13/03/2017 17:00 GMT+7

​Chủ động phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hàng năm, giai đoạn mùa hè là thời điểm của một số bệnh truyền nhiễm bùng phát như sốt xuất huyết Dengue, tay-chân-miệng, tiêu chảy, thủy đậu… Một trong những bệnh truyền nhiễm cần quan tâm, đặc biệt là ở trẻ em đó là viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

Bệnh là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính của não do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Virus viêm não Nhật Bản là một loại virus thuộc virutarbo nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus. Viêm não Nhật Bản là bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi chủ yếu là các loài chim hoang dã và gia súc. 

Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỉ lệ lợn bị nhiễm virút viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi) và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn). Cho tới nay chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là hai loài muỗi CulexTritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước và chập choạng tối sẽ bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh

Bệnh khởi đầu với biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt và thường là sốt cao 39-40 độ C, rét run, đau đầu, mệt, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 ngày. Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương là tiếp tục sốt cao, nhức đầu nhiều, co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã hoặc ngủ gà, lơ mơ, hôn mê; một số trường hợp có dấu hiệu màng não như cổ cứng.

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não dẫn đến rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng đặc biệt như viêm phổi, suy kiệt...

Bệnh gây tử vong cao (10-20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn. Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị điều trị bệnh viêm não Nhật Bản. Chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, phòng, chống co giật do phù não, chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng, điều trị các biến chứng hay di chứng do bệnh cảnh nặng.

Phòng bệnh

Việc đưa trẻ tới bệnh viện và được xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng nếu không thì khả năng tàn phế suốt đời rất cao. Vì vậy, việc phòng bệnh sẽ là giải pháp tối ưu hơn cả.

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng. Loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt lăng quăng (bọ gậy) để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nếu gia đình có khu vực chuồng trại chăn nuôi thì cần được vệ sinh thường xuyên. Khi ngủ phải nằm màn, ngoài ra cần phun thuốc diệt muỗi.

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản tại các cơ sở y tế nhằm tạo miễn dịch chủ động.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên