Ngày 2-10, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 tại Lạng Sơn.
Tránh chuyện “tiền có nhưng không tiêu được”
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, đến nay tỉnh thiệt hại trên 1.400 tỉ đồng sau bão số 3.
Lý giải dù là tỉnh miền núi biên giới song thiệt hại không lớn như các tỉnh thành khác, ông Thiệu cho biết tỉnh đã có nhiều công điện, chỉ đạo kịp thời, di dời người dân từ sớm, dự báo sát tình hình...
Tuy nhiên ông Thiệu cho rằng vẫn còn hạn chế như nhiều nơi nước lớn là ngập, bị chia cắt, khó di dời người dân cũng như hỗ trợ do tính toán quy hoạch chưa sâu.
Về thống kê, phân bổ hỗ trợ, người đứng đầu UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cấp, ngành ở tỉnh phải đánh giá kỹ lưỡng song đảm bảo nhanh chóng, tránh câu chuyện “tiền có nhưng không tiêu được”.
Ông cũng nói về việc phân bổ tiền, hàng hóa chưa thể hiện rõ vai trò của chính quyền cơ sở. “Không riêng Lạng Sơn, có tình trạng là có đoàn hỗ trợ thiện nguyện, hỗ trợ lúc khó khăn hoạn nạn nhưng điều tiết, giao đầu mối ra sao? Có khi người thật sự cần hỗ trợ không nhận được… Như vậy đã đúng đối tượng hay chưa, do vậy cần đầu mối chỉ đạo, điều tiết”, ông bày tỏ.
Về lâu dài, chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần phải tính toán quy hoạch dân cư phòng tránh sạt lở, mưa lũ; nghiên cứu xây tuyến giao thông thích ứng biến đổi khí hậu, hạn chế xẻ núi xẻ đồi, có thể tính toán làm hầm, làm cầu…
“Các ngành, địa phương khảo sát, thống kê nơi nào nguy cơ sạt lở, ngập úng và kiên quyết di dời người dân đến khu dân cư mới.
Ban đầu có thể người dân chưa đồng tình, phản đối vì xáo trộn cuộc sống nhưng phải tuyên truyền, đảm bảo đời sống bà con, thà tốn kém, mất công sức chăm lo người dân còn hơn chủ quan, lơ là, nguy cơ thiệt hại về người”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, sau bão số 3, tỉnh có 13 người thương vong.
Về nhà cửa, trên 13.000 hộ gia đình bị thiệt hại. Khoảng 30.000ha cây bạch đàn, keo, hồi, thông, mắc ca… bị gãy đổ, ảnh hưởng.
Về giao thông, trên 1.500 vị trí sạt lở ta luy dương, nhiều điểm sạt lở ta luy âm, cây đổ trên các tuyến tuần tra biên giới, đường tỉnh, đường huyện…
Cán bộ chèo bè đưa bà con ra khỏi ‘rốn lũ’
Là huyện “rốn lũ”, nơi 3 con sông Bắc Giang, Bắc Khê, Kỳ Cùng và nhiều con suối tụ về, ông Lèo Văn Hiệp - chủ tịch UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) - chia sẻ để hạn chế thiệt hại, huyện bám sát dự báo, kiên quyết di dời bà con, tăng tập huấn phòng chống thiên tai, huy động doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị máy móc…
Trong lũ, có người dân đăng ảnh kêu cứu lên Facebook, huyện chỉ đạo cán bộ chèo bè cả tiếng đồng hồ để đưa người dân đến khu an toàn do không thể dùng thuyền, ca nô (vướng nhiều đường dây điện).
Tuy vậy, vẫn còn bà con chủ quan, nói “cán bộ đừng nói quá khiến bà con hoang mang”, sau đó khi lũ lên nhanh, lực lượng chức năng ứng cứu mới thừa nhận không chấp hành. Thiệt hại thống kê trên 300 tỉ đồng.
Sau mưa bão, huyện Tràng Định còn thành lập tổ tiếp nhận hàng hóa, hỗ trợ của các nhà hảo tâm có lãnh đạo huyện, công an, quản lý thị trường tham gia, bảo đảm phát đúng, phát đủ cho người thực sự khó khăn. Huyện cũng thực hiện tiêu độc khử trùng, huy động doanh nghiệp và lực lượng chức năng hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hoàng Tùng đánh giá thiệt hại 1.400 tỉ đồng rất lớn song cơ quan này sẽ ưu tiên chi hỗ trợ nhanh, đảm bảo quy định, trước mắt khoảng 100 tỉ đồng.
Theo ông Tùng, việc sửa chữa trường học, cơ sở y tế hoặc phương tiện sản xuất, cây giống sẽ được nghiên cứu, có thể hỗ trợ sớm. Ông đề xuất các địa phương nghiên cứu di dời người dân tới nơi ở an toàn hoặc triển khai nhà lắp ghép cho bà con mất nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận