![]() |
Minh họa: Phong |
Người cha bạc phận
Hoàn cảnh của ông thật ra không phải là người vô gia cư. Ông cụ có sáu người con, hai trai, bốn gái. Suốt một đời quần quật lam lũ, ông bà tạo lập được một khu vườn ở Nhơn Bình, ngoại ô TP Qui Nhơn, rộng gần 600m2.
Cả sáu người con được nuôi dưỡng khôn lớn, trưởng thành. Khi Nhơn Bình từ một xã vùng ven trở thành một phường của thành phố, giá đất tăng vọt, ông bà có bụng mừng, định viết di chúc chia đều cho các con. Thế nhưng...
Cách đây hai năm, người con cả là ông Nguyễn Văn M. (53 tuổi) bị thua lỗ sau những mùa tôm, sinh ra nghiện ngập, cờ bạc, nợ nần đã quay về chiếm ngôi nhà và khu vườn của cha mẹ để cầm cố. Năm người em phản đối, đồng loạt ký đơn kiện ra tòa đòi chia tài sản.
Hôm ra tòa dân sự cuối tháng 6-2006, khi hội đồng xét xử chất vấn, người con cả vẫn cứ khăng khăng: “Tui là con trưởng, tui có quyền thừa hưởng tài sản của cha mẹ và có trách nhiệm cúng kiếng, thờ tự ông bà, còn chuyện nuôi nấng thì đó là việc chung, anh em phải góp gạo, góp công...”.
Ông bà cụ chỉ đứng lặng trước tòa, nặng tai, không nghe rõ hội đồng xét xử hỏi gì, chỉ phều phào một câu: “Xin tòa đừng cho nó lấy khu vườn nhà để đánh bạc”. Và dĩ nhiên tòa đã “không cho nó lấy” mà phán quyết chia đều cho những người con theo nguyện vọng của cha mẹ. Nhưng rồi...
Một thời gian ngắn, vì đau buồn bà sinh bệnh rồi mất trong cảnh nghèo, thiếu thuốc thang, chăm sóc và thiếu một chốn nương thân vì ngôi nhà kia đã có người khác chiếm do ông con cả chưa trả hết nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Còn ông cụ ban đầu mỗi tháng sống ở nhà mỗi đứa con năm ngày.
“Tui già, mỗi bữa chỉ lưng chén cơm nhưng nhìn bầy cháu thiếu thốn nhường cơm, nhường cháo cho ông, tui nuốt sao đành...”. Ông trở thành kẻ vô gia cư suốt hai năm qua. Ông cụ kể rằng ông không dám lang thang ở Qui Nhơn vì sợ mang tiếng cho những đứa con bây giờ chúng không thèm nhìn mặt nhau, và hơn nữa ông xấu hổ với họ hàng, làng mạc khi có người hỏi thăm.
“Ai cho cơm thì ăn, ai cho gạo thì tui bán góp ít tiền, cố để dành mua mấy bao ximăng làm mộ cho bà ấy. Tội nghiệp, tấm bia cho mẹ mà chúng nó cũng đùn đẩy, chẳng đứa nào lo. Tui mang hình bà ấy và cái chứng minh trên ngực để lỡ chết ở đâu đó thì người ta điện về cho các con nhận xác”.
Cách đây hai tháng, ông đã góp được gần 200.000 đồng dành xây mộ, nhưng khi lần mò về thăm đứa con trai út, thấy các cháu rách rưới quá ông đưa hết cho chúng. “Nước mắt chảy xuôi, con cháu như núm ruột...”. Chỉ có đứa cháu nội tên là Huy đã 12 tuổi, thấy ông vác bị gậy ra đi, nó níu áo ông, ngằn ngặt khóc: “Cho cháu đi theo dìu ông đi chứ ông ngã ngoài đường chết mất...”.
Trong khoảng năm năm qua, khi xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển, đất đai ở các khu vực ven TP Qui Nhơn và các thị trấn tăng giá thì ngày càng có nhiều vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến vấn đề thừa kế đất đai, ước tính khoảng 40% trong tổng số các vụ án ở tòa dân sự - chánh án tòa dân sự (TAND tỉnh Bình Định) Nguyễn Thị Thúy Hồng nhận xét. Các giềng mối quan hệ huyết thống, xóm làng vốn rất tốt đẹp ở những vùng quê, nay không hiếm nơi đã bị đổ vỡ, đảo lộn... |
Ở thị trấn Phù Mỹ (Bình Định) người ta vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện...“nồi da xáo thịt”. Cha mất sớm, người mẹ thủ tiết thờ chồng nuôi con. Hai anh em Lê Ngọc Y. và Lê Thị N. đều đã trưởng thành, yên bề gia thất. Lê Ngọc Y. sau khi học xong trung cấp địa chất Tuy Hòa, lên Tây nguyên làm ăn. Cô em gái Lê Thị N. lớn lên lấy chồng và ở chung với mẹ.
Mẹ già ốm đau triền miên, chỉ một tay người con gái út lo toan, săn sóc. Chàng rể cũng là người tốt bụng, như con trai trong nhà. Lưu lạc hàng chục năm ở Tây nguyên làm ăn cuối cùng chẳng đâu vào đâu, người anh dắt díu vợ con về quê, che một căn nhà nhỏ ở góc vườn của mẹ.
Mọi chuyện cúng giỗ đều giao cho vợ chồng người em gái vì “nó được ở trong nhà mẹ”. Rồi những ngày họp họ hàng, lời ra tiếng vào, không ít kẻ xấu bụng mè nheo, khích bác. Ban đầu là chuyện nho nhỏ: đàn gà sang bới phá vườn rau dẫn đến tiếng chửi đuổi, chuyện bán cây xoan trong vườn, người anh đòi chia tiền... Xích mích nhỏ nhặt cứ thế xảy ra.
Bị anh vợ xúc phạm nhiều lần, người em rể phẫn quá bỏ đi biền biệt với lời thề chỉ trở về khi đã giàu có... Gia đình người em gái tan vỡ. Rồi người mẹ mất đột ngột. Sau đám tang mấy hôm, Lê Ngọc Y. sang nhà mẹ vặn em gái: “Mày đưa hết tiền phúng viếng mẹ cho tao để sau này tao còn lo chuyện ơn nghĩa hàng xóm”.
Cô em gái đưa hết tiền cho anh. Sau khi đếm xong mấy trăm ngàn, người anh tát vào mặt em gái: “Mày tham thế, tao đã bí mật theo dõi, ghi tên từng người phúng viếng, mày định ăn xén hả. Đã thế thì tao đuổi thẳng, từ mai mày không được ở trong ngôi nhà của mẹ nữa”.
Họ ra tòa mà không nhìn mặt nhau. Tòa xử người em gái được ở lại ngôi nhà ấy nhưng cách đây mấy tháng ba mẹ con đã phải bồng bế dắt díu nhau về quê chồng vì không chịu nổi cảnh ngày ngày nghe vợ chồng người anh chửi bới, đòi đốt cửa đốt nhà.
Tôi đã gặp người em gái bất hạnh kia ở Mỹ Chánh, một xã phía đông huyện Phù Mỹ. Giờ đây mấy mẹ con chị ngày ngày đi làm công trên đồng muối, hết làm ở Mỹ Chánh lại sang tận cửa biển Đề Gi (Phù Cát). “Nhớ lại thấy xót như xát muối trong ruột gan, mẹ nhắm mắt cũng không yên lòng. Người ta nhiều, mình chỉ hai anh em mồ côi, vậy mà...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận