![]() |
Vừa rồi, một tỉnh miền Tây Nam bộ tổ chức hội nghị kết quả giám sát về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2006-2012. Bà phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này cho biết: “Suốt sáu năm qua, địa bàn tỉnh chưa phát hiện tình trạng lãng phí”. Trong khi đó, một vị phó chủ tịch tỉnh phát biểu: “không khó để nhận thấy tình trạng lãng phí còn khá phổ biến trong xây dựng cơ bản”. Ông chứng minh 1 con đường mới trong tỉnh bỗng dưng bị đơn vị tư vấn thiết kế… hạ cao độ mặt bằng xuống thấp hơn so với mặt đường cũ để làm ta-luy. Sau đó, thấy chẳng giống ai, nhà thầu phải xin… cho nâng độ cao lại như cũ. Tình hình hạ xuống nâng lên ấy làm tốn khá bộn tiền.
Ngày xưa, viên quan nào báo cáo sai sự thật lên triều đình thì phạm tội khi quân. Ngày nay, tội danh ấy không còn nữa. Có lẽ nhờ vậy mà cấp tỉnh vẫn dám báo cáo dối nhằm che đậy sự thật lên cấp trung ương. Điển hình là vụ đốt pháo nổ đêm giao thừa và ngày tết ở một tỉnh phía Bắc. Ông chánh văn phòng ủy ban tỉnh khẳng định “không xảy ra hiện tượng đốt pháo”. Trong khi đó, một vị phó chủ tịch tỉnh lại phát biểu “Nói chung là giảm rất nhiều so với năm trước”. Than ôi, tiếng pháo nổ giữa đêm an bình thì ai mà không nghe. Ông chánh văn phòng nói là không xảy ra thì là nặng tai quá đáng.
Trên đây là 2 thí dụ về 2 dàn song tấu trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược. Trong khi 2 vị phó chủ tịch tỉnh không muốn che giấu khuyết điểm trong tỉnh mình, tỏ ra tự trọng khi nói thật trước báo chí và nhân dân thì một bà đại biểu của dân và một ông chánh văn phòng lại chỉ muốn nói dối, tức là chỉ muốn chơi trò Cá tháng tư.
Cấp tỉnh đã vậy thì cấp huyện, cấp xã e lại nhiều hơn. Tôi đồ chừng nhân dân không cấp xã thì cấp huyện ngày nào cũng có thể nghe được lời cá tháng tư. Nếu bỏ qua một bên những chuyện đời sống ngày càng khó khăn, thuế chồng thuế phí chồng phí, giá điện nước tăng, hàng gian hàng giả làm hại người tiêu thụ, hạn hán làm mùa màng thất bát… thì ít ra, ta vẫn vượt xa người về tình trạng cá tháng tư nở rộ. Quả là mùa bội thu lộng lẫy và hoành tráng!
Vừa rồi, tôi được mời tham gia và đọc tham luận tại hội nghị Quốc tế Chống nói dóc lần 2 tổ chức tại một nước châu Phi. Ảnh hưởng cách phát biểu tràn đầy tinh thần hồ hởi, phấn khởi học được từ các vị “tiền bối”, tham luận của tôi vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp và thơ mộng: “Thưa quý vị, chúng tôi có một nền công nghiệp du lịch cực kỳ tiên tiến vào bậc nhất thế giới. Với tinh thần coi khách là ông nội của mình, chúng tôi dành những nơi lưu trú tốt nhất, những phương tiện tàu bay xe lửa xe hơi nhanh nhất, những món ăn ngon nhất cho quý khách chỉ để thu lại đồng tiền dịch vụ rẻ nhất thế giới. Tám ngàn lễ hội mỗi năm, lễ hội nào cũng văn minh, trật tự, sạch đẹp sẵn sàng kính mời quý vị tham gia”. Tôi tham luận tới đây thì cử tọa ở dưới cười ồ. Một bà đại biểu cắc cớ vặn lại tôi: “Xin lỗi, tôi đã phải ngồi xe đi suốt 60 cây số trên đất nước ông mà không tìm ra chỗ đi tè!”. Hội nghị càng cười lớn. Bà nội này khó chịu thật. Thì cứ tè đại ra ngoài lề đường, có sao đâu! Sáng hôm sau, các báo in chần dần hình tôi trên trang nhứt và rút tít: “Monsieur poisson d’ April” - Ông Cá tháng tư.
Chuyện tôi mất mặt là chuyện nhỏ, chuyện ngành du lịch của ta mất uy tín vì làm ăn chụp giựt, nghiệp dư, vá víu và đôi khi có biểu hiện lừa đảo khách hàng mới là chuyện lớn. Chúng ta chơi cá tháng tư với bà con trong nước thì… cũng được, bởi họ đã quen và bởi họ hiểu ngay đâu là lời dối trá xí gạt. Nhưng đối với người nước ngoài thì chơi vậy là thua đẹp. Bởi với họ, mỗi năm chỉ có một ngày cá tháng tư và ngày ấy chỉ diễn ra hôm nay.
Hỡi quan chức các cấp, các ngành! Xin hãy nói thật và cùng tích cực tham gia với chúng tôi chống nói dối, nói dóc để khỏi rườm tai dân. Chào mừng ngày Cá tháng tư, tôi tin quý vị sẽ không còn chơi trò cá tháng tư vào 364 ngày còn lại trong năm.
Tuổi Trẻ Cười số 473 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận