Bức ảnh trên poster Màu cỏ úa là hình ảnh Trần Tiến mà gia đình ông muốn lưu giữ trong mắt công chúng - Ảnh: ĐPCC
Cô gái, nhà làm phim Lan Nguyên, bằng tất cả sự chân thành, tỉ mẩn, nhạy cảm và cầu tiến của một người trẻ, đã kịp lưu lại tính cách lãng tử, những đúc kết về cuộc sống, gần hơn cả với triết học, từ người nhạc sĩ tài hoa và làm bùng cháy những giai điệu cùng ca từ đẹp đẽ chưa bao giờ bị lãng quên...
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
Bộ phim (ra rạp từ ngày 23-11) là chuyến du ca xúc động của Trần Tiến trong những năm tháng tuổi già, lồng ghép các lát cắt về một tuổi trẻ rực rỡ và phiêu lưu.
Bộ phim đen trắng đầy sắc màu
Đầu phim, khi Trần Tiến nghiêng đầu, nheo mắt và nói chào ống kính, Màu cỏ úa đã sử dụng góc quay cận mặt nhạc sĩ, thể hiện điểm nhìn gần gũi. Nhà làm phim như đang ngồi ngay trước mặt, nhìn thẳng vào mắt Trần Tiến khi ông nói ra những tâm sự ấy, khi ông nâng cốc bia hơi vỉa hè, hay khi ông cất lên tiếng ca phiêu lãng, tự do bên bờ biển.
Trừ các đoạn phim tư liệu hay phong cảnh, góc quay trong phim hầu như rất hẹp, xoay quanh Trần Tiến, không tả rõ bối cảnh ông đang ngồi hay giới thiệu kỹ những người xung quanh ông, dù họ là những người nổi tiếng như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn hay ca sĩ Tấn Minh, Uyên Linh. Những ai được lên hình đều là người ngồi cạnh, đứng cạnh hoặc hát cạnh Trần Tiến. Ông là trung tâm của bộ phim, đúng nghĩa.
Cũng với điểm nhìn gần gũi ấy, êkip Màu cỏ úa được chào đón bước vào thế giới của Trần Tiến. Ông mở cửa ngôi nhà của mình và mở lòng với đạo diễn Lan Nguyên và những người trẻ khác. Ông làm bạn với chiếc ống kính trên những nẻo đường du ca. Nhiều lúc, máy quay rung giật theo bước chân, tạo nên cảm giác chân thực nhất có thể.
Với lòng ngưỡng mộ của đạo diễn Lan Nguyên dành cho nhân vật, Màu cỏ úa là bức tranh tưởng như đen trắng (tông màu của phim) nhưng thực ra ăm ắp những mảng màu. Đó là màu "xanh xanh, vàng vàng, nâu nâu, tím tím, xanh lam, chàm, đen đen, trắng trắng" (trong bài hát kinh điển Sắc màu) và nhiều sắc màu khác trong âm nhạc Trần Tiến, cũng như cuộc đời kỳ thú của ông.
Phim là bản tình ca dành cho Trần Tiến, cho âm nhạc của ông, cho cuộc đời đáng sống này, cho những người "sống cùng ông trên Trái đất thân yêu". Dù không quá hệ thống về dòng thời gian, phim vẫn điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Trần Tiến từ khi còn trẻ, là một người lính, đến thời bình, vào Sài Gòn lập nghiệp, thả hồn trên những chuyến du ca đồng nội và khi về già nhìn lại.
Có những đoạn phim tư liệu đáng quý như khi Trần Tiến phiêu cùng tiếng hát của Trịnh Công Sơn với ca khúc Tiến thoái lưỡng nan của Trịnh, hay những tâm sự cuốn hút của ông về ý nghĩa đằng sau các bài hát, lúc ông tự hào kể cậu bé nước ngoài 11 tuổi thuộc làu làu nhạc ông. Có thể nói, nhạc sĩ viết những ca từ giàu triết lý nhưng giai điệu của ông lại rất "toàn cầu", rất biết kể chuyện, ai cũng có thể yêu và thấu cảm.
Dường như không có khoảnh khắc nào ông không sống hết mình. Đó cũng là cách hay để con người ta đi hết những năm tháng dài và đầy biến động giữa hai thế kỷ.
Quả thực khi chứng kiến Trần Tiến tuổi trên 70 vẫn rong ruổi du ca, người xem cảm thấy tình yêu cuộc sống cuộn chảy sục sôi bên trong mình. Tất cả bài hát của ông đều quen thuộc, chất chứa kỷ niệm với nhiều thế hệ người Việt Nam. Nếu không e dè, khán giả có thể cất giọng ngay trong rạp hay nghẹn ngào để nước mắt rơi.
Những mặt trời bé con
Dù sao, 80 phút phim dường như là quá ngắn để khắc họa một cuộc đời như thế, hay bất cứ cuộc đời nào. Phim không đặt mục tiêu to tát là khái quát cuộc đời Trần Tiến hay kể một câu chuyện có đầu có cuối và đủ các tình tiết thắt mở, đầy đủ thăng trầm. Màu cỏ úa, nói đúng ra, là những lát cắt từ các chuyến du ca của Trần Tiến trong 5 năm trở lại đây, ghép với các lát cắt từ phim tư liệu về ông thời trước.
Chính vì là những lát cắt, phim đôi khi gây khó hiểu về mốc thời gian, không phác họa đầy đủ hệ thống tác phẩm và sự nghiệp huy hoàng của Trần Tiến. Các quan điểm nghệ thuật của ông, chắc hẳn đều sâu sắc và quan trọng đối với nền âm nhạc Việt Nam, cũng không được ghi lại rõ ràng.
Màu cỏ úa nương nhờ được cảm xúc dồi dào có sẵn của mọi người dành cho âm nhạc Trần Tiến. Khi những bài hát vang lên, không gian như nhòe dần và mỗi người chìm đắm trong những ký ức riêng: Giấc mơ Chapi, Mặt trời bé con, Một mình, Sắc màu, Vết chân tròn trên cát, Điệp khúc tình yêu, Dòng sông mùa thu, Quê nhà, Về đi em, Thành phố trẻ...
Thế nhưng thứ gây xúc động không kém chính là người xem dễ dàng nhận ra sự chân thành của những người làm phim đằng sau khung hình. Đó là tấm lòng yêu mến Trần Tiến gần như thuần khiết. Họ - những người trẻ 9X và của thế hệ Z - giống như những cô bé, cậu bé trong ca khúc Mặt trời bé con, sau hàng thập niên vẫn "nhìn qua khe" để lắng nghe tiếng đàn Trần Tiến.
Sau hàng thập niên, âm nhạc của ông vẫn là "trời xanh như ước mơ tuổi thơ", là "dòng sông mang cánh buồm khát vọng". Và vì những khán giả như vậy, "hạnh phúc đơn sơ" của Trần Tiến sẽ kéo dài mãi mãi.
Có thể nói Màu cỏ úa cũng là một chuyến du ca. Nếu nội dung dày dặn và kỹ lưỡng hơn, phim sẽ là một tác phẩm tài liệu đáng nhớ hơn nữa.
"Đây là lần thứ 4 tôi xem bộ phim này và tôi vẫn khóc như lần đầu" - chị Trần Xuân Nhật Vy, con gái nhạc sĩ Trần Tiến - nói với Tuổi Trẻ.
Trong bộ phim, chị chia sẻ: "Tôi đi du học từ năm 17 tuổi, tức 16 năm xa nhà. Như cha tôi từng viết trong bài hát Mẹ tôi: Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Ở nước ngoài, tôi hay ngồi trên tàu điện ngầm nghe nhạc của cha. Mỗi lần nhớ gia đình, tôi vẫn nghe nhạc của cha. Nước mắt chảy từ lúc nào". Nhật Vy nói tên của chị gái cô là Thảo Nguyên - đồng cỏ, còn tên mình có nghĩa là "mặt trời bé con".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận