Nhạc sĩ Châu Kỳ - Ảnh: Tư liệu |
Bà Kha Thị Đàng chia sẻ: Trước đây, bài hát Con đường xưa em đi không được cấp phép phổ biến. Khi tôi làm cuốn sách nhạc về 300 bài hát của anh Châu Kỳ, tôi phải rút bài đó ra.
* Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho biết sẽ cấm lưu hành “dị bản” 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có bài hát Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương. Xin bà cho biết ý kiến của gia đình về việc này?
- Thực ra lần đầu tôi thấy Con đường xưa em đi được hát công khai trên truyền hình là do ca sĩ trẻ Trung Quang thể hiện trong chương trình Chung kết thần tượng Bolero trên VTV3 năm 2016.
Khi ấy, tôi và gia đình đều rất vui sướng. Dù chúng tôi không xin phép nhưng sau bao nhiêu năm bị cấm, bài hát đã được xuất hiện trên sóng truyền hình. Sau đó, VTV9 làm chương trình Sol vàng cũng dùng bài hát đó.
* Con đường xưa em đi được ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa bà?
- Đó là vào khoảng những năm 1960, tôi với anh Hồ Đình Phương làm chung trong nhà máy Cogivina (nay là nhà máy giấy Tân Mai) ở Biên Hoà.
Vì làm cả ngày mới về, nên buổi trưa tôi thường đi qua một con đường bờ đê hoang sơ để xuống dãy nhà phía sau nhà máy nghỉ ngơi.
Anh Phương ở trong nhà máy ngó thấy chúng tôi đi trên đó mới nói đó là con đường xưa em đi.
Khi anh Châu Kỳ viết nhạc xong thì anh Hồ Đình Phương mới lấy kỷ niệm đó viết lời Con đường xưa em đi.
Bà Kha Thị Đàng, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ - Ảnh: DUYÊN PHAN |
* Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra lý do cấm Con đường xưa em đi và bốn ca khúc khác, bởi đã bị sửa lời so với bản nhạc gốc. Vậy bản nhạc gốc Con đường xưa em đi ra sao, thưa bà?
- Vào khoảng năm 2006-2007, khi anh Kỳ còn sống, chúng tôi nghe nói bài hát bị cấm bởi có hai cụm từ "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài". Hai cụm từ này đều nói về chiến tranh.
Vậy nên tôi và anh có bàn với nhau, nếu ngành chức năng ngại hai cụm từ đó, thì chúng tôi sẽ sửa "Chiến trường anh bước đi" thành "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài" sửa thành "Nơi đây thao thức canh dài".
Nhưng chúng tôi chỉ bàn với nhau vậy chứ chưa sửa vào bản nhạc. Vậy nên tôi khẳng định, bản nhạc gốc Con đường xưa em đi viết là "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài".
Có thể anh Kỳ đi gặp bạn có nói về ý định sửa lời bài hát đó. Và có đơn vị nào đó xin cấp phép đã sửa bản nhạc này nhưng không hỏi ý kiến gia đình tôi.
* Cục Nghệ thuật biểu diễn nói sẽ xem xét cấp phép trở lại Con đường xưa em đi nếu có đề nghị kèm theo bản nhạc gốc chuẩn. Vậy gia đình có ý định đề nghị cấp phép bài hát trở lại hay không?
- Tôi đã 80 tuổi, không rành việc đi xin cấp phép.
Còn cụm từ "Chiến trường anh bước đi" chỉ đơn giản là một cách nói cho đối xứng với "Con đường xưa em đi" chứ có gì đâu. Hồi đó viết vậy cho bài hát thêm... ăn khách ở Sài Gòn thôi.
Chiều ngày 6-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà báo Phan Phương, trưởng ban hội viên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định, khi còn sống, nhạc sĩ Châu Kỳ đã ủy quyền cho đơn vị này bảo vệ quyền tác giả các ca khúc do ông sáng tác, trong đó có bài Con đường xưa em đi. Nhà báo Phan Phương cho biết, hiện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam còn lưu giữ bản gốc của ca khúc Con đường xưa em đi do nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp. Bản nhạc này được phổ biến từ ngày 1-9-1969 theo giấy phép số 3577 BTT/NBC/PHNT. “Trong hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Châu Kỳ có phần xác nhận của nhạc sĩ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản nhạc của mình, để tránh có sự nhầm lẫn với tác phẩm của người khác hoặc sai sót về nội dung”, nhà báo Phan Phương chia sẻ. Bản gốc ca khúc này cũng viết rõ hai cụm từ là “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” như bà Kha Thị Đàng đã trả lời trước đó. Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Diên An lên tiếng xác nhận ca khúc Đừng gọi anh bằng chú không phải do ông sáng tác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận