Học sinh Trường tiểu học Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Đặc thù của dạy và học tiếng Anh là tạo môi trường để học sinh thực hành. Số tiết quá ít đã tước đi tính đặc thù của bộ môn tiếng Anh. Và sản phẩm của chương trình đào tạo tiếng Anh vẫn sẽ là một thế hệ không giao tiếp được bằng tiếng Anh nếu không đến các trung tâm ngoại ngữ |
* ThS NGUYỄN HỒ THỤY ANH (khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sài Gòn): Cả đất nước đang tăng tốc hội nhập
Chương trình phổ thông mới vẫn giữ nguyên thời lượng giảng dạy tiếng Anh cho học sinh như dự thảo ban đầu.
Theo đó, học sinh khối lớp 1, 2 chỉ học 2 tiết tiếng Anh/tuần (môn học tự chọn), học sinh khối 3, 4, 5 học 4 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết từ 35-40 phút), học sinh THCS và THPT chỉ học 3 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết 45 phút).
Số tiết như trên là quá ít so với mục tiêu, nhu cầu học tiếng Anh của học sinh trong thời kỳ hội nhập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết phụ huynh ở những TP lớn đều cho con em học thêm tiếng Anh ở trung tâm với thời lượng từ 3-4 giờ/tuần.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu mới nhất ở các nước tiên tiến trên thế giới của tác giả Murphy, V. 2014; Lason - Hall.2008 cho thấy thời lượng học sinh tiếp xúc với ngoại ngữ có tác động rất quan trọng tới kết quả học tập và sự thành công của chương trình đào tạo.
Theo nghiên cứu trên, trường hợp học sinh học dưới 4 giờ tiếng Anh/tuần được gọi là “tình huống ngữ liệu đầu vào tối thiểu-minimal input situation”.
Thời lượng học tập/tuần quá ít, 4 tiết tương đương 2,5 giờ học tiếng Anh mỗi tuần - dưới ngưỡng tình huống ngữ liệu đầu vào tối thiểu, cộng thêm việc không có môi trường ngoại ngữ bên ngoài lớp học sẽ làm kết quả việc giảng dạy và học tập tiếng Anh rất thấp.
Lâu nay, xã hội vẫn đặt dấu hỏi về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông.
Vì thế, tôi kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một giải pháp quan trọng cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng.
Nhưng với số tiết quá ít (tương đương với số tiết mà học sinh THCS và THPT đang học chương trình hiện hành), liệu có cải thiện được tình hình?
* Giáo viên Trần Thị Thúy Hằng (TP.HCM): Chỉ dạy kiến thức căn bản đã không đủ
Là một giáo viên tiếng Anh cấp THCS, tôi hoàn toàn tán thành ý kiến cho rằng thời lượng môn tiếng Anh 3 tiết/tuần là quá ít.
Với thời lượng này, chỉ dạy cho học sinh nắm vững kiến thức căn bản về ngữ pháp đã là không đủ rồi, huống chi việc giúp học sinh có thể thành thạo 4 kỹ năng là vô cùng khó khăn.
Việc này may ra chỉ có thể thực hiện được với những học sinh thật sự có năng khiếu hoặc đã có nền tảng tiếng Anh nhờ vào học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ.
Theo tôi, nếu muốn cải thiện kết quả học tập của học sinh ở môn tiếng Anh thì chúng ta cần phải cân đối nội dung chương trình và thời lượng phân phối cho nội dung chương trình sao cho phù hợp. Học ngoại ngữ là một quá trình lặp đi lặp lại liên tục, là phải mưa dầm thấm đất.
* Bà Nguyễn Thị Kim Dung (phụ huynh ở quận Tân Bình, TP.HCM): Con tôi phải học thêm ở trung tâm
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là cấp thiết để đào tạo nên một thế hệ con người Việt Nam năng động, sáng tạo, hội nhập với thế giới.
Nhưng tôi thấy chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa hội nhập. Điều này thể hiện rất rõ ở môn ngoại ngữ.
Phụ huynh chúng tôi hiểu rất rõ rằng: ngoại ngữ chính là chiếc chìa khóa để con em mình hòa nhập vào thế giới phẳng. Nhưng mỗi tuần chỉ học hơn 2 tiếng (tương đương với 3 tiết/tuần) môn tiếng Anh trên lớp thì khó mà sử dụng được ngoại ngữ này.
Hiện tại, con lớn của tôi đang học bậc THCS. Ngoài việc học tiếng Anh trong trường chính khóa, con tôi phải học thêm ở trung tâm 4 tiếng/tuần để rèn kỹ năng nghe và nói; học thêm với một thầy giáo tiếng Anh người Việt 3 tiếng/tuần để rèn ngữ pháp, cách sử dụng từ vựng.
Tôi còn một bé gái năm sau mới vào lớp 1. Tôi hi vọng bé sẽ không phải chạy sô học tiếng Anh như chị của bé.
* Ông LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục): Dung lượng nào cần có thời lượng ấy
Giữa thời lượng và dung lượng của chương trình có mối tương quan mật thiết: dung lượng nào phải có thời lượng ấy để đáp ứng cho nó.
Nếu giữ nguyên dung lượng kiến thức mà lại cắt giảm thời lượng của môn học thì đó chính là “tăng tải” khiến học sinh không sao tiếp thu nổi.
Thí dụ điển hình cho trường hợp này là thời lượng môn tiếng Anh ở bậc THCS với 3 tiết/tuần. Các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng thời lượng đó không đủ để đạt mục tiêu môn học của bậc học (ít nhất phải 5 tiết/tuần).
Thế nhưng, có vẻ như quan điểm “giảm thời lượng tức là giảm tải” của Bộ GD-ĐT không chỉ áp dụng cho chương trình tiếng Anh THCS mà cho một loạt các môn được bộ cắt giảm mạnh số tiết học.
Nên xem tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức Giáo dục phổ thông là cơ sở cho các hoạt động giáo dục tiếp theo như giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong giai đoạn mới. Do đó, với sự hội nhập quốc tế như hiện nay thì nên xem tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức sử dụng hằng ngày bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề tiếng Anh của học sinh, sinh viên hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận