12/03/2016 14:37 GMT+7

Chú chim cánh cụt Dindim thuộc loài chung thủy nhất

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Chú chim cánh cụt Dindim mỗi năm vượt hơn 8.000km để tìm đến người đã cứu sống mình được xếp vào loài Magellanic.

Loài chim cánh cụt Megallanic trong mùa sinh sản tại bờ biển Argentina và Chile - Ảnh: Penguinworld

Theo một nghiên cứu kéo dài 30 năm của các nhà khoa Anh, đây là loài chung thủy nhất thế giới động vật.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra một đôi chim cánh cụt Magellanic sống với nhau 16 năm, không hề “ngoại tình”, dù mỗi năm có đến 6 tháng chúng sống hoàn toàn tự do.

Đáng nói là loài Magellanic chỉ cặp đôi với nhau trong mùa sinh sản. Còn lại trong 6 tháng sống di trú, chúng sống độc lập như từng cá thể riêng lẻ. Tuy nhiên khi trở về vùng đất sinh sản, chúng sẽ lại tìm đúng bạn tình và nơi xây tổ trước đó.

Theo lý thuyết, nếu không xảy ra sự cố (một trong hai con chết trước, chim mái không thể đẻ trứng…) thì một cặp chim Magellanic sẽ sống với nhau suốt đời.

Không chỉ là chung tình nhất giới động vật, Magellanic còn được xếp vào nhóm những tay bơi cừ khôi nhất, với chặng đường di cư mỗi năm có thể lên đến 16.000km.

Mỗi năm, khi mùa đông đến với nam bán cầu, loài Magellanic lại di cư lên phía bắc (gần đường xích đạo). Một số có thể bơi xa đến các vùng biển tại Peru và nam Brazil rồi ở lại đây. Và khi mùa hè đến, chúng lại quay về phía nam để sinh sản.

Để hoàn thành chặng đường khắc nghiệt này, cánh của loài Magellanic được cấu tạo mỏng, hình vây, giúp chúng đạt vận tốc bơi đến 24km/giờ.

Như vậy, mỗi năm, tận dụng chuyến di trú lên phương bắc, chú chim cánh cụt Dindim đã dành thời gian để thăm lại ân nhân xưa của mình.

Sở dĩ loài Magellanic phải di trú là vì nó thuộc số ít những loài chim cánh cụt nhiệt độ ấm, không chịu được nhiệt độ lạnh.

Mỗi năm khi mùa đông đến với nam bán cầu, loài Magellanic lại di cư lên phía bắc (gần đường xích đạo). Một số có thể bơi xa đến các vùng biển tại Peru và nam Brazil rồi ở lại đây. Và khi mùa hè đến, chúng lại quay về phía nam để sinh sản.

Một điểm nổi bật khác của Magellanic là nó uống nước biển và cơ thể có cơ chế lọc muối, giúp lấy được nước ngọt.

Chim cánh cụt Magellanic được đặt tên theo nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan khi ông lần đầu nhìn thấy chúng trong một cuộc thám hiểm vào năm 1519.

Trong số những loài chim cánh cụt nhiệt độ ấm bao gồm chim cánh cụt châu Phi, chim cánh cụt Humboldt, chim cánh cụt Galagapos… Magellanic là loài lớn nhất, cao khoảng 70-76cm và nặng từ 4-6kg.

Loài này phân bố chủ yếu ở bờ biển phía nam Argentina, Chile và hiện chỉ còn khoảng 1,2 triệu cá thể. Số lượng loài Magellanic đang sút giảm và sắp rơi vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng, do môi trường sống bị ảnh hưởng, chủ yếu vì dầu loang.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên