24/12/2017 11:14 GMT+7

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá: Người Thái đã chọn ai ?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Hai năm qua, nhiều nước Đông Nam Á đã thay đổi vị trí người đứng đầu liên đoàn bóng đá quốc gia. Trong đó gây chú ý nhiều nhất vẫn là Thái Lan.

Ông Somyot luôn thể hiện quyết tâm bài trừ tiêu cực. Ảnh: FOOTBALL TRIBE
Ông Somyot luôn thể hiện quyết tâm bài trừ tiêu cực. Ảnh: FOOTBALL TRIBE

Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đóng một vai trò khá phức tạp trong sự phát triển của bóng đá Thái 10 năm trở lại đây. Người đã điều hành FAT trong giai đoạn 2008-2015 là ông Worawi Makudi - một cái tên với nhiều tranh cãi. Là thành viên Hội đồng FIFA từ năm 1997, ông Makudi có nhiều mối quan hệ với các quan chức cấp cao của FIFA và điều đó rất có lợi cho việc phát triển bóng đá Thái Lan.

Nhưng khi vụ “bê bối thế kỷ” của FIFA bị phanh phui cách đây hơn 2 năm, Makudi phải ra tòa vì nhiều tội danh liên quan đến sự gian dối, giả mạo giấy tờ, dẫn đến việc bị FIFA cấm hoạt động bóng đá trong 5 năm sau đó. Và người được bầu lên giữ chức chủ tịch FAT từ đầu năm 2016 là ông Somyot Poompanmoung - cũng là một cái tên vô cùng đặc biệt.

Từng là cảnh sát trưởng hoàng gia Thái Lan, ông Somyot hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào trong việc điều hành bóng đá. Vị tướng về hưu này cũng thẳng thắn thừa nhận việc ông “mù tịt” bóng đá ngay trong chiến dịch tranh cử. Nhưng rồi tướng Somyot vẫn giành chiến thắng áp đảo với số phiếu 62/72.

Ông Somyot (thứ 2 từ phải sang) khi giới thiệu một nhà tài trợ mới của bóng đá Thái. Ảnh: NATION
Ông Somyot (thứ 2 từ phải sang) khi giới thiệu một nhà tài trợ mới của bóng đá Thái. Ảnh: NATION

Điều gì đã khiến ông Somyot nhận được nhiều sự ủng hộ đến thế? Đó là thái độ minh bạch cùng quyết tâm “làm sạch” nền bóng đá Thái Lan của vị tướng 63 tuổi. Thời điểm đó, bóng đá Thái đang thăng hoa rực rỡ với liên tiếp 2 HCV SEA Games, giải vô địch quốc gia của họ cũng ngày càng hấp dẫn. Khi đã trải qua giai đoạn đầu tiên của một nền bóng đá phát triển, điều người Thái cần là rửa sạch những mặt tiêu cực còn tồn tại để hướng đến một mô hình phát triển bóng đá bền vững như Nhật Bản, Hàn Quốc...

“Sự thiếu hụt kiến thức bóng đá không phải là vấn đề, ông ấy từng là cảnh sát trưởng hoàng gia nên chắc chắn không phải là nhà quản lý kém cỏi” - tờ Bangkok Post dẫn lời phó chủ tịch Annop Singtothong của CLB Chonburi. Còn Tatthep Pitakpoolsin - giám đốc điều hành CLB Buriram - tuyên bố: “Chúng tôi chỉ ủng hộ người mang lại sự công bằng cho tất cả. Vấn đề của Worawi Makudi là ông ấy không hề tuân theo những gì ông ấy hứa hẹn”. Từng giữ chức cảnh sát trưởng hoàng gia, ông Somyot tạo ra lòng tin lớn lao về quyết tâm dẹp bỏ những nạn tiêu cực trong nền bóng đá Thái Lan.

Và sau gần 2 năm điều hành, vị tướng cảnh sát ngày càng củng cố niềm tin cho người hâm mộ Thái Lan. Sau khi đắc cử, ông nhận về hàng loạt hợp đồng tài trợ, minh bạch từng khoản một cũng như công khai số tài sản trị giá 11,5 triệu USD của mình. Và đến tháng 11, làng bóng đá Đông Nam Á một phen chấn động trước “bàn tay sắt” của vị chủ tịch FAT. Trong một cuộc họp báo tổ chức vào ngày 17-11, ông Somyot bất ngờ tuyên bố đã nhận được kết quả điều tra việc dàn xếp tỉ số ở Thai Premier League: “Ngay bây giờ, tôi đã biết toàn bộ những cái tên có liên quan đến việc dàn xếp tỉ số và họ đến từ những CLB trong nước. Chúng tôi sẽ sớm công bố đầy đủ những cái tên này”.

Sau khi ông Somyot “dọa” những kẻ nhúng chàm trên các phương tiện truyền thông, vẫn không một ai tự thú. Kết quả, chỉ 4 ngày sau, Cảnh sát hoàng gia Thái Lan với những thông tin do FAT cung cấp đột ngột thực hiện một lúc 12 vụ bắt giữ. Trong số này có 5 cầu thủ với 4 người chơi cho Navy FC và 1 của Nakhon Ratchasima, 2 trọng tài và cả giám đốc điều hành CLB Sisaket. Đó thực sự là một “quả bom” gây chấn động làng bóng đá Thái, đồng thời thể hiện nỗ lực của tướng Somyot.

“Tôi đã nghe nói về nạn dàn xếp tỉ số ở Thái Lan suốt một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ có những nỗ lực nghiêm túc để giải quyết vấn đề này. Đã đến lúc chấm dứt “căn bệnh ung thư này” nếu chúng ta không muốn chứng kiến sự sụp đổ của bóng đá Thái” - tướng Somyot tuyên bố đanh thép sau vụ bắt giữ.

Nhu cầu khác nhau của các LĐBĐ ở Đông Nam Á

Do hoàn cảnh của mỗi nền bóng đá trong khu vực khác nhau, nên vai trò của những vị chủ tịch vì thế cũng khác nhau. Nếu bóng đá Thái Lan đã đạt đến hình thái phát triển chuyên nghiệp của phương Tây, cần một lãnh đạo có quyết tâm và quyền lực để giải quyết những vấn đề tiêu cực thì nhiều nền bóng đá kém hơn như Myanmar, Malaysia... lại rất cần một vị chủ tịch giàu có, sẵn sàng đầu tư lớn cho bóng đá.

Đó là trường hợp của tỉ phú Zaw Zaw - người đã giữ chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Myanmar từ năm 2005. Ông Zaw Zaw bắt đầu mạnh tay với công cuộc cải cách bóng đá Myanmar từ những năm 2010 - thời điểm ông chi tiền xây học viện bóng đá, đầu tư cho đội tuyển. Ngoài ra, bằng mối quan hệ của mình, ông Zaw Zaw còn kêu gọi nhiều nhà kinh doanh ở Myanmar tham gia Giải vô địch quốc gia.

Trong khi đó, chủ tịch LĐBĐ Singapore là ông Lim Kia Tong - luật sư có kinh nghiệm làm việc ở FIFA. Ông Lim được bầu vào Ủy ban kỷ luật của FIFA từ năm 2013. Còn với LĐBĐ Malaysia, chủ tịch đương nhiệm của họ là hoàng tử Ismail Idris - người có đủ sức mạnh tài chính lẫn quyền lực để chấn hưng bóng đá Malaysia.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên