Phóng to |
* Tôi là một giáo viên dạy toán THPT đã hơn 20 năm, đã chứng kiến bao lần thay sách và cải cách giáo dục. Bản thân tôi không hề muốn dạy thêm, chỉ muốn dạy hết những tiết dạy theo quy định. Nhưng do nhu cầu của xã hội, học sinh phải đi thi cao đẳng và đại học, phụ huynh muốn con mình tiếp thu kiến thức và luyện tập tốt để có thể đạt kết quả tốt trong các kỳ thi, tôi phải dạy thêm kiếm sống..
Với chương trình và cách thức ra đề thi như bây giờ, tôi thấy dạy thêm là một nhu cầu của xã hội không thể cưỡng lại. Tất nhiên trong quá trình dạy có xảy ra những tiêu cực mà theo tôi nghĩ bất kỳ ngành nào cũng có, trường hợp này phải xử lý những giáo viên vi phạm chứ không thể qui tội cho tất cả những thầy cô đang dạy thêm được. Họ cũng chỉ là những người dùng sức lực và tri thức của mình để kiếm sống.
Còn nếu muốn cấm thì Bộ GD-ĐT nên trình lên Chính phủ để có một quyết định và mọi người đều chấp hành. Các trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi, các thầy cô đều phải ngừng dạy thêm, học sinh chỉ học ở trường mà thôi.
Tôi thấy việc đốt pháo trong các buổi tiệc, buổi lễ và Tết Nguyên đán chúng ta cấm được thì dạy thêm cũng vậy, nếu cấm thì hãy làm triệt để như thế, còn không hãy đưa ra một cách thức hoạt động cho thỏa đáng chứ đừng cấm kiểu nửa vời.
* Tôi cũng rất không đồng tình với tình trạng giáo viên dạy thêm ép học sinh phải đi học, đây là một tiêu cực và làm mất hình ảnh của người giáo viên.
Tuy nhiên, không phải dạy thêm lúc nào cũng tiêu cực. Chính bản thân tôi ngày xưa, khi học chính khóa cảm thấy chưa đủ kiến thức để thi vào đại học, nhóm học sinh chúng tôi mới đến nhà thầy giáo nhờ thầy dạy toán phụ đạo thêm những kiến thức nâng cao để tự tin thi vào đại học. Kết quả là cả nhóm chúng tôi đều vào được những trường đại học mà mình mong muốn.
Qua đó, chúng ta cần suy nghĩ lại vấn đề dạy thêm và học thêm. Nên sẵn sàng cho giáo viên dạy thêm nếu có sự yêu cầu của học sinh hoặc phụ huynh học sinh, đừng xem giáo viên dạy thêm giống như là một tội phạm như thế.
Rất mong có cơ chế rõ ràng để các giáo viên có thêm cơ hội củng cố những lỗ hổng kiến thức cho học sinh.
* Tôi là giáo viên, tôi rất tôn trọng nghề của mình và tôn trọng đồng nghiệp của mình. Tôi không đồng tình với chuyện xử lý thô bạo đối với cả hai đối tượng, thầy và trò, vì cả hai đối tượng này đều rất dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại là việc dạy thêm học thêm cũng đã bị biến tướng đến mức độ nào đó, nhà giáo (một số) cũng tỏ ra bất cần dư luận đến độ nào đó, thì chúng ta mới phải bàn về chuyện dạy thêm học thêm, các cơ quan chức năng mới ứng xử với hiện tượng dạy thêm, học thêm đến mức như thế này.
Nếu học thêm thực sự là nhu cầu của học sinh và phụ huynh, nhà trường nên:
1. Tập hợp các nhu cầu đó. Cho các em được chọn/đăng ký học giáo viên nào mà các em thích (nhất định không phải là giáo viên đang dạy các em chính khóa ở trường);
2. Tổ chức phân lịch dạy thêm/phụ đạo theo nguyện vọng tại trường. Nếu trường nào có đủ cơ sở vật chất thì dạy trong giờ. Ngược lại có thể tổ chức ngoài giờ;
3. Các giáo viên cũng có quyền đăng ký dạy thêm ở trường mình hoặc cho trường khác (tùy theo điều kiện);
4. Danh sách các giáo viên đăng ký/được mời dạy được niêm yết công khai để học sinh chọn.
Chúng ta đã có bao nhiêu quy định về chuyện học thêm dạy thêm. Mười mấy hai chục năm qua xã hội đã phải lên tiếng và lên tiếng ngày càng quyết liệt về chuyện dạy thêm học thêm.
Mà rồi chất lượng đào tạo chung vẫn không được nâng lên.
Mà rồi đâu mấy người tự trọng mà thôi không dạy thêm nữa.
Mà rồi dạy thêm học thêm vẫn tràn lan và ngày càng tỏ ra thách thức xã hội hơn.
Vậy có phải đã đến lúc thầy cô phải nghiêm túc xem lại chính mình?
Thầy cô không xem lại chính mình và không đủ tự trọng thì chẳng mong gì cho cả xã hội này nữa!
* Việc dạy thêm và học thêm không phải là lỗi của thầy và trò mà nó xuất phát từ thực tế của một hệ thống giáo dục mang nặng tính lý thuyết.
Nếu việc dạy thêm không có hiệu quả, không bổ sung thêm kiến thức cần thiết để con em vượt qua được các kỳ thi thì liệu phụ huynh có cần thiết phải cho con em mình đi học thêm nữa hay không?
Nhà giáo là biểu tượng của một xã hội trí thức, chúng ta phải tôn trọng các giáo viên chứ không thể hành xử như vậy được.
* Hiện nay có hai dạng học thêm: dạng 1: gần như bắt buộc và dạng 2: tự giác.
Phân biệt hai dạng này khá dễ.
Dạng 1 thì chỉ có lớp dạy thêm khi có lớp trên trường, nghỉ hè thì chẳng có ai học;
Dạng 2 là nhu cầu của học sinh và phụ huynh, mang tính tự giác, "tầm sư học đạo"; vì thời gian trên lớp không đủ cho giáo viên dạy những kiến thức nâng cao. Hơn nữa trong một lớp học sinh có nhiều trình độ khác nhau, thời gian dạy kiến thức cơ bản cho các em trung bình hiểu thì đã là may, nên học sinh phải đi học thêm để bổ trợ kiến thức.
Theo tôi, để tránh học thêm dạy thêm thì Bộ GD-ĐT cần giảm tải chương trình trước để đảm bảo rằng trong giờ học trên lớp học sinh đã nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ chẳng ai học thêm làm gì.
Còn việc đối xử với thầy cô như vậy là không đúng trong môi trường sư phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận