Những động tác như đập đuôi ván, trượt bằng đuôi ván, dùng chân bắt ván, xoay người cùng xoay vòng, lật ván được các Skater (người chơi trượt ván) thực hiện thuần thục, khiến cho nhiều người đi ngang phải nán lại, vừa xem vừa trầm trồ khen. Tuy nhiên, để có được những động tác đẹp mắt đó, họ phải trải qua một quá trình tập luyện cực kì gian khó, đòi hỏi niềm đam mê và quyết tâm mới có thể đeo đuổi tới cùng.
Môn thể thao tốn kém
Hiện nay, phong trào tập luyện và chơi trượt ván của giới trẻ rất phát triển ở hai thành phố Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy nhiên, ở TP.HCM thì môn này còn khá mới mẻ và chưa được phổ biến rộng rãi. Ngoài công viên 23-9 thì chỉ có một nhóm Skater khác tập trung sinh hoạt ở công viên Gia Định.
Vì thế mà những trang bị của môn trượt ván cũng rất hạn chế. Theo các Skater thì để chơi môn này, ngoài ván trượt cần phải trang bị đầy đủ: Quần áo, giày thể thao chuyên dụng dùng để trượt ván. Tuy vậy, các bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc đa phần không có những trang bị vừa nêu. Một phần vì các dụng cụ chơi môn trượt ván khan hiếm, phần khác vì nó rất đắt đỏ.
Riêng ván trượt môn này cũng đã khiến nhiều Staker tốn không ít tiền. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại ván trượt, nhưng an toàn và đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật cho người chơi thì chỉ có ván được sản xuất từ Mỹ và Canada, giá trên dưới 5 triệu. Loại thứ hai là ván trượt Trung Quốc hoặc Hong Kong có giá vài trăm nghìn dễ khiến người chơi gặp tai nạn bởi chất lượng kém, không đáp ứng tiêu chí kỹthuật.
Bạn Lý Chánh Khoa, 14 tuổi, đang học trường THCS Lý Thế Vinh nói: “Tôi mới chơi môn này, mới vào phải trang bị ván trượt giá 1 triệu rưỡi, ván xịn dành cho người biết chơi thì giá từ 4 triệu rưỡi đến 5 triệu, thấy tôi thích quá nên bố mẹ cố gắng mua bằng được tấm ván trượt cho tôi”.
Vượt qua gian khổ và những lần chấn thương
Bạn Nguyễn Hoài Giang, 19 tuổi, quê Đà Nẵng cho biết: “Mọi khi tôi cũng ra đây chơi trượt ván với mấy bạn nhưng hai bữa trước tôi bị ngã xước đầu gối nên bữa nay nghỉ. Chơi môn này, đầu gối và khuỷu tay thường xuyên bị thương”. Khi tiếp xúc với các Skater, chúng tôi thấy, chân và tay của họ đầy những vết xẹo. Chơi ván trượt rất dễ bị ngã, chỉ cần một động tác không đúng thời điểm cũng có thể gây ra chấn thương, nhẹ thì bầm, trầy xước, trật chân nặng thì gãy tay, gãy chân.
“Nguy hiểm nhưng vì nó tạo cảm giác mạnh và tôi đam mê thể hiện bản thân nên quyết định chơi trượt ván” - bạn Hoài Giang cho biết lý do đến với môn trượt ván.
Có được tấm ván trượt xịn nhưng các Skater muốn đạt được trình độ cao thì đòi hỏi người chơi phải có nhiều thời gian, mà không biết bao nhiêu lần phải làm bạn với chấn thương. Lê Anh Khôi, 16 tuổi cho biết: “Tôi mất vài tuần để làm quen, tập giữ thăng bằng và đi trên ván, những ngày mới chơi thì đầu gối và khuỷu tay thường xuyên bị trầy xước”.
Sau quá trình mà Khôi vừa nêu, thì những Skater sẽ phải học được bước nhảy đầu tiên, và cũng là cơ bản nhất của trượt ván là ollie (nhảy kéo ván theo), Khôi chia sẻ:“Phải mất rất thời và chịu nhiều chấn thương, tôi mới làm được động tác này”.
Nhiều Skater hiện nay ở TP.HCM đều không được đào tạo, không được hướng dẫn, cũng chưa được tổ chức bài bản. Bạn Hoài Giang chia sẻ thêm: “Bọn tôi phải tự học, lên trên mạng xem các skater chuyên nghiệp làm rồi làm theo, ai học được kỹ thuật nào thì truyền lại cho người khác”.
Thế mới thấy, để theo đuổi đam mê, các bạn trẻ phải hy sinh rất nhiều, từ việc vượt qua những chấn thương, trang trải khoản chi phí đắt đỏ cho thiết bị, nỗ lực và kiên trì tập luyện trong khoảng thời gian dài.
Khi tất cả đứng nhìn một Skater thực hiện cú ollie qua chướng ngại vật, một Skater khác nói rằng, sẽ rất tiếc nếu môn thể thao đường phố mạo hiểm này không phát triển rộng rãi ở thành phố lớn như TP.HCM.
Một Skater đang chơi môn trượt ván. Ảnh: Thanh Hiếu |
| ||
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận