Phóng to |
Thu hoạch lúa tại Nông trường Cờ Đỏ, TP Cần Thơ - Ảnh: H.T.VÂN |
Tuy nhiên, nhiều địa phương lại cho rằng chương trình này chưa hiệu quả và thiếu công bằng...
Theo VFA, tất cả thương nhân được phân bổ chỉ tiêu đã tích cực hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Mua tạm trữ như một biện pháp kích cầu đã giữ giá lúa gạo trên thị trường ổn định vào thời điểm thu hoạch rộ.
Theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, cùng với việc mua tạm trữ và mua kinh doanh riêng của các doanh nghiệp, giá lúa trong nước đã tăng bình quân 100-150 đồng/kg so với trước khi mua tạm trữ. “Mức tăng không lớn nhưng vẫn đảm bảo nông dân trồng lúa có lãi, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn thời gian qua” - ông Phong cho biết.
Đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo Theo VFA, tính đến hết tháng 3 các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 1,45 triệu tấn gạo các loại với giá trị 641,3 triệu USD, tăng trên 35% về lượng nhưng giảm 44,5 USD/tấn gạo so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 4-4, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu đạt 3,6 triệu tấn, trong đó hợp đồng thương mại chiếm trên 80%. |
Trước các ý kiến cho rằng chương trình tạm trữ chỉ có lợi cho doanh nghiệp thay vì người dân, các thành viên của VFA cho rằng không thể tạm trữ trực tiếp đến người dân trong điều kiện sản xuất của VN. Hơn nữa, trong thời gian tạm trữ vừa qua các doanh nghiệp mới là người chịu rủi ro trong khi người dân vẫn có lời.
Trong khi đó, theo tính toán của Cục Trồng trọt, chương trình tạm trữ lúa gạo đã kết thúc ngày 31-3 nhưng trong tháng 4 còn 50.000ha lúa đông xuân (khoảng 300.000 tấn lúa) vẫn đang tiếp tục được thu hoạch. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang, cho biết mặc dù các doanh nghiệp của tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu tạm trữ song lúa hàng hóa trong dân vẫn còn khá lớn. Tỉnh đang yêu cầu các địa phương thống kê số lúa còn tồn đọng để đề xuất với Chính phủ cho chủ trương tạm trữ thêm. Bởi nhiều khả năng thời gian tới giá lúa sẽ hạ do doanh nghiệp chậm mua vào, khi đó nông dân sẽ là người bị thiệt tiếp.
Trước đó, ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bức xúc cho biết trong vụ đông xuân vừa qua, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã bị thiệt hại rất lớn do VFA công bố thời điểm mua lúa tạm trữ quá chậm. Bởi vì ngày 20-2, khi VFA bắt đầu mua lúa tạm trữ thì diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch của Đồng Tháp đạt 60%, Kiên Giang 50%, Long An và An Giang khoảng 20%, tổng diện tích thu hoạch đã đạt hơn 300.000ha. 10 ngày sau khi ban hành quyết định tạm trữ, giá lúa tăng trung bình 500 đồng/kg. Nếu lấy diện tích đã thu hoạch nhân với năng suất bình quân 7 tấn/ha thì thiệt hại của nông dân lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Việc VFA phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp mà không tham vấn trước với địa phương cũng đã tạo nên nhiều bất cập và bị các tỉnh phản ứng gay gắt. Ông Phan Kim Sa, phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết mãi đến ngày 25-2 Sở Công thương Đồng Tháp vẫn không biết được tỉnh mình có bao nhiêu doanh nghiệp được chọn và chỉ tiêu là bao nhiêu để báo với UBND tỉnh. Trong khi Sở Công thương chính là nơi xác nhận cho doanh nghiệp số lượng lúa đã mua tạm trữ để họ được miễn lãi suất.
Theo thống kê của các tỉnh thành có sản lượng lúa hàng hóa lớn như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An, phần chỉ tiêu mua lúa tạm trữ của các doanh nghiệp trong tỉnh đều dưới 10% sản lượng thu hoạch thực tế.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết tiết lộ thực trạng “ngược đời” ở tỉnh mình là đã có một số doanh nghiệp được giao chỉ tiêu tạm trữ đang muốn trả lại chỉ tiêu đã nhận. Nguyên nhân là do họ không có hợp đồng xuất khẩu. Trong số 120 doanh nghiệp được VFA phân bổ chỉ tiêu có bốn thương nhân trả lại không tham gia, trong đó ba đơn vị không vay được vốn và một đơn vị không đủ điều kiện tham gia chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận