Ông Thành nói sau Olympic 2008 và nhất là sau SEA Games 2009, thể thao VN đã xác định kế hoạch hướng đến đấu trường Asiad với các môn Olympic. Tại Asiad Quảng Châu 2010, tuy chỉ đoạt 1 HCV nhưng chúng ta có đến 17 HCB ở nhiều môn thể thao Olympic. Đây là kết quả từ sự chuyển hướng đầu tư cho các môn thể thao Olympic.
Sau Asiad Quảng Châu, ngành TDTT đã tập trung vào việc chuẩn bị lực lượng VĐV cho Olympic. Tuy nhiên, trình độ của VĐV VN so với các VĐV hàng đầu thế giới còn một khoảng cách lớn. Do đó dù đã tập trung tạo mọi điều kiện để các VĐV tham gia thi đấu vượt qua vòng loại, nhưng vì trình độ thấp nên hầu hết VĐV của chúng ta chỉ giành quyền tham dự Olympic ở những vòng đấu cuối cùng. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch chuẩn bị tham dự Olympic London 2012, dựa trên trình độ và thành tích của các VĐV đạt được tại vòng loại, Tổng cục TDTT đặt ra mục tiêu phấn đấu giành huy chương ở hai môn cử tạ, bắn súng. Kết quả thi đấu hai môn này sát với thành tích có huy chương (Quốc Toàn, Xuân Vinh xếp hạng tư ở cử tạ và bắn súng).
Ông Thành cho rằng nếu đánh giá việc không đạt được huy chương tại Olympic là thất bại cũng chưa thật hoàn toàn công bằng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không giành được huy chương như: công tác chuẩn bị lực lượng, tính chuyên nghiệp trong hệ thống quản lý, đào tạo, huấn luyện... Tuy nhiên, qua việc tham dự Olympic kỳ này đã làm rõ hơn nhận thức về đầu tư cho VĐV để đạt được thành tích cao tại Olympic cần phải là cả một quá trình dài hạn, hệ thống, khoa học. Sắp tới đoàn thể thao VN dự Olympic London sẽ có tổng kết đánh giá rõ những thành công, thất bại cụ thể ở từng môn. Từ đó đề ra các giải pháp khả thi làm cơ sở để chuẩn bị lực lượng cho Asiad 2014, Olympic 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận