Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 1.
Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 2.

Chuối hột (pháp danh khoa học Musa paradisiaca) với các giai đoạn từ hoa đến quả. Bản khắc màu của J.J. hoặc J.E.Haid, c.1750.

"Trong vương quốc yên bình nọ có một nàng công chúa xinh đẹp. Kế bên lâu đài là một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ. Công chúa thích vào khu rừng ấy hơn là dạo chơi trong vườn thượng uyển.

Một ngày nọ trong rừng, nàng gặp một chàng đẹp trai bảnh bao. Chàng tự giới thiệu mình là hoàng tử sống trong một kinh thành gần đó.

Công chúa bảo tôi cũng là công chúa, cung điện tôi cũng ngay đây; chẳng hay kinh thành chàng chỗ nào? Hoàng tử mặt buồn buồn đáp "Sâu trong rừng kia, nơi không có con người nào lui tới".

Hai con người trẻ tuổi ngay lập tức thành đôi bạn thân. Hôm nào họ cũng cùng nhau đi dạo hái hoa đuổi thú đến tối mịt trong rừng. Rồi theo lẽ đương nhiên, một ngày kia cả hai thổ lộ tình yêu với nhau.

Chuyện đang hôi hổi thì hoàng tử mặt buồn rười rượi, vội chia tay vì đã trễ rồi; chàng bảo nếu không về kịp thì vĩnh viễn không vào được kinh thành nữa.

Công chúa chỉ kịp dặn ngày hôm sau hai người sẽ gặp ở vườn thượng uyển của nàng. Hoàng tử đồng ý.

Buổi gặp ấy, hai người thật hạnh phúc, nắm tay nhau không rời đi khắp vườn, nói với nhau những lời yêu đương, thề thốt... Thời gian trôi vùn vụt khi người ta hạnh phúc.

Hoàng tử giật mình thấy đêm đã hết và sắp bình minh. Chàng cuống cuồng muốn rời đi nhưng công chúa nắm chặt tay chàng giữ lại. Hoàng tử giằng giọ không cách nào gỡ được những ngón tay công chúa khỏi tay mình. Thế rồi bất thình lình, chàng biến mất, trong tay công chúa chỉ còn… hai bàn tay hoàng tử.

Quá kinh hoàng, công chúa vội chôn ngay hai bàn tay ấy trong vườn.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 3.
Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 4.

Truyền thuyết trên rõ là một thứ kiểu "đo ni đóng giày", có tên rồi mới có câu chuyện minh họa. Banana có gốc từ tiếng Ả Rập بَنَان‎ (banān) là ngón tay, đầu ngón tay.

Trong một bài viết, tác giả Ashley Buchanan nhận xét chuối là thứ quả mà hầu như bất kỳ người nào cũng biết tới, nhiều ngôn ngữ dùng chung từ "banana" để chỉ quả chuối. Thậm chí thuật ngữ "chuối" cũng được nhiều ngôn ngữ chia sẻ, nói ra là biết ám chỉ một thứ gì đó chẳng đâu vào đâu, chất lượng ấm ớ…

Đó là một sự vô lý mà cũng lại có lý.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 5.

Xe bán chuối trên đường phố New York, Mỹ năm 1902.

Về phân loại, chuối thuộc loài thảo mộc, như kiểu gừng, nghệ. Cái mà ta gọi là thân cây chuối thực chất chỉ là các bẹ lá bó lấy nhau, mọc lên từ thân chính thức nằm sâu dưới đất, thứ âm thầm làm mọi công việc của một "bố già" cho các thế hệ chuối con nối nhau mọc tiếp. Đó là củ chuối.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 6.

Ở nông thôn, chuối trồng vạ vật sau nhà, lúc khô hạn hay mưa bão, lá rách tả tơi chuối vẫn sống, quanh năm nối nhau ra quả. Vườn chuối tuy là mảng bỏ bê của khu vườn nhưng hữu dụng.

Cần lá gói bánh là ra đấy, cần hoa bóp gỏi cũng ra đấy, cần thức ăn cho ngan cũng ra chặt một cây chuối non… Chuối là một thứ cây sẵn sàng, rộng rãi, gần như vô điều kiện.

Đến quả chuối cũng thế. Ở bất kỳ nơi sang hèn nào cũng có thể mua được chuối.

Chuối có quanh năm và dùng được ở mọi trạng thái chín: chín vừa ăn tươi, chín hơn làm bánh, nấu chè; chín quá cho chim ăn gà ăn, phải vứt đi thì bón cây cực tốt.

Chuối là thứ chứa đầy bổ béo mà trẻ con ăn thun thút, đến nỗi người ta nói đùa rằng trời làm ra trẻ con rồi mới làm ra trứng gà và chuối để tặng chúng.

Chuối có mặt trên nhiều bàn ăn, như một dấu chấm câu giản dị mà chắc nịch để kết thúc bữa ăn. Chuối càng trở nên không thể thiếu khi được dùng trong thờ cúng. Các bàn thờ bày chuối vừa đẹp lại vừa tiện…

Thần cũng dùng, người phàm cũng dùng; lành tính, bổ dưỡng, dễ ăn, dễ chế biến, rẻ tiền, dễ trồng, dễ nuôi... nên chuối đâu đâu cũng có (trừ xứ lạnh).

Tuy dễ lan ra nhưng chuối không bao giờ khiến con người sợ hãi, do khống chế chuối là việc đơn giản: để hạ gục một vườn chuối to, chỉ cần bỏ ra một buổi với một cây rựa sắc.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 7.

Nhưng tất cả chúng ta đã bị lừa, về nhiều mặt, chuối thực sự là "kẻ khổng lồ".

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 8.

Dưới mắt "người thường" chúng ta, cái gì tràn lan, ai cũng dùng, cái đó bình thường. Nhưng với người làm kinh tế, đó chính là mỏ vàng. Ai cũng ăn chuối, đâu cũng dùng tới chuối, vậy chuối là mỏ vàng. Câu chuyện về vua chuối Minor Keith trên NPR thực sinh động cho điều đó.

Là người Mỹ, Keith đến Costa Rica năm 1871 phụ giúp ông chú thầu tuyến đường sắt nối liền thủ đô San José với cảng Limón. Năm 1877, ông chú qua đời, Keith tiếp quản.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 9.

Một vườn chuối ở đảo Martinique. Ảnh: Adobe Stock

Xây tuyến đường ấy vất vả khôn cùng, hàng ngàn công nhân bỏ mạng và mãi năm 1890 mới xây xong, Keith nợ đầm đìa mà khách đi chẳng được bao nhiêu.

Khôn thay, thỏa thuận của Keith với chính quyền Costa Rica là xây tuyến đường sắt miễn phí, đổi lại bằng 99 năm dùng 324.000ha đồn điền miễn thuế dọc theo tuyến đường, thêm quyền kiểm soát cảng Limón.

Và may thay, bảy năm trước đó, Keith đã cho trồng chuối để làm thức ăn cho công nhân. Khi tuyến đường sắt hoàn thành, Keith nghĩ sao không tận dụng mà bán chuối sang Mỹ.

Từ Costa Rica, chuối thu hoạch bỏ lên tàu hỏa của Keith, tới cảng Limón (lại cũng do Keith kiểm soát) chở thẳng sang Mỹ bằng tàu biển. Vậy là tuyến đường sắt ấy, cảng ấy chủ yếu chỉ để phục vụ việc bán chuối sang Mỹ cho Keith.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 10.

Cả Keith và Preston đều biết người Mỹ chỉ mua chuối nếu thấy nó ngon, nó bổ và quan trọng là rẻ hơn những trái cây khác. Mà chuối của Keith thì quá rẻ do khâu vận chuyển đã là "cây nhà lá vườn".

Giờ một người có chuối rẻ nhất, một người biết kể chuyện về chuối hay nhất, kết hợp lại họ là chủ nhân của thị trường chuối ở Mỹ. Keith thống trị việc trồng và bán chuối của vùng Trung Mỹ và Colombia, còn Costa Rica - nơi Keith đặt tổng hành dinh - được coi đế quốc chuối.

Chuối là nguồn thu khổng lồ. Chính trị trong vùng bị lũng đoạn bởi công nghiệp chuối, đến nỗi về sau ta có thuật ngữ "banana republic" để chỉ nhiều nước Trung Mỹ có nền kinh tế và chính trị bị những nhà xuất khẩu chuối người Mỹ thao túng.

Để có được một nải chuối trên bàn ăn, công sức bỏ ra khá lớn. Một buồng chuối vốn rất nặng, lấy thí dụ ngay trong vườn nhà, "rủi" có một buồng chuối chín thì phải một người có sức khỏe mới "hạ" được buồng ấy, lại phải đủ khéo để "pha" thành từng nải không sứt sẹo.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 11.

Chuối gọi là dễ trồng khi chỉ để nhà ăn. Trồng theo trang trại và muốn đủ tiêu chuẩn đem bán thì phải khác, nào dọn đất, bón phân, tưới tắm, chống cây khỏi đổ khi có buồng; buồng to rồi phải bao lại chống chim chống sóc, rồi hạ buồng, ủ chuối, đóng gói, vận chuyển trong nhiệt độ 13,3oC… Mọi thứ vừa phải mạnh bạo đồng thời nhẹ tay, là một yêu cầu vô cùng khó, cần sức khỏe.

Theo Bananalink, lao động trong những đồn điền chuối ở châu Mỹ vì thế hầu hết là nam giới, thường làm 14 tiếng một ngày trong sáu ngày mỗi tuần.

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cộng với muỗi mòng khiến việc nặng càng thêm nặng. Công nghệ trồng chuối thuộc loại ngốn hóa chất nhất nhì, một số chất trong số đó được liệt vào dạng "có độc". Môi trường làm việc của công nhân trồng chuối truyền thống quả là đẫm mồ hôi và lắm khi chan nước mắt.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 12.

Nhưng để có được quả chuối thơm ngon như ngày hôm nay, công đầu vẫn thuộc về… chuối. Phối hợp với con người, chuối đã thực hiện một hành trình biến đổi gene vĩ đại.

Theo các tác giả, hơn 10.000 năm trước, chiếm ưu thế trong rừng chuối "tổ tiên" ở Đông Nam Á và Ấn Độ là giống Musa acuminata cho quả lổn nhổn hột đen và gần như không ăn được. Người ta chỉ biết ăn hoa chuối và củ chuối. Chuối khi ấy quả thực là rất "chuối".

Khi còn hoang dại và nhiều hạt, chuối được dơi và chim giúp thụ phấn hoa và gieo rắc hạt, đặc biệt là dơi, do đây là đôi bạn nương nhau mà sống; đến nỗi một số loài chuối chỉ chuyên nhờ dơi đảm trách công việc "tế nhị" này.

Thế rồi, theo bài viết của Ashley Buchanan, nhiều giống chuối dại đã "tự diễn biến", tự ra quả mà không cần thụ phấn, hoặc ra quả mà không có hạt kèm theo.

Con người liền chộp lấy cơ hội đột biến ấy, bắt đầu thuần hóa: họ trồng nhiều hơn những cây chuối kiểu ấy từ củ chuối hoặc cây con.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 13.

Bước tiếp theo quan trọng là khi những đoàn người di cư mang theo những giống chuối tốt đã được chọn lựa, phát tán nơi nơi.

Từ Philippines và Papua New Guinea, chuối thuần hóa theo tàu buôn sang đông sang tây. Đến nơi, chúng lại lai tiếp với những loài chuối địa phương, rồi quay ngược về Ấn Độ, một trong những nơi có tổ tiên lắm hạt của chúng.

Cuối cùng, khoảng 5.000 năm trước, theo bài viết của Ashley Buchanan, chuối thuần hóa vượt Ấn Độ Dương đến châu Phi.

Và cũng như mít, khi ấy chuối đành ngậm ngùi trước châu Âu, vừa không mọc được vì quá lạnh, lại quá xa để có thể nhập khẩu ăn tươi.

May thay, chính sự trỗi dậy của các cường quốc hàng hải châu Âu vào cuối thế kỷ 14-15 đã khiến người châu Âu quan tâm trở lại và chuối đi được xa tiếp.

Khi người Bồ Đào Nha bắt đầu thám hiểm bờ tây châu Phi, nơi ấy đã đầy chuối chín.

Những tay buôn nô lệ người Bồ mỗi khi bán nô lệ châu Phi sang Tây Ấn đều chở theo thật nhiều chuối để làm thức ăn đi biển cho nô lệ.

Năm 1516, nhà truyền giáo Friar Tomas de Berlanga khi đặt chân lên đảo Hispaniola (nay là Haiti và Cộng hòa Dominica) đã trồng ngay một lô củ chuối để tiếp tục có thức ăn cho dân nô lệ.

Năm 1534, linh mục Friar Tomas khi đến Panama nhận nhiệm vụ đã mang theo một số cây chuối. Chuối cũng theo người Tây Ban Nha tới Mexico và cuối cùng lan tràn khắp Trung Mỹ.

Trên con đường ấy, những người trồng chuối địa phương lại chọn lọc tiếp, những giống ngọt hơn nữa, nhiều thịt quả hơn nữa, chịu được hạn, chịu được bệnh…

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 14.
Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 15.

Con người ta hơn nhau ở chỗ có thể thay đổi để tốt lên. Chuối là một mẫu mực để ta phấn đấu theo. Chuối có thể chu toàn chức năng của mình ở mọi cấp độ mô hình: trong góc vườn con hay trên đồn điền lớn; trong căn bếp nhỏ hay trên các kệ siêu thị mênh mang; trong giỏ xe của người đi chợ hay chất trong container vượt đại dương.

Chuối giản dị và có ích ở mọi bộ phận một cái cây mà trong phạm vi bài này không thể kể hết được. Quan trọng nhất, chuối không xâm lấn, không đe dọa; chuối hiền hòa trong cư xử nhưng dứt khoát trong biến đổi gien.

Ngày hôm nay, cầm một nải chuối trên tay, ta đang cầm một hành trình tự hoàn thiện của một cái cây lẫn công lao của bao nhiêu con người. Ta thán phục ông trời, bởi thông minh hay giỏi giang đến mấy xét cho cùng đều là sản phẩm của tạo hóa, cả ta và cả cây.

Chuối - Người khổng lồ khiêm tốn sau vườn nhà - Ảnh 16.
PHẠM PHONG tổng hợp và lược dịch
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0