19/03/2015 11:42 GMT+7

​Chữ nghĩa hồi hương

NAM PHÚ
NAM PHÚ

TT - Mươi năm trở lại đây, nhiều cuốn sách của các học giả, nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài đã tái xuất với bạn đọc trong nước ngày một thường xuyên hơn.

Một số công trình học thuật của người Việt ở nước ngoài đã được xuất bản tại Việt Nam Ảnh: Q.Định - V.V.Tuân
Một số công trình học thuật của người Việt ở nước ngoài đã được xuất bản tại Việt Nam - Ảnh: Q.Định - V.V.Tuân

Và dù trải qua không ít nhọc nhằn “đường xa vạn dặm”, những quyển sách ấy vẫn đang chứng tỏ sức hấp dẫn và nghĩa lý hiện hữu của mình trước đời sống học thuật nội địa đang tỏ ra tích cực đón nhận hơn bao giờ hết.

Trong số những cuốn sách gây tiếng vang khi trở về quê nhà thì hiện tượng Tạ Chí Ðại Trường với Thần, người và đất Việt (2006), Những bài dã sử Việt (2011) có thể coi là khá đặc biệt khi chúng tạo nên cơn “sốt” tìm đọc ở bối cảnh mà môn lịch sử đang bị “lạnh nhạt”, thờ ơ.

Lối viết sử sắc sảo, giọng điệu cá nhân rõ nét và nhất là nhiều giả thuyết độc đáo, mới mẻ đã khiến các công trình của Tạ Chí Ðại Trường nhanh chóng thu hút độc giả, giúp họ tri nhận lại nhiều điểm mờ, điểm chưa hoàn tất của quá khứ.

Ngay tức thì, hai chuyên khảo khác của ông, Người lính thuộc địa Nam kỳ 1861-1945 (2011) và Lịch sử nội chiến ở VN 1771-1802 (2012) từng hoàn thiện trước năm 1975 cũng được tái bản, đưa ông vào hàng tác giả có lượng trích dẫn và tham chiếu thường xuyên ở nhiều bài viết, thảo luận.

Qua trường hợp Tạ Chí Ðại Trường, có thể thấy người trẻ không đến mức quay lưng với lịch sử. Có chăng là nên đặt vấn đề phải viết lịch sử như thế nào mà thôi.

Cũng ở lĩnh vực khoa học xã hội, các công trình của Trương Bá Cần (Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ 1862-1874, 2011), Trịnh Văn Thảo (Ba thế hệ trí thức người Việt 1862-1954, 2013; Xã hội Nho giáo VN dưới nhãn quan của xã hội học lịch sử, 2014), Nguyễn Thanh Nhã (Bức tranh kinh tế VN thế kỷ XVII và XVIII, 2013), Cao Huy Thuần (Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại VN 1857-1914, tái bản 2014), Lê Thành Khôi (Lịch sử VN từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, 2014), Nguyễn Văn Trung (Hồ sơ về lục châu học, tìm hiểu con người ở vùng đất mới, 2015)... đều thật sự có giá trị khai mở, không chỉ đối với giới chuyên môn mà với những ai quan tâm đến Việt học.

Sẽ còn phải bàn luận sâu hơn về các cuốn sách nhưng chỉ riêng việc chúng được chào đón cũng là một sự thành công. Rõ ràng sự hồi hương này không phải là kiều hối, là thứ có thể ăn ngay mà là chữ nghĩa, kiến thức có khả năng mở mang dân trí và nuôi giữ ngọn lửa hiếu tri trong nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, nếu ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, việc đón nhận diễn ra có vẻ “thuận buồm xuôi gió” thì ở khoa học xã hội, “xa mặt cách lòng” dường như đã đem đến không ít bối rối, băn khoăn.

Vì nhiều lý do khác nhau, các tác giả của những cuốn sách trên đã, đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.

Công trình của họ, vốn thoát thai từ các luận án tiến sĩ hoặc các nghiên cứu dài hơi, trước hết là nhằm hướng đến độc giả quốc tế, cung cấp cho họ những hiểu biết cơ bản về VN truyền thống.

Một cái nhìn cởi mở và đối thoại một cách thẳng thắn và nhân văn rất cần thiết để môi trường khoa học không chỉ khởi sắc mà còn hiệu quả trong mục tiêu xây dựng, phát triển cộng đồng đa dạng, trưởng thành.

Thực tế số lượng các công trình trên còn quá ít so với những thành tựu học thuật của người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh các cuốn sách bằng tiếng Việt có thể đến sớm với độc giả, thì nhiều công trình bằng ngoại ngữ vẫn còn nằm im trong thư viện, chủ yếu “lưu hành” ở xứ người.

Thiết nghĩ, nếu chúng tiếp tục được dịch, giới thiệu và cung cấp cho độc giả thì dòng mạch hợp lưu trong - ngoài, cũ - mới của trí tuệ Việt sẽ trở nên mạnh mẽ, hanh thông.

Bởi trên mặt bằng Việt học chưa phải đã hoàn toàn đầy đủ và sáng giá như hiện nay thì các công trình như thế đã góp sức không nhỏ trong việc chống “trũng hóa” những phương pháp, tư liệu, quan điểm nghiên cứu hiện đại, cũng như bổ khuyết kỹ lưỡng hơn những khoảng trống thức nhận mà chúng ta đã đành chịu quá lâu.

NAM PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên