12/10/2016 11:13 GMT+7

Thảm gạch Mosaic thương xá Tax vẫn còn lại với nhân gian

TRẦN THỊ VĨNH TƯỜNG (California, Mỹ)
TRẦN THỊ VĨNH TƯỜNG (California, Mỹ)

TTCT - Bên dưới thảm gạch Mosaic thương xá Tax là một "dòng sông men lam" lặng lẽ ẩn chứa nhiều điều phải học từ bờ này qua bến khác.

Cầu thang Mosaic thương xá Tax - Ảnh của Alexandre Garel chụp năm 2014

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên Satra cho biết có rất nhiều nội dung được bảo tồn tại Thương xá Tax gồm:

- Phần bên ngoài (bảng hiệu thương xá Tax; mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng - đặc biệt chú ý ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ)

- Phần bên trong (không gian sảnh chính, tức không gian thông tầng với yêu cầu ít nhất là 2 tầng; cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính, có tay vịn và lan can bằng đồng có các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu; các phần trang trí lót gạch mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang)

- Phần kiến trúc (gạch mosaic ở sảnh chính, gồm hai thảm gạch mosaic ở lối vào và cầu thang khảm gạch mosaic...)

Dòng sông ấy chính là tiếng nói của một cộng đồng, là khao khát hướng về cái đẹp, là muốn gìn giữ nhịp cầu nối quá khứ với hôm nay.

Nếu không có việc thương xá Tax được đập bỏ (từ ngày 12-10-2016) để xây lên thành cao ốc 40 tầng hiện đại thì có lẽ ít ai biết tới thảm gạch Mosaic lặng lẽ đón chào hàng triệu bước chân từ ngày khánh thành 26-11-1924, cũng không biết tới ý nghĩa ở sau tấm thảm gạch này.

Duyên nợ với Mosaic

Nếu đồ đồng là kiệt tác của đồng, thủy tinh là kiệt tác của cát, thì đồ gốm là kiệt tác của đất sét và men.

Theo tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, để có những viên gạch gốm mosaic ở thương xá Tax, yếu tố quan trọng nhất là đất sét, thứ nhì là lò nung có cấu trúc phù hợp với đất sét và cách xếp gạch phải phân bố để nhiệt lượng tỏa đều.

Còn theo Faissel Farhi - chủ phòng trưng bày gạch gốm ở Hollywood (California), trong lò nung, gạch được xếp theo màu men vì men có sức chịu nhiệt khác nhau: gạch men trắng xếp ở dưới, gạch men đỏ xếp ở trên.

Faissel nhận ra viên tessera màu vàng nâu là đất sét ở Fes - nơi duy nhất có loại đất sét cho phép “cắt” một viên gạch (đất sét nung 10x10cm) thành 5 viên nhỏ gọi là tessera, kích thước 1,7x1,6x0,5cm. Một sinh viên kiến trúc lượm được viên tessera này khi từ giã thương xá Tax ngày cuối cùng 25-9-2014.

Mosaic trên tường ở thương xá Tax - Ảnh Nguyễn Xuân Tuấn Anh chụp năm 2014

Kinh thành Fez (hay Fes) nằm trên triền dốc thung lũng, nơi cung cấp nguyên liệu làm gốm. Vùng Bin Jelleih, 12km phía bắc Fez, chứa loại đất sét rất lạ: lớp đất sét bên trên vẫn giữ nguyên màu vàng nâu sau khi nung, nhưng lớp bên dưới phơi nắng rồi nung thì đất sét biến thành màu trắng thích hợp cho gốm trắng - men - lam Fakhari nổi tiếng thế giới trong nhiều thế kỷ, người Pháp gọi là “Bleu de Fez”, giống “Bleu de Huế” triều Nguyễn. Thế kỷ 14, Fez có 124 xưởng gốm.

Ở thung lũng Mellih (Morocco), sông cuốn những tảng đá từ trên cao xuống hẻm núi hẹp. Đá mài thành bột mịn cho màu xanh lam tuyệt đẹp. Cầu thang Tax tráng men xanh lam vừa hợp ý người Pháp hàm ý Sài Gòn là một cảng sông vừa đúng với niềm tin trong Hồi giáo (Islam): màu xanh là màu trời và màu nước.

Nếu lâu đài, dinh thự, thư viện, viện bảo tàng thế giới đa số cầu thang lớn mở ra đại sảnh chỉ lót thảm thì Việt Nam có duyên với Mosaic.

Ngoài cầu thang thương xá Tax, Nhà hát lớn Hà Nội xây năm 1901-1911 do hai kiến trúc sư Broyer và V.Harlay thiết kế cũng có cầu thang lát gạch Mosaic, ráp trực tiếp, hàng gạch đường biên là họa tiết Roma đơn giản.

Hầu như cùng thời với Grands Magasins Charner de Saigon (tức thương xá Tax), năm 1917, họa sĩ Pháp Jacques Majorelle ở Paris sang tận Morocco tìm tòi suốt 40 năm thành lập vườn Majorelle ở Marrakesh. Năm 1937, Majorelle xin bằng sáng chế một màu lam đậm gọi là Couleurs Marjorelle và sơn phết toàn thể khu vườn bằng màu lam này.

Từ năm 1947, vườn mở cửa đón 600.000 du khách mỗi năm. Hiện giờ Majorelle là viện bảo tàng, mỗi năm đón hàng triệu du khách, đa số từ Pháp.

Con gà trên tay vịn cầu thang ở thương xá Tax là hình ảnh rất thân quen với người Sài Gòn - Ảnh: Tax

Ráp và nạy Mosaic ở thương xá Tax bằng cách nào?

Người Morocco ráp Mosaic theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Cách trực tiếp là ráp 60 bậc thang, đường viền hay trên tường, ráp từng viên một.

Ráp Vườn hồng Mosaic cần chia nhiều tấm nhỏ: ráp từng tấm, ráp từ giữa ráp ra. Trong hình chữ nhật màu trắng, thợ cả đã chia sẵn 21 tấm trắng nhỏ: tạm gọi tấm trắng nhỏ thứ 11 (dù đếm ngang hay đếm dọc) là tấm trung tâm, ráp tấm trung tâm trước rồi lần lượt ráp 20 tấm trắng nhỏ xung quanh thành hình chữ nhật, ráp những tấm hoa nhỏ trắng - xám xung quanh hình chữ nhật, đến sát khung cầu thang cong cong thì phải ráp từng viên.

Khi ráp Vườn hồng hai bên cầu thang thì ráp tấm trung tâm (hai hình vuông lồng vào nhau thành ngôi sao tám cạnh), ráp ngôi sao xuống trước, ráp những tấm nhỏ khác xung quanh. 21 tấm trắng nhỏ và các tấm hoa nhỏ, ngôi sao... có thể ráp sẵn từ Fes hay ráp ngay tại Sài Gòn, tùy người thợ cả. Điều chắc chắn là thợ cả đã mang thêm một số gạch nung 10x10cm đủ màu tới Sài Gòn, đẽo thêm chêm vào cho vừa đúng.

Có ráp thì có nạy để sửa chữa, thay thế. Giả dụ cầu thang cũ không giữ được vì yếu so với tòa building mới 43 tầng thì một cầu thang mới sẽ được đặt ở đó. Thảm gạch Mosaic sẽ được nạy, di dời, cất giữ và ráp lại vào cầu thang mới.

Công đoạn này chắc chắn hao hụt khoảng 10%. Tôi vẫn giữ lời hứa với SATRA (chủ thương xá Tax) sẽ tặng số tesserae hao hụt với vật liệu và màu in hệt.

Thảm gạch ngôi sao
Thảm gạch ngôi sao

Nếu thay bằng vật liệu khác sẽ mất giá trị toàn thể. Việc quan trọng đầu tiên là nạy thảm gạch. Biết cách ráp không có nghĩa là biết kỹ thuật nạy dù không khó và dụng cụ đơn giản. Sự can thiệp của chuyên viên nước ngoài là cần thiết.

Ngành khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật, trùng tu và xây dựng Việt Nam hoàn toàn không dạy môn này nên cần khiêm tốn để tránh sự thiếu chính xác và thiếu nghiêm chỉnh.

Thảm gạch Zeugma 1.700m2 tìm thấy ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ có 2.000 năm tuổi Mosaic được khai quật, di dời, năm 2011 trưng bày ở Zeugma Mosaic Museum - viện bảo tàng Mosaic lớn nhất thế giới. Nhóm khảo cổ chuyên nghiệp đang bị chỉ trích gay gắt vì một số sai sót, cuộc điều tra đang tiến hành xem trách nhiệm thuộc về ai.

Bà thị trưởng Fatma Şahin mang giày gót nhọn dẫn quan khách giẫm lên Mosaic cũng bị chỉ trích là “thiếu văn hóa” dù trong đám khách có cả bộ trưởng văn hóa, còn trưởng nhóm khảo cổ bị chỉ trích là không biết... bảo bà ấy. Bảo sao được mà bảo!

Người nghệ sĩ ấy là ai?

Năm 1912, Tây Ban Nha và Pháp chiếm Morocco và Tunisia làm thuộc địa. Abd el-Krim lãnh đạo người Morocco nổi dậy chống Pháp, bị Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion từ năm 1926 tới 1947, giống vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp cũng bị Pháp đày ở Réunion năm 1916.

Cuộc khởi nghĩa của Abd el-Krim gây ảnh hưởng trên những nhân vật kháng chiến như Hồ Chí Minh, Che Guevara. Hoa hồng ở thảm gạch Mosaic Tax phải chăng là dấu hiệu kín đáo người nghệ sĩ Morocco tưởng nhớ tới vương triều oanh liệt 1.200 năm, tới giấc mơ độc lập không thành, tới người anh hùng đang bị giam cầm nơi đảo Réunion?

Năm 1921, Công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” (Tổ hợp thương mại Đông - Dương và người châu Phi) sở hữu GMC de Saigon, nên cầu thang ở Tax lát gạch Mosaic của châu Phi không phải chuyện lạ.

Nhưng vừa làm theo ý người Pháp giới thiệu cảng Sài Gòn mới mẻ vào dòng thương mại thế giới mà vẫn xây được một đền thờ Hồi giáo ở một nơi xa lạ, qua mặt người Pháp, một mình nói lên được ước vọng thầm kín của cả dân tộc Morocco thì chỉ duy nhất người thợ cả này làm được.

Kiến thức người thợ cả ấy không phải tầm thường: đẩy óc sáng tạo lên tới tầng trời mà vẫn không quên rằng mình đang ở dưới trần gian. Người nghệ sĩ ấy là ai? Câu trả lời xin dành cho học thuật Morocco.

Sẵn đây cũng nhắc là thế giới học thuật rất trân trọng những kiệt tác nên tin tức Mosaic Tax đi rất xa. Tháng 6-2015, một sinh viên Hoa Kỳ qua Sài Gòn tìm hiểu tấm thảm Mosaic Tax cho luận án tiến sĩ. Tháng 5-2015, một nhóm trẻ chuyên ngành người Morocco cũng đã tới Sài Gòn nghiên cứu, sau đó đăng tải rộng rãi tin tức về thảm gạch Mosaic “cho thế hệ trẻ Morocco biết về một mảnh văn hóa Morocco lạc loài”. Tháng 11-2015, một phóng viên tờ New York Times sang cũng thắc mắc về tình trạng Mosaic Tax.

Cầu thang thương xá Tax trước (ảnh trái) và sau khi tháo gạch để bảo tồn (phải) - Ảnh tư liệu Tax
Cầu thang thương xá Tax trước (ảnh trái) và sau khi tháo gạch để bảo tồn (phải) - Ảnh tư liệu Tax

Ý nghĩa thảm gạch Mosaic

Học thuật phương Tây cho là thừa hưởng “vườn” từ văn minh Hi Lạp/La Mã. Attilio Petruccioli - giáo sư “xuyên lục địa” dạy Đại học La Mã, Algérie, Venice, Hoa Kỳ - công nhận mãi tới năm 1988, châu Âu mới hơi hiểu về ý nghĩa vườn Ba Tư. Giáo sư Patrick Hunt (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) cho rằng ý niệm “Pairidaeza” bắt nguồn từ Hỏa giáo/Zarathushtra.

Từ những ý niệm nhị nguyên hút nhau - đẩy nhau làm nên cuộc sống đầy mâu thuẫn ở chốn trần gian điên dại này: sống/chết, thiện/ác, tốt/xấu, nóng/lạnh, ngày/đêm, ánh sáng/bóng tối, khôn ngoan/ngu độn, lương thiện/bất lương, cao thượng/thấp hèn, khiêm tốn/tự hào...

Hỏa giáo đưa ra ý niệm “Pairidaeza/Thiên đàng” để thiết lập Vườn địa đàng mong ước cuộc sống tốt lành ngay ở đời này.

Từ 2000 năm, kiểu Vườn địa đàng được trân trọng từ Hi Lạp, Ba Tư, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Tây Ban Nha tới Nhật, Anh, Pháp, Trung Hoa... ở các vườn thượng uyển, công viên, lâu đài, thư viện, bảo tàng, nhà quý tộc...

Nơi nào có “vườn”, nơi đó là chốn trí tuệ, bằng không, nói như tục ngữ Ấn Độ: “Người không biết gì về mỹ thuật thì chỉ là con thú không đuôi”.

Vườn hồng Mosaic Tax là một đền thờ Islam chứa triết lý Hỏa giáo Ba Tư: “Hãy tin vào mầm thiện, điều cao cả. Nếu có một niềm tin thì niềm tin ấy ở ngay trong tim mình. Nếu đã bước vào thì hãy giữ niềm tin như dòng sông chảy thanh lọc tâm hồn”.

Đó cũng là tên cuốn sách nổi tiếng về Vườn địa đàng của Emma Clark Bên dưới dòng sông luân lưu: biểu tượng vườn Islam (Underneath which rivers flow: symbolism of the Islamic garden).

Tay vịn cầu thang có hình con gà và cầu thang uốn trong Thương xá Tax - Ảnh: SATRA cung cấp
Cầu thang uốn trong Thương xá Tax - Ảnh: SATRA cung cấp

Tìm hiểu đất sét và men rất dễ, nhưng hiểu “dòng sông niềm tin” không dễ. Sức người nhỏ bé khó thấu được bọt nước li ti, nói chi một dòng sông, nên bài viết này chỉ để nhắc rằng “niềm tin trong nghệ thuật” không chấp nhận “đèm đẹp, đường được, tạm được, thế là được rồi, người dưới quê lên khen dữ lắm...”.

Điều tích cực cho tới giây phút này với tôi - một người Sài Gòn có chút kỷ niệm với thảm gạch Mosaic Tax thời thơ ấu - qua tiếp xúc với SATRA và với một số bạn trong ngành khảo cổ, kiến trúc, ngoại giao, mỹ thuật, lịch sử... cả người Việt và nước ngoài thì dòng sông ấy chính là tiếng nói của một cộng đồng, là khao khát hướng về cái đẹp, là muốn gìn giữ nhịp cầu nối quá khứ với hôm nay.

Niềm tin đó là điều đáng trân trọng ngang với tấm thảm gạch. Bên dưới thảm gạch Mosaic thương xá Tax là một dòng sông men lam lặng lẽ ẩn chứa nhiều điều phải học từ bờ này qua bến khác.

Chúc thảm gạch Mosaic thương xá Tax ở lại toàn vẹn với nhân gian.

----

* Bài viết có tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau

TRẦN THỊ VĨNH TƯỜNG (California, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên