Kỷ niệm 3 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Phóng to |
Ảnh: Lê Hưng |
Đào Hoa Nữ và "tấm thảm bay" Một cõi đi về
Có dịp đến thăm khu tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở quán Hội Ngộ (Khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh) hẳn bạn sẽ dừng lại rất lâu trước bức ảnh lớn chụp nhạc sĩ đang ngồi chơi guitar trên nền ca khúc Một cõi đi về khổng lồ, bản nhạc tựa như một tấm thảm bay để "Aladin - Trịnh Công Sơn" phiêu du...
Nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ - tác giả bức ảnh kể: "Hồi Nữ còn là một cô bé thì anh Sơn đã nổi tiếng. Trước khi cầm máy ảnh, Nữ vốn là... "ca sĩ - sinh viên". Ở Huế, nhà Nữ ở Phú Cam, còn nhà anh Sơn... gần cầu Phú Cam - nghĩa là rất gần nhau, cả địa lý lẫn "nghề nghiệp", nhưng vốn ngại tiếp xúc với người nổi tiếng nên Nữ không dám cầu thân. Chỉ đến những năm 1977 - 1980, Nữ mới có dịp đi hát "giới thiệu ca khúc mới" với các anh Trịnh Công Sơn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Nam, Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn..
Phóng to |
Trịnh Công Sơn và "tấm thảm bay" Một cõi đi về - Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Rồi không biết có phải do "linh cảm" một điều sẽ xảy ra hay không mà Nữ đã mua một cuộn giấy cứng khổ lớn (bề ngang 1,6 mét - dài 5 mét), kẻ khuôn nhạc và viết lên đó những nốt nhạc của ca khúc Một cõi đi về, còn phần tựa và lời sẽ nhờ anh Sơn ghi vào, như là thủ bút của tác giả. Nữ trao đổi với anh Sơn và được anh đồng ý.
Một hôm anh gọi Nữ đến, vẽ chữ xong, anh và Nữ treo bản nhạc lên, phần cuối chạm nền nhà như hình chữ L, anh Sơn ôm đàn ngồi vào đó và hát chính bản nhạc "nền" này. Nữ chụp chân dung anh ở nhiều góc độ, nhiều tư thế nhưng mới chụp được khoảng 15 phút thì có người bạn anh đến giục anh đi viếng vợ họa sĩ Trịnh Cung. Anh Sơn bảo: "Mình quên khuấy đi. Hẹn Nữ hôm khác vậy”. Nhưng Nữ đã không còn dịp nào nữa ngoại trừ... chụp đám tang anh".
Duy Anh: "Tiếc là tôi đã... quá thần tượng anh"
Phóng to |
Trịnh Công Sơn trong xưởng vẽ. Ảnh: Duy Anh |
Những khi tôi ngỏ lời muốn chụp ảnh thì anh cũng tỏ ra rất thân tình, dễ chịu, nhưng tôi không nghĩ anh là người thích được chụp hình. Những lần tôi đến chụp, anh không nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ bắc chiếc ghế ra ngồi cùng điếu thuốc trên tay, tôi cứ thế mà chụp. Chỉ một lần duy nhất tôi mạnh dạn đề nghị được chụp anh trong xưởng vẽ của anh và được anh chấp nhận.
Điều tôi còn luyến tiếc mãi là trong nhà anh rất thiếu ánh sáng, nhưng anh ngồi sao thì tôi chụp vậy, chứ chưa dám một lần đề nghị anh được sắp xếp, dàn dựng một tấm ảnh đúng theo ý mình. Bởi vì tôi quá thần tượng anh, thần tượng ngay từ thời còn là học sinh trung học, sau này tôi cũng có những tác phẩm lấy ý tưởng từ âm nhạc của anh, nên đứng trước anh tôi không đủ sức để đưa ra ý kiến của mình nữa. Có lẽ vì thế nên mãi tận bây giờ tôi vẫn chưa có được một tấm ảnh ưng ý nhất về anh.
Người chụp ảnh nghiệp dư và bức chân dung thần tượng
Ngay lối đi vào của quán Hội Ngộ còn có tấm hình chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đen trắng được phóng lớn để ở một vị trí trang trọng. Bức ảnh này được hội quán lấy làm hình ảnh chủ đề cho album nhạc Trịnh Công Sơn Về nơi cuối trời và được chọn làm hình nền chủ đề cho Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Festival âm nhạc đa quốc gia "San Valvario - Mon Amour" tại Turin, Ý (19-10-2003).
Các tác phẩm trưng bày ở hội quán hầu hết là của những nghệ sĩ nổi tiếng hoặc những người bạn thân thiết của Trịnh Công Sơn gửi tặng. Nhưng tác giả tấm hình này, ông Lê Hưng, một tay máy nghiệp dư thì chỉ nhận mình là người hâm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Là một thầy giáo nhưng ông Lê Hưng lại có thú đam mê chụp ảnh. Khoảng năm 1978-1979, qua sự giới thiệu của hoạ sĩ Vũ Hối, ông đã gặp Trịnh Công Sơn lần đầu tiên ở Hội quán Văn nghệ (TP.HCM). Ông xin được chụp chân dung nhạc sĩ và được nhạc sĩ đồng ý. "Tôi thấy anh Sơn hay hút thuốc mà hút thuốc thì phải có vẻ trầm ngâm suy tư, vì vậy phải làm sao tạo được một chút khói và phải nhìn nghiêng sẽ thấy khuôn mặt anh đầy đặn hơn, có chút trầm tư nhìn xa vắng như chờ đợi... Tôi cũng có "đạo diễn" nhưng chỉ ít thôi, ở thế giơ tay lên, đưa tay xuống. Phải mất 4-5 kiểu ảnh, anh Sơn hút hết gần điếu thuốc tôi mới có được tấm này".
Ông còn cho biết một phát hiện thú vị. “Nếu để ý kỹ bức hình này sẽ thấy cái băng keo trắng dán giữa hai mắt kính cho thấy hình như cái gọng kính đó đã bị nứt rồi. Có thể chiếc kính này là của một người nào đó tặng, anh Sơn quý và vẫn đeo”.
Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kính thông báo: "Chúng tôi hân hạnh được đón tiếp quý vị đến viếng và thắp nhang tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại 47C Phạm Ngọc Thạch, P.6, quận 3, TP Hồ Chí Minh, từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, ngày 1/4/2004". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận