![]() |
Du học sinh VN tại bến xe buýt của ĐH NUS |
Đáp án là sự bùng phát của một ngành công nghiệp hoàn toàn mới, công nghiệp chất xám theo kiểu Singapore. Tận mắt chứng kiến mới khám phá ra rằng VN đang là “đích nhắm” của nền công nghiệp này.
Đi học nước ngoài không cần phải “siêu giỏi” để có thể giành được học bổng, cũng không cần phải “siêu giàu” để có tiền đóng học phí và trang trải chi phí. Đó là một tiền đề quan trọng nhất mà ngành giáo dục Sing mang đến cho lượng du học sinh của các trường công lập. Và lẽ tất nhiên, đi kèm với những ưu đãi này là những đoạn dây trói chân êm ái mà hiếm ai đủ sức từ chối...
Đích nhắm mở rộng
Bùi Hải An, SV năm 2 ngành khoa học máy tính Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS), cho tôi tá túc trong ký túc xá của mình. Đó là một gian phòng tròm trèm 6m2 trong một tổ hợp phòng ở cao đến 11 tầng, nằm lọt thỏm trong một khu vực nhà ở SV rộng mênh mông. Hải An vượt ra mọi khuôn mẫu của một du học sinh thường thấy.
Bạn không quá giỏi, lại không giàu và đặc biệt là không từng học những trường phổ thông “danh giá” ở những thành phố lớn. An là dân Tiền Giang, được NUS “tiếp thị” tận nơi, vừa đủ sức vượt qua kỳ thi xét tuyển nên khăn gói lên đường du học. “Cứ như một giấc mơ. Đề thi không khó lắm, chỉ nhiều thôi”.
Tổng số tiền An phải chi cho chuyến du học kỳ lạ này ước tính khoảng... 3 triệu đồng: “Chỉ dịch và công chứng toàn bộ hồ sơ, học bạ và tiền vé máy bay. Các khoản còn lại đều có nhà nước Sing bao hết”. Loay hoay trước màn hình máy tính nối mạng 24/24 trong phòng, đã hơn 3g sáng, anh chàng vẫn phải học bài một cách miệt mài.
Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là một trong ba trường ĐH công lập của Singapore, tọa lạc trên diện tích 150 ha. Theo tạp chí Asiaweek năm 2000, NUS được xếp hạng 5 trong bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. NUS có những trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy hiện đại hàng đầu thế giới, bao gồm hệ thống sáu thư viện, hàng chục phòng thí nghiệm và trung tâm máy tính. Trường có tất cả 10 khoa với nhiều ngành học đa dạng. Ngoài số giảng viên Singapore, Ấn Độ và Malaysia, trường còn có một số lượng đáng kể giảng viên nước ngoài từ Mỹ, châu Âu... hoặc đã tốt nghiệp tại các trường ĐH danh tiếng thế giới (như MIT, Harvard, Cambridge...). Ngoài ra, NUS còn có quan hệ với nhiều trường ĐH nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức... Hằng năm NUS đều có chương trình trao đổi SV với các trường ĐH này, tạo điều kiện cho SV có cơ hội thử sức mình ở môi trường mới. Đời sống của SV cũng được trường quan tâm, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao như sân vận động lớn, bể bơi, sân tennis... NUS có một hệ thống học bổng cũng như các hình thức cho vay tiền học tập và sinh hoạt. “Bạn có tài, bạn xứng đáng được đào tạo tốt, và chúng tôi sẽ làm tất cả để tạo điều kiện cho bạn”, đó là phương châm giáo dục của NUS. Tại NUS có khoảng 500 du học sinh VN, hình thành một “cộng đồng VN tại NUS” (VNCNUS). Mục tiêu chính của VNCNUS là trở thành một tổ chức đoàn kết cộng đồng VN sống, làm việc và học tập tại Singapore, củng cố và hỗ trợ đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên. Bên cạnh đó, hội cũng nhắm đến việc khẳng định vai trò và trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Số SV VN này chủ yếu học ở các ngành kỹ thuật, kỹ sư, máy tính, kinh doanh, khoa học xã hội nhân văn, truyền thông và môi trường. Riêng hai ngành kén SV là luật (một SV) và nhạc (13 SV VN). |
An không còn là trường hợp cá biệt. Chỉ cần đứng chơi khoảng nửa giờ ngay trạm xe buýt trung tâm của trường, tôi dễ dàng tìm được rất rất nhiều mẫu hình sinh viên VN tương tự An. Thư ở Huế, Hằng ở An Giang, Hải ở Cà Mau... tất cả đều đến Singapore trong một kế hoạch không được định sẵn vì không ai nghĩ đến khả năng du học của mình.
Tôi chợt nhớ lại nhận định của một nhà nghiên cứu giáo dục tình cờ gặp trong một cuộc trò chuyện: “Chính sách thu hút du học sinh của Singapore đang có những thay đổi cơ bản nhưng rất thầm lặng. Hình như họ đang nhắm đến SV ở các tỉnh thành nhỏ như một nỗ lực nối kết các vùng kinh tế, các địa phương để chuẩn bị cho quá trình đầu tư của mình tại VN”.
Có lẽ đúng thế, khi một người bạn của đảo quốc sư tử không ngại ngần chia sẻ kế hoạch mở công ty ở Mỹ Tho với lý do nhân lực rẻ, đầu tư cũng rẻ và có nhiều ưu đãi. Tất nhiên, để làm được điều này anh bạn cần có những người am hiểu địa phương và nắm rõ cách làm việc của Singapore. Tôi giới thiệu và anh mừng rỡ: “Chừng nào An ra trường...”.
Nhưng cả tuần lễ sau vẫn không nghe anh nhắc lại chuyện này và tôi khám phá ra một điều thú vị: anh chẳng cần tôi giới thiệu, vì An đã nằm trong danh sách ứng viên mà anh có được từ chính ngôi trường An đang học cung cấp trong hệ thống thông tin mở của chính phủ.
Công thức “3N” và những con nợ của chính phủ
Được xem là quốc gia phát triển nhất khu vực, Sing tự hào với hệ thống giáo dục có chất lượng không thua kém bất cứ quốc gia lớn nào trên thế giới. Chẳng thế mà tạp chí The New York Times xếp hạng NUS thứ 18 trong số hàng trăm trường ĐH toàn thế giới mà họ tiến hành khảo sát.
Thêm vào đó là việc tình hình an ninh rất tốt, đặc biệt là không có chuyện phân biệt, kỳ thị màu da, sắc tộc như một số quốc gia khác. Và yếu tố quyết định là một nền giáo dục theo kiểu “bao cấp có điều kiện” của Sing đã tạo nên một cơn sốt du học sinh từ nhiều quốc gia kéo đến.
Một cuộc điều tra bỏ túi ở NUS định ra một công thức chung của SV VN tại đây: ai cũng là con nợ của chính phủ cả. Mức đầu tư cho một sinh viên ở NUS là khoảng 20.000 SGD/năm, nhưng học phí chỉ thu 6.220 SGD (đôla Singapore; 1 SGD = 9.600 đồng VN) vì Bộ Giáo dục Singapore đã tài trợ không hoàn lại khoản chênh lệch kia.
Nhưng 6.220 SGD cũng không phải là một số tiền dễ thở với những gia đình có thu nhập trung bình khá của VN. Và thế là Bộ Giáo dục lại rất hào phóng cho vay thêm 80% số tiền học này. Vẫn còn gặp khó khăn với số tiền còn lại, chưa kể tiền ăn ở, sinh hoạt (trung bình là 3.600 SGD/năm).
Nhà trường sẽ lại rất rộng lượng mở hầu bao chi đẹp khoản tiền còn lại “để tất cả mọi người muốn học đều có thể yên tâm học”. Vị chi là sau bốn năm học ở đây, mỗi SV sẽ mang một món nợ 40.000 SGD cùng với ba năm làm việc nghĩa vụ.
Ba năm phải làm việc tại Singapore hoặc cho các công ty Singapore lại không phải là một điều gì quá bi kịch vì ngoài chuyện có kinh nghiệm, thu nhập cao, môi trường này còn mở ra nhiều triển vọng phát triển cho nghề nghiệp...
Còn số tiền nợ sẽ phải trả dần trong thời gian tối đa là... 20 năm cũng không phải là áp lực lớn, vì mỗi tháng chỉ phải cam kết trả ít nhất 100 SGD, trong khi mức lương khởi điểm lên đến 2.500 SGD.
Đó là chưa kể đến một số thông tin dạng “tình báo” cho biết nhiều công ty sẵn sàng trả bay khoản nợ này để nhân viên mình không còn lo lắng chân trong chân ngoài kiếm tiền, mà có thể yên tâm tập trung cho công việc của mình.
Một tổng kết vui được chuyền tay nhau một cách bí mật trong giới du học sinh tại đây là công thức “3N” của Chính phủ Singapore: nhặt từng đứa giỏi nhất của từng vùng, nhồi đủ loại kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đất nước họ trong những lò luyện hiện đại, và sau đó nhốt những nhân công chất lượng cao này trong một cái lồng êm ái của công việc và tiềm năng.
Đó cũng là lời giải cho bài toán nhân lực đang trở nên ngày càng khan hiếm vì xu hướng hiện nay của thanh niên Singapore là chậm lập gia đình và rất ngại việc sinh con.
“Điểm nhấn của công thức 3N này là nó không ràng buộc, ép uổng ai cả. Tất cả đều tự nguyện tham gia và thật sự rất khó thoát ra được. Sức hút quá mạnh mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết. Điều kiện học tập ở đây là một thiên đường đối với du học sinh...” - Minh Anh, một cô SV gốc Bình Định, bảo.
Điều đó làm tôi tò mò, quyết định ôm sách đi học chung với các bạn để xem thực hư thế nào...
-------------
* Kỳ sau: Lang thang NUS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận