28/08/2015 10:08 GMT+7

Chưa cấp thiết nhưng vẫn triển khai, dân khốn khổ

DUY THANH
DUY THANH

TT - Không có hoạt động công nghiệp hay cơ sở du lịch lớn trong khu vực nhưng dự án nạo vét luồng biển cho tàu 100.000 tấn ra vào ở Vạn Ninh (Khánh Hòa), tận thu cát biển xuất khẩu vẫn triển khai, gây ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của dân.

Người dân  cho rằng  việc hút cát dưới lòng biển  là nguyên nhân khiến lượng cát ở bãi biển Đại Lãnh bị mất nhiều, gây sạt lở  nhà dân - Ảnh: DUY THANH
Người dân cho rằng việc hút cát dưới lòng biển là nguyên nhân khiến lượng cát ở bãi biển Đại Lãnh bị mất nhiều, gây sạt lở nhà dân - Ảnh: Duy Thanh

Dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải trong vùng biển từ đèo Cổ Mã đến núi Hòn Ngang, thuộc hai xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không sử dụng vốn ngân sách, bù lại nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (gọi tắt là Công ty Phúc Sơn) được tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu, đang bị người dân ở xã Đại Lãnh (Vạn Ninh) quyết liệt phản ứng.

“Họ đào đáy biển lấy cát đi bán, biển “thu” lại cát ở bãi Đại Lãnh bồi lấp vào đó, cứ đà này thì sắp tới nhà chúng tôi sập mất

Bà PHAN THỊ LỊCH, người thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh, H. Vạn Ninh (Khánh Hòa), có nhà bị sạt lở do ảnh hưởng dự án

Cho trong vịnh, hút cát bên ngoài?

Ông Đặng Văn Sang ở thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh, kể giữa tháng 6 đến đầu tháng 10-2014, nhiều sà lan, tàu lớn xuất hiện ở vùng bãi Dài thuộc hai thôn Ninh Mã, Tuần Lễ ở xã Vạn Thọ, vốn là nơi mà người dân xã Đại Lãnh thả chà, lưới bắt tôm hùm giống mưu sinh xưa nay.

“Từ năm ngoái đến nay, hàng trăm hộ dân làm nghề chà nhử tôm hùm mất sinh kế, không biết làm gì để sống. Chúng tôi được biết Thủ tướng cho Công ty Phúc Sơn nạo vét luồng lạch, tận thu cát trong vịnh Vân Phong. Vùng biển này nằm bên ngoài, cách vịnh Vân Phong cả chục hải lý, vậy nạo vét luồng làm gì. Rất vô lý!” - ông Sang bức xúc.

Theo ông Ngô Kiệt, trưởng thôn Đông Nam, khoảng 500 hộ dân xã Đại Lãnh làm nghề thả chà bắt tôm hùm mất sinh kế, còn độ dày của lớp cát trên bãi biển bị lấy mất từ 0,8-1,6m. Quá bức xúc, đầu tháng 8-2015, khi Công ty Phúc Sơn tổ chức hút cát trở lại thì dân phản ứng.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng Khánh Hòa, trong hai ngày 1 và 2-8, gần 50 lượt ghe thuyền chở khoảng 110 người dân đã bao vây khu vực nạo vét luồng tận thu cát biển của Công ty Phúc Sơn.

Cùng thời điểm đó, có 20-30 phụ nữ, trẻ em kéo đến UBND xã Đại Lãnh phản đối việc hút cát.

Do đó, toàn bộ sáu sà lan và ba đầu kéo của đơn vị thi công phải rút đi.

Theo tài liệu do UBND huyện Vạn Ninh cung cấp, trong các văn bản liên quan đến dự án này, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa nêu là “nạo vét luồng lạch tại/trong vịnh Vân Phong”; trong khi đó các văn bản của Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư ghi là “nạo vét luồng lạch trong khu kinh tế Vân Phong”.

Giải thích về sự “dị biệt” này, ông Nguyễn Trọng Hòa - trưởng Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong - nói: “Có thể câu chữ chưa chuẩn, chứ dự án này từ khi lập hồ sơ đến nay chỉ một vị trí vùng dự án nằm ở vùng nước của khu kinh tế Vân Phong, không phải trong vịnh Vân Phong!”.

Chưa cấp thiết

Theo hồ sơ, dự án trên của Công ty Phúc Sơn được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa và Cục Hàng hải VN đồng ý cho thực hiện, Bộ Xây dựng hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn. Dự án được thực hiện trong chín năm rưỡi, từ năm 2014 đến năm 2023 ở vùng biển có chiều dài hơn 12km, cách bờ 150m, tổng diện tích 1.213ha.

Dự án lấy cát để lòng biển đạt độ sâu 17m, tính cả sai số là sâu khoảng 20,5m, đảm bảo cho tàu 100.000 tấn hoạt động.

Tổng lượng cát nhiễm mặn được khai thác là 45,6 triệu m3, mang về doanh thu ước khoảng 2.754 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 567,5 tỉ đồng; riêng năm 2014, đã khai thác và xuất bán hơn 415.000 m3 cát biển.

Ông Trần Kim Bảo - phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh - cho biết theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án này được triển khai nhằm làm tăng độ sâu của vùng biển thuộc khu kinh tế Vân Phong, có lợi cho việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế này cũng như phát triển du lịch trong tương lai.

Còn ông Nguyễn Trọng Hòa cũng nói rằng việc nạo vét luồng ở khu vực trên chủ yếu để phát triển du lịch bởi theo quy hoạch khu vực Đại Lãnh và phía bắc khu kinh tế Vân Phong tương lai sẽ có nhiều khu du lịch lớn, trong đó có du lịch tàu biển và thuận lợi cho vận tải biển sau này.

Dư luận người dân đặt vấn đề hiện nay khu vực này không có cảng biển, không hoạt động công nghiệp, không có dự án và hạ tầng du lịch lớn, nếu luồng được nạo vét sẽ sớm bị bồi lấp thì có cần thiết thực hiện dự án hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Hòa cho rằng: “Vì đây là dự án xã hội hóa được Nhà nước cho phép, thực chất là đồng ý cho tận thu cát xuất khẩu, chứ còn cái luồng chưa phải là quá bức xúc. Nhưng nếu nạo vét luồng mà có tác động tốt cho hoạt động vận tải biển sau này cũng tốt”.

Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ cho Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong lấy ý kiến của các sở, ngành và địa phương để báo cáo về dự án trên. Ông Hòa nói báo cáo trên có lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân để xem xét lại dự án.

Ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết đang chờ báo cáo của các cơ quan chức năng, sau đó UBND tỉnh mới quyết định về dự án này và thông tin với báo chí.

Đánh giá ảnh hưởng đời sống người dân

Ngày 26-8, ông Nguyễn Tấn Tuân - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa - cho biết thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu tạm dừng dự án, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng liên quan và chủ đầu tư xem xét lại thủ tục, mục tiêu, hiệu quả thực hiện dự án.

“Những vấn đề đặc biệt quan tâm là báo cáo đánh giá tác động môi trường, khả năng có gây sạt lở, có ảnh hưởng đến đời sống bà con trong vùng hay không” - ông Tuân nói.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên