20/10/2015 05:27 GMT+7

“Chúng tôi chỉ cần cơ chế”

SĨ HUYÊN (sihuyenho@tuoitre.com.vn)
SĨ HUYÊN (sihuyenho@tuoitre.com.vn)

TT - Chủ tịch CLB Đồng Tháp Đặng Xuân Huy đã nói như thế với Tuổi Trẻ về chuyện làm bóng đá ở CLB...

*** Error ***
Kéo được khán giả trở lại sân Cao Lãnh, CLB Đồng Tháp có được nguồn thu đáng kể từ tiền bán vé trong mùa bóng 2015 - Ảnh: S.H.

Sát ngày khai mạc V-League 2015, ban tổ chức giải và Công ty cổ phần Bóng đá VN (VPF) như ngồi trên lửa trước việc Đồng Tháp có khả năng bỏ giải vì không tìm được nhà tài trợ. Nhưng vào giờ chót, ban tổ chức giải đã được cứu khi năm doanh nghiệp cùng góp vốn để khai sinh Công ty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp, đơn vị quản lý đội chuyên nghiệp Đồng Tháp. Từ đây, khán giả đã trở lại với sân Cao Lãnh.

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Huy nói: "Khi góp vốn thành lập Công ty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp, chúng tôi quyết định không gắn tên doanh nghiệp vào CLB như cách làm của nhiều nơi khác. Theo tôi, điều này khiến người hâm mộ thấy rằng họ có thêm trách nhiệm và quyền lợi khi mua vé vào sân ủng hộ đội nhà. Ngoài ra, công ty cũng thuận lợi hơn khi kêu gọi, vận động tài trợ.

* Bài tính của công ty khi thành lập thế nào, thưa ông?

- Năm doanh nghiệp góp vốn ban đầu là 24,5 tỉ đồng. Do năm đầu tiên còn khó khăn nên mục tiêu hội đồng quản trị công ty cho phép được âm 14 tỉ đồng với điều kiện CLB phải trụ hạng.

Kết thúc V-League 2015, chúng tôi thu từ bán vé được 1,5 tỉ đồng, thu từ bán bảng quảng cáo trên sân gần 3 tỉ đồng, thu từ tài trợ khoảng 6 tỉ đồng. Tổng cộng công ty thu về 10,5 tỉ đồng. Với mức âm 11 tỉ đồng và đội bóng trụ hạng, xem như chúng tôi hoàn thành chỉ tiêu hội đồng quản trị đặt ra.

Chi phí của Đồng Tháp thấp do chúng tôi sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn” là chính. Lương (dưới 20 triệu đồng/cầu thủ) và tiền thưởng (dưới 300 triệu đồng/trận thắng) của cầu thủ không cao như các CLB khác nhưng công ty luôn trả lương, chi thưởng đúng thời hạn. Chữ tín được công ty và cầu thủ cùng gìn giữ nên mọi chuyện đều diễn ra theo chiều hướng lạc quan.

* Nguồn thu của mùa bóng 2015 so với thời kỳ trước đây như thế nào?

- Các số liệu còn lưu giữ từ công ty cũ cho thấy chi phí tổ chức một trận đấu từ 60 - 70 triệu đồng nhưng nguồn thu từ bán vé không đủ chi. Trước đây, đội bóng chi tiêu khoảng 30 tỉ đồng của nhà tài trợ và chi phí hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương.

Còn ở mùa này, bình quân mỗi trận thu được hơn 100 triệu đồng tiền vé nhưng phí tổ chức chỉ còn 40 triệu đồng/trận, nghĩa là công ty đã có lãi. Trước đây, việc bán bảng quảng cáo trên sân không được bao nhiêu, mùa này bảng quảng cáo giăng đầy từ dưới sân lên đến khán đài và có nhiều trận chúng tôi phải tận dụng các bờ tường trên cao để đặt thêm bảng quảng cáo. Đây là tín hiệu đáng mừng khi "sản phẩm bóng đá" của chúng tôi bước đầu đã được người hâm mộ chấp nhận.

* Sang mùa bóng 2016, kế hoạch của công ty về việc tìm nguồn thu ra sao?

- Chúng tôi đã lên kế hoạch tìm nguồn thu qua việc kinh doanh các sản phẩm bóng đá như bán thức ăn nhanh, giải khát, lên kế hoạch bán vé năm, mở quầy bán vật dụng lưu niệm, tận dụng tối đa mặt bằng của sân Cao Lãnh để kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau... Đồng thời đề xuất với lãnh đạo cho phép CLB lấy lại các tuyến trẻ để đào tạo trước khi tiến tới việc chuyển nhượng để thu hồi vốn đầu tư...

* Nguồn thu từ bóng đá ở VN chưa đủ nuôi sống CLB, công ty sẽ làm gì để bảo toàn nguồn vốn của cổ đông?

- Khi thành lập công ty, chúng tôi đã trình bày với UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ không xin cấp đất, không xin làm dự án để lấy tiền nuôi lại bóng đá như nhiều doanh nghiệp khác đang làm khi nhảy vào bóng đá. Chúng tôi sẽ tự nuôi sống CLB với điều kiện duy nhất - địa phương tạo cơ hội và có cơ chế thoáng, đúng pháp luật để công ty hoạt động.

CLB phải tự làm mới mình

TT - V-League, theo tôi, không hẳn là chất lượng tệ nên khán giả không đến sân bởi có nhiều trận đấu chất lượng rất khá. Do đó, các CLB muốn khán giả đến sân thì phải tự làm mới mình.

Xem bóng đá xét cho cùng cũng là một loại hình giải trí, nếu xem bóng mà không thoải mái thì người ta đi xem làm gì. Các CLB phải nâng cấp chỉnh trang sân, tạo cảm giác vui chơi, giải trí cho khán giả. Trong điều kiện VN hiện nay nhiều sân vận động chưa thuộc về các đội bóng thì theo tôi, các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện, cho các CLB thuê sân dài hạn rồi toàn quyền quản lý, toàn quyền sử dụng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, sân vận động xuống cấp, xập xệ thì không thể nào thu hút khán giả. Các CLB cũng phải chú trọng đến hội cổ động viên, có những ưu đãi, hỗ trợ, tặng quà cho các cổ động viên trung thành, tương tác với khán giả nhiều hơn qua mạng xã hội, tạo sự gần gũi, xích lại gần nhau vì màu cờ sắc áo, tinh thần địa phương.

Một bộ phim thương mại khi ra mắt, không cần biết hay hay dở, muốn được đông khán giả xem thì ngoài dàn diễn viên ăn khách, trước hết số tiền PR chi ra phải không hề nhỏ. Bóng đá nếu xét đơn thuần là hình thức giải trí, thì công tác truyền thông cho nó cũng cần được chú trọng nhiều hơn so với hiện nay. Xét hiện tượng U-19 VN, sau là đội Hoàng Anh Gia Lai thi đấu hơn hai năm nay. Các em trở thành hiện tượng, ngoài việc chơi hay còn được đóng góp rất nhiều bởi truyền thông. Các bài báo ca ngợi, phân tích, đánh giá, bình luận đầy rẫy trên các trang báo giấy, báo mạng, tạo ra một lớp cổ động viên ủng hộ cũng như không ủng hộ gây ra tranh cãi làm cho hiện tượng U-19 HAGL chưa bao giờ hết “nóng”.

PHAN HUỲNH TUẤN

Hãy hỏi họ vì sao bỏ bóng đá

Theo HLV Lê Thụy Hải: “Bóng đá VN từng có hai doanh nhân rất mê và đầu tư vào bóng đá. Đó là ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông chủ đội bóng Hòa Phát Hà Nội trước đây và ông Hoàng Mạnh Trường - chủ tịch Tập đoàn ximăng The Vissai, ông chủ đội bóng The Vissai Ninh Bình. Vậy mà tại sao họ lại bỏ ngang và giải tán đội bóng? Chúng ta cần phải hỏi ý kiến hai doanh nhân này để xem tại sao họ bỏ và nên mời họ tham gia ý kiến vào “hội nghị Diên Hồng” của bóng đá VN”.

N.K.

SĨ HUYÊN (sihuyenho@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên