![]() |
Ông Youk Chhang |
Kỳ 1: Những thước phim bằng chứngKỳ 2: “Lò sát sinh” Tuol SlengKỳ 3: Những đứa trẻ sống sótKỳ 4: Chia Hua - người bị cắt cổKỳ 5: Những người chưa lên tiếngKỳ 6: Không muốn một vụ Mumbai
Tại thủ đô Phnom Penh, ở quảng trường Độc Lập, tòa nhà ba tầng kín cổng cao tường nằm trên đại lộ Sihanouk có gắn một tấm bảng nhỏ ghi “Trung tâm Tư liệu Campuchia”. Ở cửa một căn phòng trên tầng 1 ghi: ”Tư liệu dành riêng cho nhân viên Trung tâm Tư liệu Campuchia và tòa án Khơme Đỏ”. Giám đốc trung tâm là Youk Chhang. Ông tốt nghiệp Đại học luật Yale, đã từng làm viên chức phòng ngừa tội ác ở thành phố Dallas (Mỹ) từ năm 1989-1992 và là một trong số những người châu Á hiếm hoi được tuần báo Time xếp vào danh sách 100 nhân vật đã định hình thế giới ngày nay. Phóng viên Tuổi Trẻ phỏng vấn ông:
* Công việc của Trung tâm Tư liệu Campuchia là gì, thưa ông?
- Chúng tôi thu thập mọi tư liệu về Campuchia và Khơme Đỏ giai đoạn 1975-1979.
* Chỉ đến 1979 thôi sao?
- Đúng thế. Do lẽ đa số các vi phạm quyền con người nằm trong khoảng thời gian đó. Chúng tôi thu thập tất cả để trả lời các câu hỏi: ”Điều gì đã xảy ra? Tại sao và như thế nào?”. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận những gì xảy ra sau đó.
![]() |
Mộ Pol Pot ở Anlong Veng-Ảnh: Thi Ngôn |
* Tức là chỉ tập trung khoảng thời gian cuồng kích của Khơme Đỏ?
- Đúng thế, trong cao điểm quyền lực của họ.
* Một luật sư người Pháp biện hộ cho Khieu Samphan là luật sư Jacques Verges cùng cộng sự của ông ta là luật sư Sa Sovan đã tỏ ý thách thức, đại ý rằng "Phải chứng minh thân chủ của chúng tôi có tội, bằng không phải trả tự do cho ông ấy”. Thách thức đó, muốn hay không muốn, cũng là nguyên tắc cơ bản của công lý. Đó cũng chính là mục đích của tòa án này: thực hiện công lý.
- Tôi đồng ý nguyên tắc đó. Luật pháp, công lý phải được thực thi như thế. Cho dù tôi nghĩ rằng các luật sư biện hộ cho Khieu Samphan đã vận dụng nguyên tắc cơ bản “Chứng cứ đâu?”.
* Liệu trung tâm của ông có đủ tư liệu - chứng cứ cụ thể?
- Tôi nghĩ rằng khi giam giữ họ đã có đủ chứng liệu rồi. Nếu không đủ, làm thế nào có thể giam họ đến lúc này? Tôi có thể thách thức bất cứ ai cho rằng đó không phải là chứng cứ. Ngoài các tư liệu, còn có hàng triệu người sống sót trên đất nước này. Họ là những nhân chứng. Tất nhiên các dữ kiện chúng tôi thu thập không chỉ để sử dụng làm chứng cứ cho vụ xử này, công việc cơ bản của chúng tôi là thu thập các dữ kiện liên quan đến lịch sử nói chung.
![]() |
Du khách tham quan khu trưng bày gông cùm nạn nhân tại nhà tù Tuol Sleng - Ảnh: N.C.T |
* Ông Verges cũng than phiền rằng tòa án đã không dịch hết tư liệu cho họ ra tiếng Pháp để họ có đủ hồ sơ nghiên cứu.
- Những gì mà các luật sư của Khieu Samphan đòi hỏi, nào là chưa dịch đủ các tư liệu sang tiếng Pháp, nào là tuổi tác, tình trạng sức khỏe thân chủ của họ... tất cả khiếu nại đó chẳng liên quan gì đến chứng cứ cả. Luật sư ấy đã chẳng đóng góp gì cho công lý cả, ở Campuchia cũng như trên thế giới. Luật tổ chức tòa án này, khi quy định, được dịch ra ba thứ tiếng Khơme, Anh, Pháp đâu có quy định phải dịch tất cả ra tiếng Pháp mà chỉ quy định dịch có chọn lọc. Hơn nữa, Khieu Samphan nói tiếng Pháp rất tốt. Đồng luật sư của ông Verges thì nói tiếng Khơme, tiếng Pháp và tiếng Anh. Cả hai luật sư đều nói tiếng Anh rất tốt. Tôi nghĩ rằng khiếu nại này chỉ là để trì hoãn.
* Nói cách khác là để “câu giờ”?
- Đúng thế. Mọi người cần được biết đâu là quyền và nghĩa vụ của bên bị. Họ có quyền khiếu nại, yêu sách đủ thứ. Song vấn đề ở chỗ: lẽ ra họ nên hành xử một cách chuyên nghiệp hơn để đừng làm mất thanh danh êkip luật sư quốc tế biện hộ. Lẽ ra họ phải tập trung cho các luận cứ để tranh luận thay vì cho những xảo thuật ngoài lề. Tập trung vào vấn đề hàng triệu người đã thiệt mạng, đã là nạn nhân.
* Có phải luật sư Verges định chơi bài “hai lá”: lá thứ nhất “cai trị bằng luật pháp” tức sử dụng vặn vẹo luật theo ý mình và lá thứ hai “thượng tôn pháp luật”, tức tôn trọng luật để thực thi luật pháp?
- Tôi không thể phát biểu thay ông ấy về ý đồ của ông ta được. Tôi chỉ có thể nói rằng ông ta đã chẳng đóng góp gì cho chế độ “thượng tôn luật pháp” cả.
* Hãy trở lại với phiên xử Duch. Ông có nghĩ rằng luật sư của Duch cũng có thể “giở quẻ” như luật sư của Khieu Samphan?
- Ở đây lại khác. Duch đã tự khai từ năm 1999. Ông ta đã khai với một nhà báo. Trong giai đoạn “tiền xét xử”, các luật sư đã cho thấy sách lược biện hộ của họ là “Thân chủ chúng tôi đã thành khẩn khai báo cả rồi. Đề nghị tòa án chiếu cố mà khoan hồng”.
* Có phải các luật sư biện hộ cho Duch khi cho Duch đấm ngực “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” nhằm làm mủi lòng người dân Campuchia mà đa số theo đạo Phật, để rồi họ từ bi tha thứ cho Duch?
- Duch tự nhận mình theo Thiên Chúa giáo. Song trong sách Khải huyền, Thượng đế đã quả quyết rằng tội lỗi và trách nhiệm là hai việc khác nhau. Anh có thể được tha tội, song anh vẫn phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm. Trong đạo Phật cũng thế, anh gây hại người khác thì không nhất thiết người khác phải trả thù, song anh sẽ bị nghiệp chướng. Ngay cả khi được tha thứ, anh cũng phải trả giá. Đạo nào cũng thế. Tuy nhiên đó không phải là vấn đề.
Vấn đề chính là Duch đã làm gì các nạn nhân của mình, sự tàn nhẫn, tội ác đã phạm, quyền lực mà vào lúc đó Duch đang nắm trong tay. Ngay cả trong luật dân sự, khi thú nhận rồi cũng phải bị tuyên xử. Thành ra bên biện hộ định kêu gọi dư luận rơi nước mắt mà tha thứ. Bên nguyên hoặc bên công tố cần phải cho thấy vai trò của Duch trong cái chết của 14.000 nạn nhân ở nhà tù Tuol Sleng.
Vấn đề không phải là trừng trị họ đến đâu mà là cho thấy họ đã phạm tội đến đâu. Hai triệu người chết trên cả nước, 14.000 người chết ở Tuol Sleng, có bản án nào đủ để đền bù được?
___________________________________
Duch đã nhận tội tại tòa án ra sao? Có bao nhiêu bộ đội tình nguyện VN đã bị Duch hành quyết trong nhà tù Tuol Sleng? Kỳ tới, phóng viên Tuổi Trẻ tường thuật từ phiên tòa.
Kỳ tới: Lời thú tội muộn màng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận