![]() |
Thường yếu tố gây sợ hãi xuất hiện bất ngờ nên “khổ chủ” rơi vào bệnh cảnh shock: Tim đập nhanh, cảm giác đau ngực, nghẹt thở như có ai đó bóp lồng ngực lại. Kèm theo là toát mồ hôi, run tay chân hoặc tê bì như có kiến bò ngoài da. Lúc này “khổ chủ” rơi vào tình trạng mà các nhà tâm thần học gọi là “giải thể nhân cách”: cảm giác bên ngoài và bên trong cơ thể đều không thật. Họ nghĩ mình đang bị điên hoặc tệ hơn là… sắp chết. Những chị sợ máu, ra đường nhìn thấy tai nạn giao thông thường bị ngất xỉu. Trẻ sợ kim chích thường hét lên, toát mồ hôi, tái xám mặt, co chân tay khiến cha mẹ cũng muốn… xỉu.
Ba dạng của chứng sợ hãi
Sợ đơn giản(simple phobia): Đột xuất gặp tác nhân gây sợ như bị va chạm, xe té xuống, sợ chấn thương não, sợ gẫy xương. Nếu bác sĩ khám rồi phán: “Xước da chút đỉnh thôi, lần sau đi cẩn thận hơn, đừng lạng lách, cứ nhường nhịn là khỏi lo”, rồi được nhiều người tác động thêm, nỗi sợ sẽ dần dần lắng xuống và được giải tỏa.
Tuy nhiên nếu bạn đã từng xỉu khi nhìn thấy máu, nay lại thấy một người nằm dưới lòng đường, máu chảy thành dòng thì lần xỉu thứ hai sẽ nặng hơn. Đó là chứng sợ phức hợp bởi nó liên quan đến sự việc đã diễn ra trong quá khứ. Chứng sợ thứ ba ít gặp nhưng không kém phần rắc rối, đó là sợ núp bóng một vấn đề tình cảm. Chẳng hạn: Chị A lập gia đình, bị chồng hành hạ rồi ly hôn. Nỗi sợ gặp phải người đàn ông khác cũng bạo hành khiến chị luôn lo lắng, day dứt, dù chị vẫn còn trẻ và nhiều người khuyên nên lập gia đình tập II. Đọc báo thấy chị B bị chồng đánh đập, chị A nước mắt lưng tròng, thương cảm và thấy không thể tiến tới với người đàn ông nào vì lo “sẽ bị họ đánh”. Đó là “rối loạn lo sợ”.
Khai thác Chứng sợ hãi
Chứng sợ hãi được các nhà làm phim hay viết kịch khai thác, những người bình thường coi đó là “giải trí” nhưng với những người có loại hình thần kinh yếu lại xem kịch hay phim kinh dị thường sợ hãi và bị ám ảnh. Chẳng hạn xem phim ma cà rồng họ bị ám ảnh bởi cảnh ma há miệng đỏ lòm, nhe răng và ngoạm vào cổ đối thủ, máu phun ra.
Đêm đêm họ có những giấc mơ kinh dị đến mức suy nhược thần kinh, hay hoảng hốt, thậm chí còn nhìn thấy những hình ảnh quái dị trên tường, trên trần. Họ sẽ có những phản ứng thái quá như chui xuống gầm bàn, la hét, khóc lóc và dễ dàng rơi vào bệnh trầm cảm. Vì thế trước khi trình chiếu hoặc trình diễn một vở kịch ma, người ta thường kèm theo lời khuyến cáo “cân nhắc trước khi xem” là vậy.
![]() |
Quan niệm về chứng sợ hãi
Các nhà tâm thần học cho rằng sự kiện khiến cho bạn sợ không phải là nguyên nhân mà chỉ là yếu tố giải phóng chứng sợ hãi. Chẳng hạn cây kim chích được sản xuất không phải là “vũ khí hù dọa” và ai cũng đã từng nhìn thấy nó trong đời, nhưng với một số người thì đó là yếu tố giải phóng chứng sợ hãi đến mức cứ nhìn thấy là họ muốn xỉu. Điều này sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Sợ cây kim, tiếp theo là từ chối, giấu diếm bệnh vì sợ phải điều trị. Có người luôn miệng hỏi bác sĩ: “em có phải chích không?”. Đơn giản như nhổ răng số 8 phải chích thuốc tê thì đôi khi bác sĩ vừa giơ kim lên bệnh nhân đã xỉu, phải cấp cứu.
Điều trị không đơn giản
Trước hết là liệu pháp gọi là “nhận thức hành vi”. Bạn sẽ được trò chuyện về tác nhân giải phóng chứng sợ hãi, ví dụ “Cây kim để chích thuốc, đâm vào da chỉ như con muỗi đốt đâu có gì ghê gớm như bạn nghĩ và đừng có sợ nó. Bạn xem này, tôi chích cho người này, bà ấy đâu có kêu đau hay khóc lóc, thấy chưa, mọi chuyện đâu có gì khủng khiếp…”. Nếu làm vậy mà người này vẫn sợ hãi thái quá thì thôi miên là biện pháp hiệu quả. Nhiều khi chứng sợ hãi phải dùng biện pháp thôi miên nhiều lần mới mong cải thiện tình hình được.
Chúng ta sống trong hòa bình nhưng cũng đầy nỗi sợ. Ra đường sợ tai nạn giao thông, đến cơ quan sợ không hài lòng sếp, sợ đồng nghiệp(nói xấu, đánh giá tiêu cực..). Gặp chính quyền làm thủ tục hành chính, nay yêu cầu bổ sung thứ này, mai lại bổ sung thứ khác dẫn đến nỗi sợ cơ quan công quyền. Học sinh sợ thi cử, vô phòng thi phát đau bụng, tái mặt, mất bình tĩnh.., đó là những nỗi sợ chung. Ngoài ra có chừng 10% số người mang những nỗi sợ riêng có thể kể hàng ngày không hết. Người sợ kim chích, sợ máu, sợ... mùi bệnh viện, sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ chuột, sợ gián, sợ bệnh(luôn cảm thấy đau ở nơi nào đó, tưởng tượng là mình bị ung thư)... Phụ nữ có loại hình thần kinh yếu hơn nam giới nên họ mắc chứng sợ hãi cao gấp 2 lần. Những trẻ được bảo bọc kỹ quá cũng mắc chứng sợ hãi. |
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận