11/12/2016 11:28 GMT+7

Chưa tôn trọng tính cách cá nhân...

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Học sinh ngày nay cần được dạy những đức tính nào? Nhà trường có đào tạo được những con người lý tưởng khi xã hội bên ngoài đang xô bồ, nhiều chuẩn mực bị xô lệch? Ngay chính trong môi trường học đường đã tốt chưa, đã lý tưởng chưa?

Một tiết học môn giáo dục công dân ở Trường THCS Đức Trí, quận 1, TP.HCM. Theo một số giáo viên dạy môn này, các thầy cô đã gặp khá nhiều tình huống không có trong giáo án - Ảnh: H.HG.
Một tiết học môn giáo dục công dân ở Trường THCS Đức Trí, quận 1, TP.HCM. Theo một số giáo viên dạy môn này, các thầy cô đã gặp khá nhiều tình huống không có trong giáo án - Ảnh: H.HG.

Hàng loạt vấn đề nói trên đã được mổ xẻ tại hội thảo “Hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” do Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trường đại học Sư phạm TP.HCM và Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM tổ chức sáng 10-12.

Là người đầu tiên trình bày tham luận tại hội thảo, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã đặt vấn đề: “Dù đã hô hào đổi mới phương pháp giáo dục từ 16 năm nay theo hướng lấy người học làm trung tâm, nhưng trên thực tế chúng ta chưa bao giờ tôn trọng tính cách cá nhân của học sinh.

Ngay cả giờ đây khi chúng ta kêu gọi giáo dục phẩm chất và năng lực học sinh thì cũng là cách “giáo dục từ bên ngoài”, coi phẩm chất và năng lực là cái đã được quy định trong chương trình giáo dục, nhiệm vụ của nhà giáo là chuyển nó vào bên trong người học.

Chúng ta chưa quan tâm đến giáo dục giá trị. Đó là “giáo dục từ bên trong”, tức là cá nhân học sinh đến với giá trị, xem giá trị như cái không thể thiếu, giá trị được hình thành trong quá trình sống, quá trình học tập tại trường, tại nhà và ngoài xã hội”.

Những tình huống... không có trong giáo án!

Theo ông Tiến: “Trên thực tế trong xã hội, các văn hóa tiêu cực đang ở thế lấn át. Tiếp nữa, văn hóa gia đình và văn hóa xã hội đang có những đảo lộn đáng lo ngại về giá trị. Giữa ba môi trường văn hóa này không những thiếu sự kết nối, phối hợp mà còn có biểu hiện trái chiều, lệch pha, xung đột về giá trị, dẫn đến hiện tượng “phân rã văn hóa” trong giáo dục”.

Ông Tiến phân tích: “Những văn hóa tiêu cực trong xã hội đang cộng hưởng với những văn hóa gia đình tiêu cực và tạo nên sự xung đột giá trị với những gì được giảng dạy trong nhà trường. Học sinh, sinh viên ngày nay đang đứng trước một vấn đề nan giải giữa một bên là những kỳ vọng về một xã hội tốt đẹp, với một bên là sự lên ngôi của cái tha hóa; giữa một bên là con người lý tưởng của giáo dục XHCN, với một bên là con người thực dụng của kinh tế thị trường”.

Chúng tôi đã liên hệ với thầy giáo Trần Tuấn Anh - giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM - để nói về vấn đề trên, anh thừa nhận: “Đúng như TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nói. Trong quá trình giảng dạy, bản thân tôi đã gặp khá nhiều tình huống không có trong giáo án.

Ví dụ khi tôi dạy về lòng trung thực, có học sinh đã thắc mắc: “Con trung thực nhưng bị điểm thấp, còn có bạn không trung thực, quay cóp, chép bài làm của người khác lại được điểm cao. Trung thực mà thua thiệt thì có nên trung thực không thầy?”.

Hoặc có bữa giảng bài “Biết ơn cha mẹ”, tôi khẳng định: trên thế gian mẹ nào lại chẳng thương con. Một học sinh đã đứng lên phản biện: “Vậy tại sao nhiều người mẹ sinh con ra nhưng lại bỏ rơi con của mình, khiến nhiều trẻ nhỏ bơ vơ?”.

Một bữa khác, khi tôi giảng bài về lòng khoan dung, đang khuyên học sinh rằng các em phải giúp đỡ bạn bè, những người xung quanh mình thì một số học sinh đã đặt câu hỏi: “Người ta chơi xấu với mình, ích kỷ với mình thì mình có nên giúp đỡ người ta không?”, “Bạn lười quá, suốt ngày chơi game, quậy phá, giúp đỡ bạn nhưng bạn vẫn không chịu học thì giúp đỡ làm gì nữa phải không thầy?”...”.

Ba căn bệnh hủy hoại nhà trường

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: “Trước thực trạng xã hội nhiều tiêu cực, nhà trường sẽ có hai ngã rẽ: hoặc chấp nhận rồi buông xuôi, hoặc ý thức mạnh mẽ về việc mình là đại diện chính thức của nền văn hóa và quyết liệt xây dựng văn hóa nhà trường. Bởi việc xây dựng văn hóa nhà trường là một trong những giải pháp nhằm đổi mới căn bản về giáo dục.

Hiện nay, cái chưa toàn vẹn của nhà trường thì không ít, nhưng trước hết phải khắc phục tình trạng gian dối, bạo lực và áp đặt - 3 căn bệnh đang hủy hoại nhà trường. Thay vào đó, cần xác lập các giá trị nền tảng là trung thực - nhân văn - dân chủ”.

Tương tự, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng: “Với một mục tiêu giáo dục hướng tới con người lý tưởng, chúng ta mải mê theo đuổi những giá trị xa vời, bỏ quên những giá trị nền tảng mà ai làm người cũng phải có như lòng nhân ái, sự trung thực, biết phải trái, có trách nhiệm. Chúng ta xem nhẹ sự phát triển cá nhân, quá nhấn mạnh việc hình thành các thế hệ, những lớp người để kiến tạo một xã hội lý tưởng”.

Ông Tiến đề nghị: “Cần chuyển từ mô hình nhân cách con người Việt Nam mang tính lý tưởng sang mô hình nhân cách con người Việt Nam hiện thực, phù hợp, khả thi. Cần kéo cái “trần giá trị” từ trên cao tít tắp đến gần hơn với những giá trị thiết thực và tin cậy, phản ánh đúng các phẩm chất và năng lực mong muốn mà người Việt Nam cần có trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Song song đó, cũng cần xác định “sàn giá trị”: thống nhất một số giá trị cốt lõi tối thiểu mà người Việt Nam phải có. Chẳng hạn như: sự tử tế, tính lương thiện, lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm. Các giá trị cốt lõi chung này sẽ đóng vai trò là hạt nhân gắn kết giữa ba môi trường văn hóa, tạo nên sự đồng hướng cần thiết trong việc giáo dục nhân cách con người Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu tại hội thảo - 
Ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Cần thay đổi nhận thức

Từ lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất, chúng ta vững bước với niềm tin: năng lực và phẩm giá con người Việt Nam là nhân tố quyết định để đất nước phát triển.

Nhận thức được điều quan trọng đó, nhiều nghị quyết của trung ương đã nêu ra quan điểm: “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Nhưng rất tiếc là những quan điểm đúng đắn trong các văn kiện chưa được các cấp, các ngành, ngay từ lãnh đạo cấp cao, quán triệt và thực hiện tốt. Giáo dục của chúng ta tuy có những cố gắng nhất định nhưng chất lượng đào tạo còn thấp. Nhiều người cho rằng đấy là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm kinh tế chúng ta phát triển chậm, văn hóa xã hội ta xuống cấp.

Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chính là nhằm khắc phục tình trạng nhà trường của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và xã hội. Nhưng đến nay việc triển khai nghị quyết còn rất chậm, nhiều vấn đề còn cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, làm rõ.

Điều quan trọng và khó nhất là thay đổi nhận thức về một số vấn đề cơ bản của giáo dục, trước hết là vấn đề mục tiêu giáo dục.

(Trích bài phát biểu của bà NGUYỄN THỊ BÌNH, nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam)

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên