"Trùm" thu phí BOT phía Nam lãi gấp gần 10 lần
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) ghi nhận doanh thu quý 1-2024 đạt 903 tỉ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu doanh thu, thu từ bất động sản giảm 49%, chỉ còn 171 tỉ đồng. Sau khi thoái vốn khỏi Hạ tầng nước Sài Gòn, kỳ này CII không còn ghi nhận doanh thu từ cung cấp nước sạch.
Tuy nhiên, thu phí giao thông mang về cho CII tới 678 tỉ đồng, tăng gần 2 lần cùng kỳ, đưa doanh thu thuần hợp nhất tăng mạnh.
Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng gấp 2,45 lần cùng kỳ, đạt 532 tỉ đồng. Trong đó, 430 tỉ đồng từ lãi phát sinh khi đánh giá lại giá trị hợp lý khoản đầu tư vào công ty liên kết mà CII nắm quyền kiểm soát.
Sau trừ chi phí và thuế, lãi ròng của CII quý 1 năm nay đạt 322 tỉ đồng, gấp gần 9,3 lần so với mức 34,8 tỉ đồng cùng kỳ.
Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán, ông Lê Quốc Bình - tổng giám đốc CII, cho biết lãi hợp nhất quý 1 tăng mạnh do tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là công ty con của CII từ quý 4-2023.
Ngoài ra ông Bình cho biết lợi nhuận hợp nhất từ Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) sau khi NBB trở thành công ty con của CII từ quý 1-2024.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, CII đang có các dự án BOT trong giai đoạn thu phí hoàn vốn đầu tư, gồm: dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, dự án mở rộng quốc lộ 60 nối liền Bến Tre và Trà Vinh, dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 741, quyền thu phí giao thông cầu Cổ Chiên…
Hoạt động thu phí giao thông đường bộ từ năm 2022 khởi sắc hơn sau thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 8-2022 đã tác động tích cực đến doanh thu công ty.
Đèo Cả làm ăn ra sao khi dự tính xây 400km cao tốc?
Doanh thu từ các trạm thu phí BOT trong quý 1-2024 của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cũng tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 476 tỉ đồng.
Mảng xây lắp đem về 196 tỉ đồng, tăng 44%. Đèo Cả cho biết doanh thu xây lắp quý 1 chủ yếu đến từ các gói thầu cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Nhờ cả hai mảng chính đều tăng trưởng, tổng doanh thu thuần của "vua đào hầm" Đèo Cả đạt 689 tỉ đồng, cao hơn gần 28% so với quý 1-2023.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HHV đạt gần 114 tỉ đồng, tăng 37% cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 3-2024, HHV có tổng tài sản hơn 37.660 tỉ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm. Là doanh nghiệp cầu đường, tài sản Đèo Cả phần lớn là dài hạn với 36.156 tỉ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả giảm nhẹ, còn 27.834 tỉ đồng thời điểm cuối tháng 3. Trong đó, nợ ngắn hạn 2.866 tỉ đồng, còn nợ dài hạn hơn 24.968 tỉ đồng.
Trong cơ cấu nợ dài hạn, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 19.168 tỉ đồng. Cộng gộp cả vay tài chính ngắn hạn, HHV đang nợ hơn 20.000 tỉ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Đây là tỉ lệ sử dụng đòn bẩy khá cao.
Chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả là VietinBank. Trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 872 tỉ đồng và nợ vay dài hạn trên 5 năm hơn 18.232 tỉ đồng.
Trong báo cáo thường niên 2023 cuối tháng 4-2024, ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch Đèo Cả - cho hay từ nay đến năm 2025, HHV sẽ tiếp tục đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP.HCM - Chơn Thành, vành đai 4 đi qua Bình Dương… với tổng đầu tư gần 100.000 tỉ đồng.
Để gia tăng hiệu quả đầu tư dự án, ông Hoàng cho biết công ty xác định phải nâng cấp, áp dụng các giải pháp hợp tác đột phá, mô hình đầu tư PPP++…
Báo cáo thường niên cũng cho biết HHV đã tham gia đầu tư, thi công, quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỉ đồng như chuỗi hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Phú Gia - Phước Tượng…
Doanh nghiệp này cũng tham gia các dự án như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận