Phóng to |
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du đến Áo ngày 31-10 - Ảnh: AFP |
Dư luận tại Trung Quốc và các nước châu Âu đang nổ ra nhiều tranh cãi liên quan đến việc Trung Quốc đầu tư vào lục địa này cùng những điều kiện đặt ra và cái giá phải trả cho việc đầu tư này.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cho rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của châu Âu là “bình thường”, khi Quỹ cứu trợ châu Âu (EFSF) đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính bên ngoài để tăng quy mô của EFSF lên 1.390 tỉ USD. “Song các nước châu Âu không hề khúm núm trước Trung Quốc trong vấn đề này”, báo The Economic Times dẫn lời ông Trichet bác bỏ những đồn đoán cho rằng châu Âu phải nhượng bộ trước Bắc Kinh trong vấn đề kêu gọi tài chính cho EFSF.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, sau hai hội nghị marathon ngày 23 và 26-10, đều đồng ý cần mở rộng việc huy động sự đóng góp của các nền kinh tế đang nổi lên (Brics) tham gia việc giải cứu nợ châu Âu. Tuần qua, giám đốc điều hành EFSF Klaus Regling đã đến Bắc Kinh để tìm kiếm khoản tài chính 100 tỉ USD cho EFSF. Trung Quốc vẫn chưa trả lời chắc chắn về khả năng tài chính này, nhưng mới đây Bắc Kinh đã bác bỏ những chỉ trích cho rằng nước này cam kết hỗ trợ EFSF là vì “một mục đích đặc biệt”. Ông Regling cũng đã đến Nhật Bản, và ngày 31-10, như AFP cho biết, Tokyo đồng ý sẽ tiếp tục mua trái phiếu của EFSF sau cuộc gặp của ông Regling với Thứ trưởng tài chính Nhật Bản Takehiko Nakao.
Tuy nhiên, trước thông tin Trung Quốc có thể trở thành một nhà đầu tư lớn nhất cho EFSF, nhiều lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách châu Âu lại tỏ thái độ cứng rắn khi yêu cầu Trung Quốc không được áp đặt điều kiện “bánh ít đi bánh quy lại. “Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker khẳng định: “Việc Trung Quốc và một số nước khác có thể can thiệp vào vấn đề của châu Âu cũng hợp lý. Song, việc Trung Quốc đầu tư không đồng nghĩa với việc châu Âu phải đáp ứng những điều kiện do họ đặt ra”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị chỉ trích nặng nề khi bị cho rằng ông đang “bán tương lai của châu Âu” cho các thế lực nước ngoài khi ông khẳng định Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu hồi cuối tuần qua.
Sự lên tiếng này phản ánh một dư luận phản ứng tại châu Âu. Trước đó, báo Financial Times dẫn lời ủy viên hội đồng chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Lý Đạo Khôi cho biết có thể Bắc Kinh sẽ đóng góp tài chính cho chương trình giải cứu châu Âu, nhưng với điều kiện lãnh đạo châu Âu phải thực hiện được một số đề nghị của Trung Quốc, trong đó có việc châu Âu phải đảm bảo thỏa đáng các khoản đầu tư của nước này. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Lý cho rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ yêu cầu lãnh đạo châu Âu chấm dứt chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc, vốn gây căng thẳng trong giao dịch thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc.
Để trấn an dư luận tại châu Âu và cho Tổng thống Pháp Sarkozy, cố vấn của tổng thống Pháp, Henri Guaino, cho biết Trung Quốc sẽ không có động cơ nào khi hỗ trợ châu Âu giải quyết nợ. Ngược lại, ông khẳng định: “Đó lại là một tín hiệu tốt, nó cho thấy mọi người thật sự đang cảm giác được quan tâm và mọi người đều muốn tránh một thảm họa toàn cầu. Tôi không sao hiểu nổi những chỉ trích của tất cả các bên đưa ra. Thật vô lý!”, ông Guaino nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Brussel Jonathan Holslag nhận định trong ngắn hạn chắc chắn Bắc Kinh sẽ đóng góp tài chính cho EFSF, nhưng về lâu dài, thử thách lớn nhất cho các nước châu Âu là họ sẽ phải tăng sức mạnh cho thị trường tài chính. Bởi lẽ, Trung Quốc xuất hiện ở châu Âu “giống như một đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận