22/05/2013 11:11 GMT+7

Chưa quen với truyện tranh đọc "ngược"

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Nêu ý kiến về việc các bộ truyện tranh đang lưu hành trên thị trường có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc đều in ấn, trình bày theo cách lật, đọc từ phải sang trái, tức ngược với cách lật sách, đọc sách thông thường, một số phụ huynh đã gọi điện và gửi thư đến tòa soạn Tuổi Trẻ.

tx0Vwkuf.jpgPhóng to
Một trang truyện tranh Tân tác long hổ môn sau khi lật hình để đọc xuôi đã biến nhân vật từ cầm kiếm tay phải thành ra cầm kiếm tay trái - Ảnh: L.Điền

Phụ huynh bày tỏ lo ngại cách đọc như vậy vừa không phổ thông vừa có thể gây ảnh hưởng đến thói quen đọc của các bạn đọc nhỏ tuổi của Việt Nam.

Về vấn đề này, PV Tuổi Trẻ đã tìm hiểu. Hiện nay phần lớn thị trường truyện tranh được cung cấp từ hai nhà xuất bản (NXB) uy tín: Kim Đồng và NXB Trẻ.

Hằng tháng, NXB Kim Đồng phát hành năm đầu truyện tranh dịch từ nguyên tác tiếng Nhật. Đây là những tác phẩm được xuất bản theo hợp đồng mua bán bản quyền, và phía giữ bản quyền nguyên tác bao giờ cũng đề nghị phía Việt Nam sau khi mua bản quyền, chuyển ngữ thì phải giữ nguyên cơ cấu trang, hình ảnh của sách gốc.

Do đó, thị trường Việt Nam từ khi gia nhập các Công ước về quyền tác giả đã xuất hiện nhiều đầu truyện tranh có cách đọc ngược với các sách quốc ngữ, mà ta quen gọi là “đọc ngược, từ sau ra trước”.

Ông Cao Xuân Sơn - giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM - cho biết tất cả các đầu truyện tranh Nhật Bản do NXB Kim Đồng phát hành đều có cách lật ngược như vậy.

“Đây là điều bắt buộc khi mua bản quyền từ Nhật. Và chúng tôi phải lý giải với bạn đọc rằng đây là thói quen đọc của người Nhật, là nét văn hóa của họ, khi bạn đọc Việt Nam tiếp cận với hình thức lật sách và đọc ngược như vậy cũng là làm quen với cách đọc của một nền văn hóa khác với chúng ta”.

Ông Cao Xuân Sơn nói thêm: Trước đây, một số đầu truyện tranh Nhật Bản được Việt Nam dịch không tác quyền, và giới làm truyện tranh khi đó đã scan trang tranh và lật ngược lại để xếp trang theo thứ tự từ trái sang phải để lật đọc giống sách quốc ngữ của ta.

“Điều này gây nên một hệ lụy buồn cười là theo đó, các hình vẽ nhân vật thay vì cầm kiếm bằng tay phải thì đều nhất loạt thành cầm kiếm bằng tay trái, mái tóc rẽ ngôi, các vị trí tương quan trái - phải đều đảo ngược so với nguyên tác” - ông Thành Nam, trưởng ban khai thác và ban biên tập truyện tranh của NXB Trẻ, cho biết.

Và dĩ nhiên, đến khi việc mua bản quyền được Việt Nam thực hiện nghiêm túc, cách lật hình như vậy không còn được phía giữ bản quyền nguyên tác chấp nhận nữa.

Hiện nay NXB Trẻ đang phát hành khoảng chín bộ truyện tranh. Trong đó có bộ Tân tác long hổ môn mua bản quyền từ Đài Loan với các ràng buộc ít nghiêm ngặt thì có thể làm theo cách scan và lật hình để đọc xuôi. Còn các bộ mua từ Nhật Bản đều in theo đúng kiểu nguyên tác, tức lật ngược, đọc từ bên phải sang trái.

Tuy nhiên, phía bạn đọc thể hiện họ tiếp nhận cách đọc này một cách bình thường, bằng chứng là các bộ Doraemon mới, Shin - cậu bé bút chì, Conan của NXB Kim Đồng đều phát hành số lượng cao. Một bạn đọc đề nghị giấu tên cho biết việc lật ngược như các bộ truyện tranh không gây khó chịu lắm, chỉ có điều trong từng trang, thứ tự các tranh cũng xếp từ phải sang trái nên lúc đầu có thể hơi khó chịu, nhưng một thời gian sẽ quen, và dẫu sao phần chữ sau khi dịch cũng bố trí đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới nên vẫn thuận mắt.

Ông Thành Nam cũng ghi nhận từ fan page truyện tranh (trang giới thiệu và sinh hoạt của bạn đọc yêu truyện tranh trên Facebook) của NXB Trẻ, khi biết sắp tới sẽ xuất bản bộ truyện 1/2 hoàng tử thì rất đông ý kiến đề nghị in đúng mẫu của nguyên tác, tức ủng hộ cách lật ngược và đọc từ phải sang trái như vậy.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên