Ông Lê Mạnh Hồng, chủ cơ sở giết mổ heo an toàn thuộc dự án chăn nuôi heo huyện Sơn Tịnh (ở xã Tịnh Hà), thừa nhận có việc heo sữa chết được đưa vào lò mổ, nhưng lý giải: “Do heo sữa bị nhốt trong lồng nhiều, heo lớn ép dẫn đến chết chứ không phải heo bệnh”.
Theo ông Hồng, cơ sở giết mổ heo này có năm tiểu thương (Võ Thị Đào, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Nguyễn Thị Thanh, Phan Thị Thanh, Nguyễn Thị Lan) mỗi ngày giết mổ 15-20 con heo thịt, còn heo sữa không có con số cụ thể.
Ông Hồng chỉ là chủ cơ sở, còn việc giết mổ các tiểu thương tự thuê người làm nhưng không có hợp đồng. Cũng theo ông Hồng, ngoài máy cạo lông cơ sở trang bị, còn lại tất cả được làm thủ công.
Ông Hồng cũng cho biết bà Lan xác nhận cuộc điện thoại giữa bà với tài xế xe tải trong việc chi tiền qua trạm trên đường đưa heo sữa vào TP.HCM như Tuổi Trẻ phản ánh là tiếng của bà.
Theo ông Hồng, heo sữa sau khi giết mổ ngoài giờ quy định (thời gian giết mổ theo quy định của Trạm thú y huyện Sơn Tịnh: sáng từ 2g-4g, trưa 9g-13g30), các chủ hàng bỏ vào thùng đá lạnh cho tươi để chuyển đi.
Ông Nguyễn Văn Thuận, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho biết nội dung báo Tuổi Trẻ nêu là hoàn toàn không thể chối cãi. Về mặt pháp lý, ông Hồng là chủ cơ sở phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.
Số heo ra vào cơ sở đáng ra phải được kiểm soát chặt chẽ, ngoài giờ quy định phải đóng cửa, không cho tiểu thương giết mổ.
“Những con heo sau khi giết mổ phải được đóng dấu trên da, khi chuyển đi tỉnh khác phải có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật lưu thông trong nước, nếu không sẽ bị xử phạt” - ông Thuận nói. Cũng theo ông Thuận, sau khi kiểm tra, Chi cục Thú y sẽ mời ông Hồng đến làm việc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận