10/09/2016 11:00 GMT+7

Chuyện của Công và VĐV khuyết tật

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Không phải đợi đến hôm qua cái tên Lê Văn Công mới nóng trên mạng, bởi Công đã nổi đình nổi đám gần cả chục năm nay rồi, đặc biệt từ sau Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á tại Incheon (Hàn Quốc) 2014 khi đoạt HCV và phá kỷ lục thế giới.

Gương mặt xúc động của Công trên bục nhận huy chương. Ảnh: REUTERS

 

Thậm chí nếu đoàn thể thao VN trước giờ xuất quân dự Olympic 2016 chẳng ai dám mơ vàng, thì đoàn VĐV khuyết tật lại tràn đầy tự tin. Trong một buổi sáng ngồi họp bàn lễ xuất quân tại khách sạn Continental ở Sài Gòn, cả trưởng đoàn Phạm Văn Tuấn (tổng cục phó Tổng cục TDTT) và ông Phạm Ngọc Sơn (giám đốc Trung tâm TDTT Tân Bình, cái nôi số một của thể thao người khuyết tật tại VN) cùng cười và bảo: “Hãy tin đi, chuyến này chúng tôi có ít nhất một vàng”. Hỏi ai? Cả hai cùng bảo: Lê Văn Công!

Nhưng khi nói về thể thao người khuyết tật, chuyện thành tích tuy cũng quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là chuyện mà họ đem lại cho người đời qua tấm gương phấn đấu đến kinh ngạc. Tất cả VĐV khuyết tật chứ không riêng gì Công đều có một mẫu số chung là gia đình rất khó khăn, bệnh tật từ nhỏ. Và tất cả cùng vươn lên bằng ý chí thép.

Vâng, ý chí thép là điều các VĐV khuyết tật mang đến bài học cho chúng ta. Nó mạnh mẽ đến độ ông Vũ Công Lập - một nhà khoa học và cũng là một cây bút bình luận bóng đá nổi tiếng - đã phải tuyên bố sau một chuyến đi cùng đoàn VĐV khuyết tật đến Incheon năm 2014: “Từ nay, tôi chán viết bóng đá để chuyển sang viết về thể thao người khuyết tật”. Hỏi tại sao, ông Lập bảo: “Họ - các VĐV khuyết tật - tuyệt vời quá. Có đi cùng họ mới thấy hết khả năng kinh khủng của con người - mà lại là người khuyết tật. Điều đó khiến tôi nghĩ nếu người lành lặn mà học làm theo được như các VĐV khuyết tật, chúng ta sẽ phát triển kinh khủng lắm!”.

Sau lần đi Incheon dẫn đến việc đổi ngôi tình yêu thể thao, ông Lập tâm sự: “Chúng ta chưa có nền kinh tế đảm bảo điều kiện vật chất như Nhật. Mặt khác, chúng ta nghĩ về thể thao khuyết tật vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ. Và hơn nữa, chúng ta chưa thấy được sức mạnh tiềm tàng của người khuyết tật trong cả xã hội”. Được biết tại Incheon, các lực sĩ cử tạ của Nhật tuy được chăm sóc đến mức không thể nào tốt hơn nhưng VĐV của họ ở chung hạng cân của Lê Văn Công chỉ nâng được 127kg, trong khi đó nhà vô địch của chúng ta là... 183kg! Nghèo hơn, khổ hơn nhưng lại khỏe hơn. Đó là nhờ đâu, nếu không phải là ý chí?

Ý chí thép của Lê Văn Công không chỉ là chuyện tập thể thao, không chỉ là chuyện bươn chải trong cuộc sống, mà còn cả trong chuyện tình yêu. Để lấy được người vợ Chu Thị Tám lành lặn, Công cũng phải chiến đấu không thua gì với mấy tạ thép để thuyết phục gia đình vợ, vốn ban đầu không đồng ý vì sợ con gái khổ. Câu chuyện tình yêu tuyệt vời này tôi xin không nói kỹ vì đã được khai thác rất nhiều rồi.

Và cuối cùng, mọi người đã bao giờ thấy Công và đồng đội khiêu vũ chưa? Thật tuyệt! Trên những chiếc xe lăn, họ nhún nhảy thật sinh động và vui nhộn. Chỉ một lần nhìn thấy cảnh ấy, tôi tin rằng dù u uẩn đến mấy, bạn vẫn thấy cuộc sống này đẹp biết bao.

Xin cảm ơn Lê Văn Công và các VĐV khuyết tật. Người lành lặn chúng tôi tiếp tục chờ tin báo tiệp của các bạn từ Rio...

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên