10/11/2012 04:27 GMT+7

Chùa Ông Hoàng ở Sài Gòn

THỤY KHANH
THỤY KHANH

AT - Chùa Phước Hải chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế nên dân gian gọi là chùa Ông Hoàng, vị trí tại số 73 Mai Thị Lựu, Q. 1, TPHCM. Chùa do người Hoa lập, vừa làm nơi tu hành, vừa là nơi hội họp hội kín, bàn chuyện "phản Thanh phục Minh".

Theo lịch sử, người nhà Minh không thờ Phật mà thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, mặc áo mão như vua nhà Minh, thực hiện các nghi lễ do các đạo sĩ thực hiện, các đạo sĩ mặc áo có hình bát quái.

8dr4OMG3.jpgPhóng to
Sân chùa Ông Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng được thành lập từ năm 1892 do một người Hoa tên Lưu Minh chủ xướng. Năm 1900, công cuộc xây cất chùa hoàn thành, nhưng đến năm 1906 mới làm lễ khánh thành.

Chùa khởi nguyên tên là Ngọc Hoàng Điện, người Pháp gọi là "Chùa Đa Kao". Năm 1982 chùa gia nhập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với hòa thượng Thích Vĩnh Khương chủ trì, và đổi tên thành Phước Hải Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Ông Hoàng.

Từ cổng chính, du khách đi bộ vài bước là đến hồ nuôi cá ngay chính giữa sân và hồ nuôi rùa bên phải. Có một miếu thờ Hộ Pháp và một nhà bát giác che chiếc đỉnh lớn đúc bằng ximăng giả đồng, dành cho khách hành hương thắp nhang trước khi vào chùa cũng như ra khỏi chùa. Chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ.

Trong chùa chia ra nhiều gian thờ riêng biệt. Cung thờ Ngọc Hoàng ở giữa, cung thờ Chuẩn Đề Quan Âm bên phải và cung thờ Bắc Đế, tức Huyền Võ hay Trấn Võ bên trái.

Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế ở giữa trong y phục Hoàng Đế Trung Hoa. Bên phải Ngọc Hoàng là Bắc Đế đạo mạo áo quần đạo sĩ, tay cầm gươm, tay bắt quyết trừ tà ma, chân đạp lên hai con yêu quái. Bên trái Ngọc Hoàng là Phật Quan Âm có 3 mặt 18 tay để ban phép lành. Triều Đình của Ngọc Hoàng có các quan văn, võ như Nam Tào, Bắc Đẩu, Tứ Đại Thiên Vương, Thiên Lôi… trông coi mọi chuyện trần gian, mỗi năm Ông Táo sẽ lên đây báo cáo mọi chuyện.

Hầu hết các tượng thờ ở đây đều bằng gỗ, một số ít làm bằng giấy bồi. Riêng tượng của Ngọc Hoàng là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa. Đầu tượng Ngọc Hoàng đội mão lớn có mái che trước trán. Hai tay Ngọc Hoàng cầm lịnh tiễn. Khuôn mặt tượng Ngọc Hoàng hình chữ điền, hai má cao và rộng, có bốn chòm râu tỏa dài xuống ngang vai. Ngọc Hoàng mặc áo choàng rộng, hai tay áo phủ đến các ngón tay, áo được sơn son thiếp vàng tinh xảo, làm nổi bật đường nét trang trí trên thân áo với một con rồng uốn lượn.

NSBRgwJl.jpgPhóng to
Chánh điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế

Gian tiếp theo là Thập Điện Diêm Vương, với mười bức chạm gỗ cảnh mười cửa ngục phân bổ đều mỗi bên vách năm bức.

- Âm phủ: có Diêm Vương ngồi giữa, một bên là Thái Tuế Thần, một bên là Bảo Thọ Thần, tất cả đều mặc đồ đen dẫn ngựa đưa linh hồn người chết đến đây nghe phán xử. Thần Tài, Thổ Địa được đặt ở đây.

- Địa ngục: nơi của các linh hồn tội lỗi. Mười tầng địa ngục, mỗi tầng một Phán Quan, với đủ các hình phạt, thể hiện bằng tranh khắc gỗ.

- Cõi Phúc : vẫn là âm phủ nhưng là nơi các linh hồn vô tội cư trú, mô tả các linh hồn sinh hoạt như trần thế.

Nối liền gian Thập Điện với gian Kim Hoa, có các tượng thờ: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng bồ tát (biểu tượng cho sự cứu rỗi), Dẫn Hồn Tiền (biểu tượng sự dẫn dắt, phân bổ lệnh lành dữ).

- Gian Các Bà Mụ : các tượng nữ thần xinh xắn bé nhỏ như đồ chơi. Chính giữa là nữ hoàng Kim Hoa nương nương và 12 bà mẹ bồng con, cho con bú... Đây là gian cầu tự cho những người hiếm muộn. Trong chùa có bán bộ khấn cầu con gồm: 3 nén nhang, 1 sợi dây chỉ đỏ và chai dầu. Người cầu tự khấn vái tên tuổi của mình và của chồng, xong xoa bụng tượng mẹ mang thai, sau đó chọn tượng hài nhi trai hay gái đeo dây chỉ đỏ vào. Từ đó chùa có thêm tên gọi khác là “Chùa 12 Bà Mụ”.

Hàng năm vào ngày “đưa thần” 25 tháng chạp, các vị thủ từ thường làm lễ “mộc dục” và thay đổi áo mão mới cho 12 tượng Bà Mụ.

Tầng lầu của chùa thờ tổ chùa, Quan Âm, Quan Công.

Tín đồ đến chùa cầu xin cũng nhiều loại:

Xin giải nạn để tránh chuyện xui xẻo bằng cách thả chim, thả cá.

Vay tiền làm ăn, có sẵn tiền để trước mặt Thần Tài và mượn quạt của ông quạt vài cái.

Cầu tự thì đến nơi thờ 12 Bà Mụ với những sợi chỉ đỏ.

Gian cuối cùng (hiện không còn cho khách vào chiêm bái) gồm hai hương án thờ Thạch Cẩm Đương (tục thờ đá của người Hoa) và thờ Ông Tà (tục thờ đá của người Khmer).

Từ lâu chùa Ngọc Hoàng là một trong những cơ sở tín ngưỡng dân gian thu hút đông đảo khách hành hương. Vào các ngày rằm lớn trong năm (15-1 âm lịch, 15-7 âm lịch, 15-10 âm lịch) khách đến lễ chùa đông đến hàng vạn người. Lễ hội thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch. Vào địp này, tối mùng 8, vị hòa thượng trụ trì chùa tổ chức tụng kinh cầu an và ngày mùng 9 dành cho hàng vạn khách đến lễ bái, có cả người Hoa lẫn người Việt. Chùa Ngọc Hoàng có sức thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan rất đông.

dDSSKF9b.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 ra ngày 1/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THỤY KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên