý. Phổ biến nhất là tổ chức những buổi tiệc tối cuối tuần cùng bạn bè quy mô nhỏ.

Tại các buổi tiệc này họ thật sự là những “con người thật” trút bỏ hoàn toàn lớp áo khoác bên ngoài xã hội công cộng - nhảy múa, ca hát, bia rượu, ăn mặc rất thoáng, giao tiếp cởi mở... Sự phát triển của các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội càng tạo điều kiện cho việc mở rộng giao tiếp này của những người cải cách. (Xem bài “Điện ảnh dự báo về xung đột ở Iran” trang 30).

Ứng cử viên - cựu thủ tướng Mousavi với đường lối tranh cử cởi mở hơn, đặc biệt là với những cam kết về thay đổi chính sách đối nội, đã đánh trúng tầng lớp thanh niên sinh viên có xu hướng cấp tiến này. Họ chiếm đa số những người xuống đường biểu tình, cho rằng chính ông Mousavi là người đại diện lợi ích thiết thực của họ.

Nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong xã hội Iran theo tư tưởng Hồi giáo dân tộc cực đoan, bảo thủ. Con cái họ cũng được giáo dục theo tư tưởng đạo Hồi chính thống, sùng bái và tuân theo những chuẩn mực của giáo lý đạo Hồi. Trong hầu hết cơ quan công quyền, lực lượng vũ trang của Iran hiện nay đều là những người theo tư tưởng này. Đương kim Tổng thống Ahmadinejad được coi là đại diện cho những người theo trường phái này, với đường lối đối nội chú trọng vào dân nghèo nông thôn và chính sách đối ngoại cứng rắn.

Cần nói là mâu thuẫn của dân chúng Iran giữa những người ủng hộ cải cách và bảo thủ đã có từ vài thập niên, kể từ khi phái bảo thủ lên nắm quyền. Bạo loạn và biểu tình vừa qua tại Iran biểu hiện cuộc đấu tranh giải quyết những mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng nói trên.

Mâu thuẫn trong hệ thống chính trị

Nhìn trên bối cảnh chung của xã hội Iran có thể thấy xu hướng ủng hộ đối với ứng viên Mousavi là rất lớn. Người dân Iran có tinh thần độc lập rất cao, đặc biệt là tư tưởng chống Mỹ. Khi những căng thẳng giữa Iran với Mỹ và phương Tây lên đến cao trào thì tư tưởng độc lập dân tộc của người dân Iran cũng lên cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thái độ Mỹ và phương Tây ôn hòa hơn đã cổ xúy cho những người cải cách đấu tranh chống lại phe bảo thủ.

Hệ thống chính trị Iran đặc biệt hơn so với các nước khác trên thế giới, vừa mang tính chất cộng hòa vừa mang tính chất Hồi giáo, được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: đứng trên hết là lãnh tụ tối cao, kế đến là tổng thống, quốc hội, hội đồng chuyên gia, hội đồng giám hộ hiến pháp, hội đồng phân giải, tòa án tối cao, cơ quan an ninh và tình báo.

Lãnh tụ tối cao là người đứng đầu cơ cấu quyền lực, được trao quyền quyết định và giám sát thực hiện “chính sách tổng thể nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”, đảm bảo sự phù hợp giữa chính trị và tôn giáo, quyết định chiến tranh hay hòa bình.

Mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt trong đội ngũ lãnh đạo Iran trước hết là mâu thuẫn về lợi ích kinh tế. Trước khi bầu cử diễn ra, nhiều quan chức chính phủ và quốc hội, các nhà kinh tế lớn của Iran theo phe cải cách đã chỉ trích sự yếu kém của chính phủ, yêu cầu thành lập ủy ban điều tra về những thâm hụt ngân sách, tham nhũng trong chính quyền...

Trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Ahmadinejad, có tới mười bộ trưởng (bộ trưởng dầu mỏ, nội vụ, kinh tế, thông tin, thống đốc ngân hàng...) và nhiều quan chức trong các ngành chủ chốt bị thay thế. Đây được xem là sự thanh lọc nội bộ, hạn chế tối đa những lực cản đối với hệ thống quyền lực và cũng là sự chuẩn bị cho bầu cử lần này của ông Ahmadinejad. Trên thực tế, chính phủ của ông Ahmadinejad trong nhiệm kỳ qua không thành công trong việc thực hiện chính sách đề ra, bất cập trong chính sách kinh tế, hạn chế trong cơ cấu lại nền kinh tế tránh phụ thuộc dầu lửa.

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, giá dầu thấp, nguồn thu dầu lửa giảm đã tác động mạnh đến nền kinh tế Iran. Cấm vận của LHQ, Mỹ và phương Tây gây khó khăn cho kinh tế đối ngoại, tài chính Iran. Lạm phát năm 2008 là 28%, tháng 5-2009 là 26,5%, giá tiêu dùng tăng 20%, quỹ bình ổn giá dầu giảm, nay chỉ còn khoảng 20 tỉ USD... những con số này thật sự gây bất bình cho người dân Iran và từ khó khăn kinh tế đã làm bùng phát cuộc đấu tranh chính trị.

Sự phân hóa trong hệ thống quyền lực của Iran dẫn đến mâu thuẫn về mối quan hệ lợi ích. Nhóm người có quyền lực và kinh tế được hưởng lợi từ thành quả Cách mạng Iran, chủ yếu là từ nguồn thu dầu khí và kiếm lợi từ tài sản công, đã trở thành những ông chủ “kinh tế mang màu sắc chính trị”. Nhiều chính trị gia đánh giá đây là nhóm người có quyền lực nhất trong chính trường và xã hội Iran, lập thành một “chính phủ vô hình”, đứng sau những quyết định, chính sách của chính phủ đương thời.

Chính vì thế họ không dễ dàng từ bỏ những quyền lợi mà phải bảo vệ nó thông qua quyền lực. Ngược lại, một bộ phận những người theo tư tưởng cấp tiến, với quyền lợi và quyền lực hạn chế hơn, không chấp nhận trật tự chính trị, kinh tế đang tồn tại đã lên tiếng đấu tranh đòi hỏi có sự thay đổi về chính sách đối ngoại. Họ cho rằng Iran từng là cường quốc khu vực với đời sống, thu nhập người dân cao, chính phủ hiện thời phải chịu trách nhiệm về sự sụt giảm mức sống hiện nay. Cuộc bầu cử lần này là cơ hội tốt để nhóm người này đấu tranh thực hiện mục tiêu của mình, muốn một sự thay đổi cởi mở và dân chủ, hòa nhập hơn với cộng đồng quốc tế.

Tác động quốc tế đối với nội bộ Iran

Một khía cạnh rất quan trọng tác động mạnh đến nội bộ Iran trong cuộc bầu cử lần này là sự thay đổi của môi trường quốc tế. Trong suốt nhiệm kỳ của ông Ahmadinejad, quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây thường xuyên căng thẳng, liên quan đến vấn đề hạt nhân và những hành động hỗ trợ của Iran cho các lực lượng thân hữu khu vực như Hezbollah (Libăng), Hamas (Palestine), Syria, lực lượng Shiite ở Iraq. Iran gặp nhiều khó khăn do cấm vận quốc tế. Những người Iran chủ trương cải cách cho rằng chính phủ đương nhiệm đã và đang thực hiện một chính sách cứng rắn làm Iran bị cô lập với thế giới.

Khi ông Obama lên lãnh đạo nước Mỹ, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran về vấn đề hạt nhân và quan hệ Iran - Mỹ, triển khai toàn diện chính sách tại Trung Đông... đã đặt Iran vào tình thế phải thay đổi, làm nảy sinh cuộc đấu tranh về tư tưởng trong nội bộ Iran, gây phân hóa nội bộ, đối thoại hay không đối thoại với Mỹ và phương Tây. Mặt khác, LHQ, các nước lớn cũng đang điều chỉnh chiến lược, gây sức ép đối với Iran về vấn đề hạt nhân và những vấn đề khu vực, buộc Iran phải có những ứng xử phù hợp hơn.

Bạo động và biểu tình phản đối của dân chúng sau bầu cử với sự tham gia của hàng vạn người đã gây áp lực lên lãnh tụ tối cao Khamenei, buộc ông phải đưa ra quyết định điều tra lại kết quả bầu cử. Tuy nhiên, cuối cùng lãnh tụ tối cao tuyên bố ủng hộ kết quả bầu cử, thể hiện sự bảo vệ đường lối Cách mạng Hồi giáo, hạn chế những nguy cơ bên trong và âm mưu lật đổ chế độ từ bên ngoài.

Những gì diễn ra trong cuộc bầu cử lần này là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hệ thống chính trị Cộng hòa Hồi giáo Iran, có thể trong thời điểm này lực lượng bảo thủ chiếm ưu thế nhưng trong tương lai không xa, nếu không có sự điều chỉnh về chính sách và luật lệ xã hội thì nguy cơ bất ổn sẽ tiếp tục xảy ra.

Thế giới Ả Rập phản ứng như thế nào?

Tổ chức Liên đoàn Ả Rập - đại diện cho khối Ả Rập - lên tiếng ủng hộ kết quả bầu cử, các lực lượng thân hữu của Iran gồm các nước Libăng, Syria, Bahrain, Qatar, Kuwait, lực lượng Hezbollah (Libăng), Hamas (Palestine) vui mừng trước thắng lợi của đương kim Tổng thống Ahmadinejad, đáng chú ý Ai Cập là nước thân Mỹ cũng theo xu hướng này.

Các nước láng giềng Iran như Iraq, Pakistan, Afghanistan, Kyrgystan chúc mừng ông Ahmadinejad thắng cử. Điều dễ hiểu là khi ông Ahmadinejad nắm quyền với quan điểm đối ngoại như hiện nay, các lực lượng thân hữu Ả Rập sẽ có lợi hơn về lợi ích an ninh và chính trị, bởi họ được xem là lực lượng đồng minh Iran cùng chung tư tưởng chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại khu vực.

Tuy nhiên, một số nước Ả Rập thân Mỹ và phương Tây tỏ ý quan ngại và đang quan sát cẩn trọng diễn biến tình hình của Iran. Chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Ahmadinejad, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân, là mối lo ngại trực tiếp đối với an ninh của các nước này.

Một khía cạnh đáng chú ý là giới truyền thông Ả Rập và vùng Vịnh với sự kiểm duyệt gắt gao của chính phủ, các thông tin bình luận thường mang tính chủ ý thể hiện quan điểm của giới lãnh đạo có xu hướng ủng hộ ứng cử viên Mousavi. Các tờ báo lớn trong khu vực như Al Bayan, Al Dahra, Khaleej Times, Gulfnews đều đưa những bài bình luận không mặn mà với việc thắng cử của ông Ahmadinejad, phân tích những thách thức đối với Iran và khu vực nếu ông Ahmadinejad tiếp tục nắm quyền.

KHÁNH LINH (CTV từ Tehran)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên