Đánh giá mức độ bỏng
Bỏng có diện tích da rộng và bỏng càng sâu thì mức độ bệnh càng nặng. Khi bị bỏng cần nhận biết thế nào là bỏng nặng cần phải nhập viện điều trị và trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà. Việc đánh giá dựa chủ yếu vào độ sâu và diện tích của vết bỏng.
Bỏng độ 1: là dạng nhẹ, bỏng bề mặt, thường chỉ là bỏng ngoài da, hay còn gọi là bỏng biểu bì và diện tích da bị bỏng nhỏ hơn 10%.
Bỏng độ 2: là loại bỏng thường xảy ra ở lớp dưới da, vùng da bị bỏng sẽ đỏ ửng và phồng rộp lên với những vết bỏng hay hình thành các túi bỏng nước, kèm theo cảm giác đau rát và diện tích da bị bỏng nhỏ hơn 20%.
Bỏng độ 3: là bỏng nặng nguy hiểm, tổn thương bao gồm toàn bộ các lớp bên dưới da. Cả lỗ chân lông, tuyến mồ hôi hay thậm chí các lớp mỡ dưới da, gân cơ đều bị phá huỷ.
Có một cách tính diện tích da bị bỏng đơn giản là dùng bàn tay để ước tính diện tích, nếu vết bỏng to khoảng bằng một bàn tay 5 ngón khép lại, thì tương đương bằng 1% diện tích da của mỗi người đó.
Bỏng độ 2, trên 10% ở trẻ em và 20% ở người lớn được coi là bỏng nặng, có thể gây ra các biến chứng như choáng do đau, nhiễm trùng. Bỏng độ 1 và 2 nếu ở thể nhẹ cũng có thể điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, nếu vết bỏng xảy ra ở mặt, vùng háng, mông hay giữa các khớp thì tốt nhất nên đến bác sĩ để được chăm sóc cẩn thận. Bỏng độ 3 cần được nhập viện cấp cứu và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Cách sơ cứu và chăm sóc bệnh nhân bị bỏng
- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị bỏng.
- Hãy nhanh chóng cắt hoặc xé bỏ lớp quần áo trên vùng da bị bỏng.
- Sau đó hãy lấy nước lã (nước càng lạnh càng tốt) để dội lên vùng da bị bỏng. Cách làm này giúp làm sạch, mát những hóa chất dính trên vết bỏng, giảm đau, giảm nguy cơ gây sốc cho bệnh nhân. Nên ngâm vết bỏng trong nước khoảng từ 10 - 15 phút. Nếu bị bỏng hoá chất thì khi xối nước vào người chú ý không để nước làm hoá chất loang ra các phần không bị bỏng.
- Sau khi đã làm nguội da bằng nước lạnh hay gạc lạnh, bạn hãy bôi thuốc chữa bỏng lên vùng da bỏng. Thuốc có tác dụng làm dịu mát vùng da bị bỏng.
- Tiếp đó băng vết bỏng lại với một miếng gạc khô sạch. Không nên buộc gạc quá chặt để tránh sức ép lên vết thương.
Tùy theo tính chất của vết bỏng và thời gian bị bỏng lâu, mau, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số thảo dược dùng bên ngoài, để giảm cảm giác đau đớn và giúp vết thương chóng lành.
+ Nếu vết thương có biểu hiện đang chảy nước vàng nhiều: có thể dùng các thảo dược có tác dụng làm khô se và tạo màng che phủ cho vết bỏng như: lá cây Sim (Rhodomyriur tomentasa), vỏ cây Xoan trà (Chorospondias axillaris), lá ổi, lá cây Sến ( Madhuca pasqiueri), cây Sòi (Sapium sibyferum)…. sắc lấy nước đặc thoa đều lên các vết bỏng ngày vài lần, sau khi đã thay băng rửa sạch, đến khi vết bỏng khô mặt và tạo thành vảy thì ngưng bôi thuốc.
+ Nếu vết bỏng lở loét, hoại tử có mùi hôi: cần phải vệ sinh tại chỗ và có thể dùng một số cây thuốc có tác dụng sát khuẩn và làm sạch mủ:
- Lấy một ít lá trầu không còn tươi cho vào ấm, đổ khoảng 2 lít nước, đun sôi 15 phút, lọc lấy phần nước trong, cho thêm ít phèn chua vào hòa tan. Dùng rửa vết bỏng vài lần mỗi ngày. Có thể dùng một số cây khác thay thế: cây thuốc bỏng, lá diếp cá, xuyên tâm liên, lá móng tay, vàng đằng, củ sâm đại hành… những cây này cũng có tác dụng sát trùng vết bỏng tốt.
- Lá sắn thuyền (Eugenia resinos gapner) giã nát hoặc dùng bột thuốc đắp lên vết bỏng.
- Cây sài đất (Wedelia calendulacea): dùng 100g cây tươi, giã với một ít muối ăn, cho thêm khoảng 100ml nước sạch, đun sôi để nguội, lọc lấy nước uống trong 24 giờ, bã dùng đắp lên vết bỏng.
+ Nếu vết bỏng sạch, đang trong giai đoạn tái tạo mô hạt, có thể dùng một số cây thuốc giúp mau liên sẹo:
- Củ nghệ, dùng nước ép củ nghệ bôi vào vết bỏng, có tác dụng sát trùng và mau lên da non.
- Lá mỏ quạ (Cudranis tricuspidata bureau) sắc lấy nước thoa lên vết bỏng, có tác dụng ức chế vi khuẩn và kích thích mô hạt.
- Rau má: dùng tươi giã vắt lấy nước uống, có tác dụng tốt trong quá trình tổng hợp mô liên kết. Giúp phòng và chữa sẹo phì đại, sẹo lồi.
- Dầu mù u, dầu mè, một số nơi ứng dụng cũng cho kết quả mau liên sẹo tốt.
+ Trường hợp bỏng nhẹ: chỉ cần vệ sinh tại chỗ vết bỏng. Nếu người bệnh có hiện tượng viêm tấy, sưng đau, có thể dùng bài thuốc uống gồm: vỏ cây gạo 12g; tô mộc 12g; chỉ sác 06g; trần bì 06; hậu phác 08g và đại hoàng 08g. Tất cả các vị sắc uống, ngày một thang.
Từ xa xưa, y học cổ truyền đã có những kinh nghiệm trong việc điều trị bỏng, ứng dụng những cây thuốc bôi đắp bên ngoài giúp mau liền sẹo. Để việc ứng dụng thảo dược chữa bỏng mức độ nhẹ tại nhà đạt kết quả tốt, cần phải lưu ý đảm bảo vệ sinh vết bỏng, khi nấu thuốc, dụng cụ bào chế thuốc bôi ngoài phải đảm bảo sạch sẽ, vô trùng. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đủ chất đạm giúp mau lành vết thương và bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận