08/02/2012 07:39 GMT+7

Chưa bàn giao đã tan nát

Ông Nguyễn Ngọc Hoa (chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND huyện Khánh Vĩnh)
Ông Nguyễn Ngọc Hoa (chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND huyện Khánh Vĩnh)

TT - Đường Nha Trang - Đà Lạt đoạn từ huyện Diên Khánh đi huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) dài gần 35km dự kiến bàn giao cuối năm 2011 nhưng bất thành vì đường hư hỏng nặng.

Dự án tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt: Sạt lở ở Khánh Lê

lXeflPV5.jpgPhóng to
Sửa chữa đường hỏng đoạn qua xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) - Ảnh: Duy Thanh

Đường Nha Trang - Đà Lạt dài 140km, ngắn hơn 90km so với lộ trình Nha Trang - Phan Rang - Đà Lạt hiện nay. Trong đó, đoạn từ Đà Lạt đến huyện Khánh Vĩnh đã hoàn thành những năm trước, còn giai đoạn 2 từ Diên Khánh đi Khánh Vĩnh do Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 515 (TP.HCM) thi công. Được khởi công từ giữa tháng 10-2009, con đường có giá trị xây dựng 549 tỉ đồng từ vốn ngân sách này dự kiến bàn giao cuối năm 2011 nhưng chưa bàn giao đã hư hỏng hàng loạt.

Xe “lết” từng mét

"Nhìn thấy con đường hư hỏng nặng nề nhiều cán bộ và người dân ở huyện Khánh Vĩnh rất xót xa. Người dân cứ hỏi người ta làm kiểu gì mà đường mới láng nhựa xong đã bong tróc, hư hỏng khiến phải đào lên làm lại, gây thiệt hại và lãng phí như thế"

Những ai từng bon bon xe êm ru 50-60km/giờ trên con đường này cách đây ba tháng không khỏi ngỡ ngàng trước sự hư hỏng khủng khiếp “trên từng cây số” của nó. Đường đầy ổ voi và nhiều đoạn bong tróc toàn bộ mặt đường, lổn nhổn đá sạn, tràn ngập hầm hố kéo dài hàng cây số.

Trong đó, hư hỏng nặng nhất là đoạn qua thị trấn Khánh Vĩnh và xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh. Đoạn đường này tưởng như đang trong giai đoạn chờ lún vì toàn bộ mặt đường đã bị cạo bỏ, trơ nền đất đá cấp phối, đầy bụi bặm. Dọc hai bên đường là những “núi” bêtông nhựa mặt đường đã được bóc bỏ. Ở những đoạn khác, những vết vá lõm xuống so với mặt đường cũ khiến con đường giống như một cái áo vá chằng chịt.

Những chiếc xe tải, xe khách, xe du lịch qua đoạn đường này phải “lết” từng mét, chạy hình chữ chi để tránh nhiều ổ voi khổng lồ trên mặt đường. Anh Võ Công Dũng, một tài xế xe tải thường xuyên đi trên tuyến đường này, cho biết: “Lái xe nào chạy trên đoạn đường này cũng than vì quá mệt mỏi. Đường hư hỏng, xe dằn xóc, tài xế phải căng mắt nhìn, xoay vôlăng liên tục, rất mất an toàn và dễ xảy ra tai nạn giao thông”.

Những ngày sau tết, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 515 đã tập trung nhiều xe máy, nhân công đào bới, cắt đường để sửa chữa. Những ô hư hỏng lớn trên đường chưa được tráng nhựa không khác những cái “bẫy” đối với người đi đường. Một tài xế xe du lịch cho biết xe rất dễ bị nổ lốp, xảy ra tai nạn nếu tài xế không xử lý kịp, bị sụp vào các “bẫy” này...

“Phải buộc nhà thầu làm lại”

Đó là ý kiến của ông Bùi Mau - chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - khi trao đổi về vấn đề này. Ông Mau cho biết trước Tết Nhâm Thìn ông có đi trên con đường này và quá sửng sốt khi thấy công trình mới làm, có mức đầu tư lớn từ vốn ngân sách, chưa bàn giao mà đã tan nát như vậy.

“Đường sá là công trình có thời gian sử dụng lâu dài, nhưng con đường này chưa đưa vào sử dụng chính thức mà hư lớn như vậy thì khó có thể nghĩ nó “ngon lành” về sau. Tôi có hỏi và được mấy anh bên Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho hay đang yêu cầu nhà thầu sửa chữa lại toàn bộ những điểm hư hỏng. Họ làm chưa đảm bảo thì buộc họ phải làm lại cho đảm bảo chất lượng, vấn đề là công tác giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa trong việc sửa chữa đó thế nào, chứ để sửa xong rồi nay mai lại hư nữa thì tiền mất mà tật mang” - ông Mau nói.

Cũng theo ông Mau, đường Nha Trang - Đà Lạt là đường phát triển du lịch, đường mới xây thì không thể để vá víu chằng chịt được, phải yêu cầu nhà thầu thảm lại nhựa toàn bộ mặt đường cho bằng phẳng, đẹp đẽ sau khi sửa chữa xong.

Theo ông Đặng Xuân Hán - chỉ huy trưởng công trường thi công đường Nha Trang - Đà Lạt đoạn Diên Khánh - Khánh Vĩnh đường hư nhanh là do mới làm xong đã gặp mưa kéo dài, nhiều xe chở quá tải chạy lên và nền đường có nhiều nơi bị nước ngầm gây xói lở. Tuy nhiên, ông Đặng Hữu Tài - phó giám đốc Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa - cho hay một trong những nguyên nhân khiến con đường mau chóng hư hỏng là do nhà thầu vì nôn nóng đã thi công nhiều đoạn trong mùa mưa, khiến công trình không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Chưa quy trách nhiệm thuộc về ai

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đến công trình trên phải sửa chữa những điểm hư hỏng đảm bảo chất lượng thiết kế. Việc sửa chữa này phải hoàn tất vào cuối tháng 3 để đưa vào khai thác, sử dụng. Ông Đặng Hữu Tài cho hay hiện nay lực lượng của chủ đầu tư đang giám sát việc sửa chữa của nhà thầu từng mét đường.

Khi được hỏi để con đường hư hỏng nghiêm trọng trách nhiệm thuộc về ai, ông Tài nói: “Hiện nay việc sửa chữa để đảm bảo sự bền vững của công trình được đặt lên hàng đầu. Khi nào xong việc sửa chữa chúng tôi sẽ tổng kết các nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể để báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa”.

Ông Nguyễn Ngọc Hoa (chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND huyện Khánh Vĩnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên