26/03/2005 09:36 GMT+7

Chưa hết nghịch lý, "rùa" sẽ còn bò

MINH LUẬN - HỒ VĂN
MINH LUẬN - HỒ VĂN

TT - Trong những ngày có mặt ở các tuyến đường ĐBSCL, chúng tôi ghi nhận không ít những nghịch lý mà cũng chính là nguyên nhân khiến “rùa”... vẫn cứ bò. Tài xế tự “bò” để đối phó với cảnh sát giao thông (CSGT), còn CSGT thì tìm mọi biện pháp để “bắn”. Hai “nhân vật chính” này cứ “ghìm” nhau để rồi “ghìm” luôn việc đi lại của người dân.

9nmw6c71.jpgPhóng to
Tuyến quốc lộ 91 qua địa phận quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) dù đường thẳng ít qua khu dân cư nhưng hàng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau chạy với tốc độ "rùa" - Ảnh: H.V.
TT - Trong những ngày có mặt ở các tuyến đường ĐBSCL, chúng tôi ghi nhận không ít những nghịch lý mà cũng chính là nguyên nhân khiến “rùa”... vẫn cứ bò. Tài xế tự “bò” để đối phó với cảnh sát giao thông (CSGT), còn CSGT thì tìm mọi biện pháp để “bắn”. Hai “nhân vật chính” này cứ “ghìm” nhau để rồi “ghìm” luôn việc đi lại của người dân.

“Giăng bẫy” hay biện pháp nghiệp vụ?

Theo phản ảnh của giới tài xế xe khách chất lượng cao, sở dĩ họ phải “bò” một cách bất hợp lý như vậy khi có CSGT là vì sự không sòng phẳng trong khi làm nhiệm vụ của lực lượng này. Hầu hết tài xế mà chúng tôi tiếp xúc đều than phiền rằng nhiều khi họ bị “bắn” oan ngay cả khi chạy chưa vượt quá tốc độ cho phép.

Giới tài xế cũng rất bức xúc về việc lập chốt của CSGT thường chọn những nơi tối tăm, góc khuất rồi xuất hiện bất ngờ “bắn” và thông báo cho chốt tiếp theo giữ xe lại. Hoặc có nơi CSGT còn lập một chốt để... “nghi binh” và một chốt khác ở phía sau để canh tài xế tăng tốc. Tài xế Đ.N.C. đã bị “dính” hai lỗ (bị bấm lỗ bằng lái) bức xúc: “Hôm trước tôi vừa qua khỏi ngã ba Trà Tim, Sóc Trăng thì bị CSGT thổi vào và thông báo đã quá tốc độ 20%. Họ “bắn” hồi nào tôi không hề biết, chỉ khi bị thổi còi mới biết mình bị dính tốc độ từ chốt trước”.

Trong khi đó hầu hết CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến đường ở ĐBSCL đều có lý lẽ riêng của mình. Một chiến sĩ CSGT Vĩnh Long cho biết nếu không thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trên thì không dễ gì xử lý được số tài xế vi phạm lỗi quá tốc độ. Anh này còn cam đoan với chúng tôi rằng cho dù có ra đường đứng 24/24 mà không “ém” ở những chỗ khuất thì cũng khó phát hiện các tài xế phạm luật.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, trung tá Đặng Hoàng Đa khẳng định: “Ở đâu không biết chứ ở Sóc Trăng chúng tôi không bao giờ ém quân hay núp lùm như tài xế phản ảnh. Tuy nhiên chúng tôi phải làm mọi cách để hạn chế thấp nhất những vi phạm của người tham gia giao thông, nên việc lập hai chốt là để ngăn lái xe tăng tốc chạy bù khi thoát qua chốt CSGT”.

Theo Phòng CSGT tỉnh Sóc Trăng, lỗi vi phạm chạy quá tốc độ qui định luôn chiếm phần nhiều so với các lỗi khác mà đơn vị này xử lý. Theo thống kê, trong hai tháng 1 và 2-2005 đã có 203 trên tổng số 300 lượt phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ qui định là các loại ôtô. Cũng theo thống kê này, hai loại ôtô khách và ôtô tải thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% so với các loại phương tiện khác có vi phạm chạy quá tốc độ qui định.

Cũng theo trung tá Đa, để ngăn chặn triệt để tình trạng “chạy hơn tuấn mã”, CSGT Sóc Trăng còn lập ra phương pháp tuần tra hai tổ: tổ trước gồm môtô có CSGT cầm súng bắn tốc độ chạy ngụy trang, tổ này không “bắn” mà để cho tổ đóng cố định đón lõng và “bắn” những xe tưởng rằng đã thoát CSGT nên tha hồ đạp ga chạy quá tốc độ. Ông Đa khẳng định đây chỉ là một biện pháp nghiệp vụ chứ không phải “giăng bẫy” để chờ tài xế “sập”. Trung tá Đặng Hoàng Đa phân trần thêm: “Nếu chứng kiến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc nhiều như chúng tôi thì chắc các anh cũng thông cảm cho cách làm của chúng tôi”.

Đề cập đến việc nhiều tài xế phàn nàn bị bắn tốc độ khắp nơi, bị “bắn” lúc nào cũng không hay, trung tá Đặng Hoàng Đa giải thích: “Tài xế thì chỉ căn cứ vào thời điểm phát hiện CSGT và giảm tốc độ để phản đối, nhưng thật ra họ đã bị bắn trước đó rồi. Vả lại loại súng bắn tốc độ là một dạng sóng rađa, có nhiều chế độ bắn nên chúng tôi có thể bắn được ở bất kỳ vị trí nào; bắn trước xe, sau xe hay vừa chạy ngược chiều vừa bắn đều chính xác cả”. Trung tá Đa khẳng định độ chính xác của súng bắn tốc độ gần như tuyệt đối và đã được Trung tâm Đo lường chất lượng 3 TP.HCM kiểm định đàng hoàng trước khi đưa ra sử dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đối phó với tình trạng bắn tốc độ của CSGT, ngoài biện pháp “rùa bò”, hiện nay một số tài xế ôtô đã trang bị một thiết bị chống súng bắn tốc độ. Được biết đây là một loại thiết bị có khả năng vô hiệu hóa sóng rađa ở tầm xa được các tài xế gắn trên xe.

Theo thượng úy Lê Văn Khánh, đội phó phụ trách xử lý các vi phạm giao thông (Phòng CSGT Sóc Trăng), thời gian gần đây súng bắn tốc độ của các anh hầu như bất lực trước một số ôtô có gắn thiết bị này. Qua kiểm tra, một vài lần các anh đã phát hiện được thiết bị “thông minh”. Tuy nhiên, chính CSGT cũng lúng túng trong việc xử lý các ôtô có gắn thiết bị trên. Anh Khánh cho biết hiện các anh đang xem xét một số điều luật có thể vận dụng để đề xuất cho phép xử lý đối với các tài xế sử dụng thiết bị chống súng bắn tốc độ.

Và những nghịch lý khác

IWL4hl8X.jpgPhóng to
Bắn tốc độ bằng máy có ghi hình trên đoạn đường đi qua quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) - Ảnh: H.V.
Hiện đoạn quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi An Giang không chỉ bị giới tài xế ôtô kêu ca, mà những người dân đi xe gắn máy cũng phàn nàn rất dữ. Trước đây vận tốc đoạn đường này được cho phép chạy 60-70km/g, nhưng từ đầu năm 2004 đến nay Cần Thơ được nâng cấp lên TP trực thuộc T.Ư, đoạn đường đi qua hai quận Bình Thủy và Ô Môn nghiễm nhiên trở thành đường nội thị (trước đây là phường Bình Thủy và huyện Ô Môn). Với chiều dài trên 30km, theo qui định đường nội thị thì phương tiện giao thông chỉ được chạy với tốc độ 35km/g.

Thực tế cho thấy Ô Môn dù là quận nội thành nhưng hai bên đường toàn ruộng lúa, thỉnh thoảng mới có khu dân cư, đường thẳng và tầm quan sát rộng, vậy mà chỉ cho phép chạy 35-40km/g là rất “khó chịu” đối với cánh lái xe.

Do đó, trong những ngày có mặt ở đây chúng tôi nhận thấy rất ít xe tuân thủ qui định khi qua đoạn này vì: “Cứ kéo 35-40km trên đoạn đường dài như vậy thì xe nào chịu nổi” - một tài xế nói. Trung tá Huỳnh Đấu Tranh, trưởng Phòng CSGT đường bộ TP Cần Thơ, thừa nhận: “Chúng tôi cũng thấy như vậy là không hợp lý nhưng vì luật đã qui định nên phải làm”. Theo trung tá Huỳnh Đấu Tranh, đoạn đường này có thể cho phép nâng tốc độ cao hơn từ cầu Sang Trắng 1 (Trà Nóc) đến Ô Môn vì đường thẳng và ít qua khu dân cư.

Trao đổi với chúng tôi về khả năng nâng cao tốc độ một số đoạn trên quốc lộ 91 TP Cần Thơ - An Giang, giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 73 Nguyễn Thanh Long cho biết đoạn đường từ TP Cần Thơ đến Nông trường Sông Hậu thường xảy ra tai nạn giao thông nên việc giữ nguyên tốc độ như qui định là hợp lý. Tuy nhiên, cũng theo ông Long, đơn vị ông chỉ là đơn vị quản lý ở cơ sở nên nếu trong thực tế TP Cần Thơ thấy qui định như vậy là bất hợp lý thì cứ kiến nghị, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 73 sẽ xin ý kiến của cấp trên.

Theo giới tài xế, tuyến quốc lộ 91 từ Long Xuyên đến Châu Đốc cũng đang trở thành một “xa lộ rùa”. Trước đây, khi tuyến đường này chưa nâng cấp thì thời gian đi từ Long Xuyên đến Châu Đốc chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng sau khi đường được nâng cấp mở rộng, cũng là lúc CSGT ra quân bắn tốc độ gắt gao khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn và thời gian thường kéo dài 3-4 giờ đồng hồ vì hầu như xe chỉ “bò”. Anh Nguyễn Quốc K., tổ trưởng tổ xe khách của Công ty xe khách P, nói chua chát: “Tưởng đâu đường được làm mới, mở rộng hơn thì thời gian đi lại được rút ngắn, không ngờ còn tệ hơn. Nghịch lý hết biết”.

Bài 1: Lúc bò như rùa, lúc đua hơn tuấn mã

MINH LUẬN - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên