Phiên tòa phúc thẩm từng được mở ngày 4-8-2011 nhưng nửa chừng phải tạm hoãn vì các bị hại trong vụ án vắng mặt.
Buổi chiều, khi trả lời VKS phúc thẩm, Phan Cao Trí tiếp tục kêu oan, cho rằng mình bị ép cung, bị đánh nên phải khai nhận đã chỉ đạo các nhân viên bắt giữ và cưỡng đoạt tài sản của các nữ nhân viên matxa tại cơ sở.
Phóng to |
Phan Cao Trí (phải) tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Chi Mai |
Đề nghị phạt chủ cơ sở Tân Hoàng Phát 11-13 năm tùChủ cơ sở matxa Tân Hoàng Phát kêu oan
Tuy nhiên, khi bị VKS vặn rằng “vì sao bị cáo sống chung nhà với các nhân viên matxa mà nói không biết họ bị bắt giữ?” thì Phan Cao Trí nói “nếu vậy bị cáo chỉ phạm tội không tố giác tội phạm thôi”. Ông chủ tập đoàn matxa cũng đưa ra nhiều chứng cứ về sự đóng góp cho Nhà nước của người thân trong họ hàng, gia đình mình để xin tòa giảm án.
Mặc dù Phan Thị Yến và hai quản lý Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường không thừa nhận hành vi đã đánh đập, bắt các nhân viên phải gọi điện nhờ người thân đem tiền đến chuộc nhưng hai nhân chứng có mặt tại phiên tòa đã khẳng định phải nhờ người thân đem tiền đến đưa cho Yến thì mới được thả.
Nhân viên N.T.D.H. khai: sau khi vào làm được 2 tháng, được công ty cho đi học lớp kỹ thuật matxa hơn một tháng thì H. đi làm. Làm việc khoảng 5 tháng thì H. không muốn làm nghề này nữa, xin Phan Việt Hậu cho về quê nhưng Hậu không cho đi với lý do H. đang có nhiều khách. H. phản kháng bằng việc không chịu tiếp khách nữa thì Hậu buộc H. xuống nhà Hậu ở nhưng vẫn giữ lại khoản tiền lương của H. hơn 20 triệu đồng. Khi H. xin với Yến cho về thì Yến bắt H. nói gia đình đem lên 15 triệu đồng nữa (tổng cộng 35 triệu) thì H. mới được rời khỏi cơ sở này.
Một nữ nhân viên khác cũng tái xác nhận chuyện bị giam lỏng tại các cơ sở matxa này. Nhân viên phải ăn ngủ tại công ty, khi đi từ chỗ ở sang chỗ làm (đối diện nhau trên một con đường) cũng phải có bảo vệ đi kèm, sau khi làm xong, về nhà ngủ cũng vậy. Nhân viên nào muốn ra ngoài phải xin phép, cho đi mới được đi.
Nhân viên này cũng khai đã chứng kiến việc Phan Việt Hậu (giám đốc Công ty TNHH Tân Hoàng Phát) đánh vào mặt nhân viên L.Đ. vì tội đã quan hệ tình dục với khách dẫn đến có thai. Hậu còn tịch thu các món nữ trang (bông tai, nhẫn vàng) của L.Đ., bắt L.Đ. phải xuống làm công việc dọn dẹp vệ sinh.
Trong khi đó, trả lời thẩm vấn các luật sư, Phan Cao Trí cho rằng các nhân viên matxa vẫn được đi chợ, đi tập thể dục buổi sáng bình thường. Trí khai trong nhà không có chuồng chó (để nhốt nhân viên cãi lệnh không chịu tiếp khách, vi phạm nội quy) như lời khai của các nhân viên. Trí cũng nói việc ở lại cơ sở để làm việc là do “tự nguyện” của các nhân viên.
Trước đó, trong phiên buổi sáng, Phan Cao Trí đã kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM phạt bị cáo 12 năm tù là không đúng.
Khi hội đồng xét xử thẩm vấn về việc “giam lỏng” 93 nhân viên tại năm cơ sở của “tập đoàn” matxa Tân Hoàng Phát, Trí phủ nhận, cho rằng không có chuyện Trí bắt giữ nhân viên, mọi chuyện đều do quản lý của Trí thực hiện.
Theo bản án sơ thẩm, với danh nghĩa đầu tư kinh doanh, Phan Cao Trí cùng vợ là Phan Thị Yến đã tập hợp nhiều thành viên trong gia đình cùng một số người khác thành lập một “tập đoàn” hoạt động kinh doanh không lành mạnh, thu nhận nhiều cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn, ký hợp đồng lao động làm việc có mức lương, ngày nghỉ phép theo luật nhưng thực tế những nhân viên này phải tiếp khách từ 9g sáng đến 1g khuya. Nhân viên không được trả lương, chỉ được nhận tiền bồi dưỡng từ khách và khoản này cũng bị quản lý. Với tiêu chí “đàn ông rất nhạy cảm” nên các nhân viên được chỉ dạy phải biết cách làm cho khách thỏa mãn.
Để quản lý nhân viên, Trí đã đưa ra nhiều quy định khắt khe như nhân viên phải ăn ngủ tại công ty, nếu nghỉ việc khi chưa làm được sáu tháng thì phải hoàn phí đào tạo. Nhân viên nào nghỉ phép, về thăm quê phải đặt tiền thế chân, không quay lại thì mất tiền.
Phan Cao Trí biến các công ty, cơ sở của mình thành nơi giam giữ các nhân viên nữ. Một số trường hợp nhân viên không chịu nổi bỏ trốn, khi bị bắt lại đều bị xử lý nặng tay. Chín nhân viên bỏ trốn bị bắt lại hoặc muốn nghỉ việc đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của gia đình, người thân đem hàng chục triệu đồng đưa cho Yến để “chuộc thân”.
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, Phan Cao Trí nói không biết bản thỏa thuận buộc nhân viên nghỉ việc phải hoàn tiền từ 15-24 triệu đồng là do ai làm, Trí không ký tên vào đây. Việc nhân viên matxa ăn ngủ tại nhà, bị giam lỏng, bị quản lý về giờ giấc, đi lại khắt khe nhưng Trí cũng nói không biết.
Phan Thị Yến, bà chủ của hệ thống matxa này (đã bị bản án sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù), tuy có thừa nhận đã nhận hàng chục triệu đồng từ chín nạn nhân nhưng cho rằng đó không phải là “cưỡng đoạt tài sản” mà Yến chỉ nhận… giữ giùm khi nhân viên gửi để về thăm quê, khi nào lên làm lại thì Yến trả.
Trong số tay chân của vợ chồng Phan Cao Trí, bị cáo Nguyễn Hoài Nhanh và Nguyễn Minh Phương (quản lý và phó quản lý Công ty Tân Hoàng Phát, đã bị tòa sơ thẩm phạt 2-3 năm tù) thừa nhận tội, chỉ xin giảm án và mong được hưởng án treo.
Còn hai quản lý Phan Quốc Cường và Phan Việt Hậu (em ruột của Yến, bị phạt từ 9-10 năm tù) cùng với vợ chồng ông chủ Phan Cao Trí đều kêu oan.
Trong phiên tòa sáng mai (9-12), VKS phúc thẩm sẽ kết luận vụ án và nêu quan điểm đề nghị xem xét kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận