Bạn đọc có địa chỉ email phamdongho66@... viết: “Thủy điện Sông Tranh 2 và một số công trình thủy điện ở Quảng Nam đã tác động xấu đến đời sống xã hội, phá hủy thiên nhiên, thay đổi dòng chảy của sông ngòi gây hạn hán... Hậu quả nhãn tiền đã thấy, nếu tiếp tục làm hai dự án này thì hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân ở Đồng Nai, TP.HCM và việc bảo tồn sinh thái của vườn quốc gia Nam Cát Tiên”.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, nguyên phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ, phản biện việc đầu tư làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A rất bài bản như sau: “Bàu Sấu là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), đóng vai trò rất quan trọng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học của vườn quốc gia Cát Tiên. Chế độ thủy văn tự nhiên hằng năm với một mùa ngập và một mùa cạn đã tạo ra sự đa dạng về các loài sinh vật qua mối quan hệ của chuỗi thức ăn. Mùa ngập, cá từ sông Đồng Nai vào Bàu Sấu sinh trưởng và sinh sản. Mùa khô lại theo dòng nước ra sông. Đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm phía trên và rất gần suối Dak Lua, cổng thông nước chính của khu Ramsar Bàu Sấu với sông Đồng Nai, sẽ làm đảo lộn tất cả quá trình thủy văn và sinh thái ở khu vực này. Toàn bộ diện tích của vườn quốc gia Cát Tiên được Thủ tướng quyết định bảo tồn đều có giá trị như nhau, không phải chỉ rừng rậm mới nên bảo tồn, còn đồng cỏ, đầm lầy, rừng thưa thì có thể phá đi làm thủy điện. Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học và nghị quyết 49/QH12 của Quốc hội là những công cụ pháp lý để bảo tồn vườn quốc gia Cát Tiên. Nhà đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã làm trình tự ngược quy định của pháp luật”.
Từ những nhận định trên, tiến sĩ Nguyễn Chí Thành kiến nghị: “Thực hiện đúng pháp luật: trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Chính phủ cho chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lượng giá kinh tế vườn quốc gia Cát Tiên để có cơ sở khoa học phân tích chi phí và lợi ích với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước khi quyết định đầu tư”. Ông Thành nhấn mạnh thủy điện luôn gây ra hiểm họa cho rừng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các cộng đồng dân cư địa phương.
Tuần qua, trong tổng số 2.684 email phản hồi các tin bài trên Tuổi Trẻ, bạn đọc còn quan tâm có ý kiến về các vấn đề như: Dạy thêm, học thêm; VN đăng cai tổ chức Asiad 2019; Nên xác định tuổi thành niên là 16; Trấn lột trên xe khách; Tuyển giáo viên Philippines dạy tiếng Anh; Đề nghị bỏ quy định trích 70% tiền phạt cho CSGT; Petrolimex lỗ lớn, lương cao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận