Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và các vị lãnh đạo TP.HCM trò chuyện cùng các bạn nhỏ đại diện cho thiếu nhi tại buổi gặp - Ảnh: THANH TÙNG |
“Chúng ta cùng khát khao TP đổi mới, phát triển, ngày càng đẹp hơn, môi trường sống tốt hơn, điều kiện học tập, vui chơi giải trí cho thiếu nhi TP tốt hơn. Mà với vai trò những người bạn, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được” - ông Đinh La Thăng bày tỏ.
Buổi gặp đầm ấm với lời xin lỗi chân thành mà vị bí thư Thành ủy dành cho các bạn nhỏ rằng “đáng lý ra phải sớm hơn nhưng vì điều kiện công tác nên giờ mới gặp được”.
Chúng em muốn được học kỹ năng nhiều hơn!
Mở đầu cuộc gặp, bạn Mai Hải Yến (Trường THCS Đoàn Kết, Q.6) vào thẳng vấn đề: “Chúng em muốn được giảm tải chương trình học, thêm các sân chơi kỹ năng và bớt nặng nề chuyện điểm số, thành tích trong việc học”.
Bạn Giang Thị Mộng Như (Trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân) mong muốn sách giáo khoa phải cập nhật số liệu mới hơn vì còn nhiều con số quá cũ và xây thêm hồ bơi tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành để thiếu nhi có nơi học bơi, phòng chống đuối nước.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết đầu tư xây hồ bơi mới đã làm nhưng còn thiếu nhiều lắm.
Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Lê Hồng Sơn thông tin TP đã đồng thuận chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi trong các trường học để phục vụ nhu cầu học bơi cả bên ngoài trường nhưng ưu tiên số một phục vụ học sinh.
“Năm 2016 sẽ xây năm hồ bơi mới trong các trường, cộng với chủ trương xã hội hóa việc xây hồ bơi và hồ bơi hiện có tại 50 trường, tôi tin đáp ứng phần nào nhu cầu học bơi, giải trí trong nhà trường của các em” - ông Sơn bày tỏ.
Thừa nhận phải theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục - đào tạo nhưng ông Lê Hồng Sơn cho biết TP có hướng dẫn giảm tải cho học sinh, TP được chấp thuận cho biên soạn theo hướng tích hợp các môn học và dự kiến năm 2018 có thể hoàn thành bộ sách giáo khoa cho tiểu học. Học sinh vỗ tay sau thông tin này.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nói thẳng: “Các cháu vỗ tay vì ngoại giao với thầy thôi chứ chắc chưa hài lòng. Phải có con số cụ thể, bao nhiêu cháu biết bơi và bao nhiêu cháu chưa biết bơi ở TP chúng ta. Nói đến năm 2018 mới có thể ra mắt bộ sách mới vậy là bắt các cháu phải chờ mãi đến đó à, chậm quá”.
Mong được an toàn đến trường
Cuộc gặp nóng lên khi bàn tới chuyện xe buýt.
“Xe buýt tiện nhưng hay chen lấn xô đẩy. Cháu thường đi học bằng xe buýt nhỏ dạng xe lam nhưng hay bị ép khách, có khi ngồi ngoài rìa không thanh chắn, gặp đường vắng bác tài chạy nhanh, thắng gấp cháu muốn rớt ra ngoài, thót tim” - Trịnh Thu Phương (Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) nói.
Còn Nguyễn Phạm Hải Phượng (Trường THCS Trần Quang Khải, Q.12) cho biết tài xế và tiếp viên rất khó chịu khi thấy học sinh lên xe và hỏi: “Liệu có phải vì tụi con là học sinh, đi vé ít tiền hơn nên xe buýt không thích phục vụ?”.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường thừa nhận: “Chuyện phân biệt đối xử, lái xe không an toàn, bỏ bến bỏ trạm thời gian qua rất nặng nề”.
Ông Cường kể hai con của ông cũng đi học bằng xe buýt, có khi cũng bị chuyến xe buýt cuối cùng bỏ qua và phải đi taxi về.
“Qua tuần tôi sẽ làm việc trực tiếp các nơi như phản ảnh của các em” - ông Cường khẳng định.
Nghe vậy, Thu Phương nói thêm: “Chuyện xe buýt không thích phục vụ học sinh là có thật. Con đi học xe tuyến số 51 ít khi được mua vé học sinh mà thường phải mua vé người lớn 5.000 đồng”.
Bạn khác nói tuyến số 46 cũng tương tự vậy. Ông Cường nói sẽ kiểm tra ngay hai tuyến này.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng quay sang các vị lãnh đạo có mặt nói rằng chấn chỉnh thái độ phục vụ của xe buýt nhưng thật ra là tất cả các ngành phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, hòa nhã trong phục vụ dân.
“Nói trẻ em phải thế này thế kia nhưng người lớn lại không làm được là không ổn. Tất cả các sở, ngành phải nhìn lại để làm việc phải chăm chỉ, cần mẫn, đúng giờ, thay đổi thái độ phục vụ dân để làm gương” - ông Thăng nhấn mạnh.
Bạn So Qua Ni (Trường THCS An Lạc, Q.Bình Tân) lo lắng trước thông tin bắt cóc trẻ em gần đây khiến bạn và bạn bè mình không yên tâm khi ra đường.
Trấn an các bạn nhỏ, giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong nói lực lượng chống tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em của Công an TP đã phá nhiều chuyên án, bắt một số đối tượng và khẳng định luôn có phương án bảo vệ an ninh học đường, trang bị kỹ năng phòng vệ cho học sinh, bảo vệ thiếu nhi TP.
Trăn trở đi lên cùng TP
So Qua Ni còn chia sẻ điều khiến người lớn suy nghĩ: “Cháu đi học đúng đường, bị người lớn quẹt xe, đã không xin lỗi mà còn quay lại mắng dù tụi cháu không sai”.
Bạn Nguyễn Đình Duy (Trường THCS Nguyễn Văn Bá, Q.Thủ Đức) mong muốn gắn kết với các bạn nhỏ tại mái ấm, nhà tình thương. Hay bạn Phan Lê Ánh Dương (Trường tiểu học Thới Tam, Hóc Môn) đề nghị lãnh đạo TP cần gặp những bạn học sinh khuyết tật nhiều hơn để động viên, để các bạn thấy được quan tâm, bớt mặc cảm.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá suy nghĩ này rất đẹp và nói: “Cháu mới 10 tuổi đã hiểu rằng người khuyết tật không chỉ cần được hỗ trợ về vật chất mà cần được động viên tinh thần, chia sẻ của cộng đồng, tạo môi trường để hòa nhập”.
Còn ông Lê Đông Phong cho rằng các bạn nhỏ đang thể hiện vai trò người chủ thật sự chứ không phải người chủ tương lai của TP vì các bạn quan sát, nắm rất chắc nhịp phát triển của TP.
Ở góc khác, bạn Hồ Đình Khoa (Trường tiểu học Long Thạnh, Cần Giờ) đề nghị TP xây tại Cần Giờ nơi tái chế rác để vừa tái chế rác thành các sản phẩm trang trí bán lấy tiền chăm lo cho học sinh nghèo, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Tâm đắc với phát biểu này, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Toàn Thắng đề nghị nhà trường có thể phối hợp đưa học sinh đi thăm ba điểm xử lý, tái chế rác của TP để học sinh hiểu hơn và cho biết: “Chương trình 3T: tiết kiệm - tái chế - tái sử dụng và chương trình xanh - sạch - đẹp sau thời gian thí điểm năm nay sẽ triển khai rộng trong các trường học của TP để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh”.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng giao lãnh đạo HĐND, UBND TP rà soát lại các chỉ đạo của nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trong các lần gặp trước đây, các chủ trương, chính sách của TP liên quan đến việc chăm lo cho thiếu nhi, sao cho phải tạo điều kiện tốt nhất trong tiềm năng của TP để các em học tốt, mạnh khỏe và đóng góp xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như Đại hội Đảng bộ TP lần X đã xác định.
Ông Thăng lưu ý các bạn nhỏ ngoài học tốt, rèn luyện sức khỏe, chịu đọc còn phải giỏi công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
“Thời buổi hội nhập cần các cháu phải giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tin học. Các cháu cũng phải có kỹ năng để biết bảo vệ mình, biết tự nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa giúp cha mẹ. Lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, các cháu làm tốt vai trò của các cháu coi như chúng ta nỗ lực thi đua cùng nhau” - bí thư Thành ủy đúc kết buổi gặp gỡ.
Quà tặng của lãnh đạo TP Ngoài Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chủ trì, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm điều hành, buổi gặp gỡ sáng qua còn có Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP. Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường cho biết lãnh đạo TP đã thống nhất và quyết định thưởng cho 100 thiếu nhi TP có thành tích xuất sắc trong học tập, chăm ngoan vượt khó chuyến về nguồn thăm quê hương anh Kim Đồng tại Cao Bằng. Chuyến đi còn có một số phụ trách Đội và dự kiến vào hè này. |
“Thiếu nhi TP.HCM phải có “thương hiệu” riêng của thiếu nhi TP mang tên Bác. TP chúng ta có truyền thống chủ động, sáng tạo thì mỗi cháu thiếu nhi cũng phải rất năng động, tư duy độc lập sáng tạo, tạo giá trị cho bản thân, cho xã hội vì chúng ta chung khát vọng đổi mới, xây dựng TP phát triển, năng động và nghĩa tình hơn nữa", ông Đinh La Thăng dặn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận