10/08/2021 09:31 GMT+7

Chống tin giả bằng tin đúng thật nhanh

HÀ QUÂN - ĐỨC THIỆN
HÀ QUÂN - ĐỨC THIỆN

TTO - Các chuyên gia về truyền thông và an toàn thông tin nhìn nhận cần có biện pháp mang tính chủ động hơn để xử lý tin giả: cung cấp tin đúng một cách nhanh hơn, đặc biệt với những sự việc, thông tin đang gây sự chú ý.

Chống tin giả bằng tin đúng thật nhanh - Ảnh 1.

Hai trang mạng xã hội do UBND tỉnh Bắc Giang quản lý - Ảnh chụp màn hình

Các chuyên gia về truyền thông và an toàn thông tin nhìn nhận cần có biện pháp mang tính chủ động hơn để xử lý tin giả: cung cấp tin đúng một cách nhanh hơn, đặc biệt với những sự việc, thông tin đang gây sự chú ý.

Bắc Giang "phản công" tin giả

Nửa cuối tháng 5, giữa lúc Bắc Giang đang là "tâm dịch" thì trên mạng xã hội xuất hiện tin "F0, F1 trong khu cách ly huyện Việt Yên bị bỏ đói", không được cung cấp thực phẩm. 

Thông tin khiến người dân hoang mang, việc chống dịch tăng thêm gánh nặng. Kết quả xác minh cho thấy người tung tin thất thiệt đã mạo danh là công nhân ở Việt Yên để kêu cứu trên mạng.

Vài ngày sau đó, ngày 23-5, ông Mai Sơn, phó chủ tịch thường trực Bắc Giang, ký công văn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tới nhân dân. 

Theo đó, ngoài các cơ quan báo chí, tỉnh công bố thông tin qua các trang mạng xã hội chính thức như trang Facebook "Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang", Zalo "Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang". 

Các trang mạng xã hội do tỉnh quản lý là "vũ khí" chống lại chính những thông tin sai lệch, không chính xác trên mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Sơn nhấn mạnh trường hợp thông tin người dân phản ánh trên mạng Internet sẽ được tổ phản ứng nhanh của tỉnh xác minh và công khai kết quả cho dư luận. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải cung cấp thông tin chính thống kịp thời để người dân không hoang mang.

Ông Trần Minh Chiêu - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Bắc Giang - cho biết việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội có ưu điểm là nhanh chóng, kịp thời, những thông tin thể hiện qua Infographic, hình ảnh sinh động, ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu. 

Ngoài ra, mạng xã hội gần gũi, thân thiện và nhận sự đồng thuận của bà con về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Có thời điểm, nhiều thông tin chính thống, văn bản chỉ đạo của tỉnh đến với người dân thông qua các trang chính thức trên mạng xã hội trước khi báo chí đưa tin do không phải qua nhiều khâu.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, cho hay kinh nghiệm của tỉnh là thành lập một tổ "phản ứng nhanh" gồm Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh, Tỉnh đội… để rà soát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội nhằm nắm bắt dư luận, trăn trở của người lao động và chủ động cung cấp thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, Cổng thông tin UBND tỉnh…

Thông tin chính thống cần xuyên suốt

Ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cho rằng có một thực tế là thông tin trên mạng xã hội thường đi nhanh hơn thông tin từ các cơ quan ngôn luận chính thống, thậm chí có tin đúng nên một số người dân thường có xu hướng chọn đọc và tin những nguồn trên mạng.

Vì thế, nên có những kênh thông tin chính thống kiểu như "lực lượng phản ánh nhanh" từ cơ quan chức năng. Ví dụ như hiện nay Cổng thông tin Chính phủ thường có các thông tin liên quan đến hoạt động của Chính phủ đầu tiên.

Khi xây dựng kênh thông tin này, cơ quan chức năng phải đảm bảo được đường dây thông tin xuyên suốt tới người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự kiện, sự việc nào… tránh làm cho có rồi bỏ qua những vấn đề được dư luận đang quan tâm. 

Việc này sẽ tạo ra các kẽ hở để tin giả, tin độc hại có cơ hội chen chân và tác động vào suy nghĩ, niềm tin của người đọc.

"Tất nhiên chúng ta cũng nên tăng cường truyền thông mạnh mẽ về các cổng thông tin chính thống để định hướng cho người đọc có thể chọn lọc những thông tin nào nên và không nên tiếp nhận" - ông Vĩ nói.

Phát hiện tài khoản tung tin giả ở đâu, tổ sẽ giao đơn vị xử lý ngay, kể cả trong đêm. Nếu đúng thì giải quyết ngay vướng mắc, nếu sai sẽ chuyển thông tin sang Công an tỉnh và Sở Thông tin và truyền thông xử lý hành chính, yêu cầu gỡ bỏ. Nhiều tài khoản ở TP.HCM, Đà Nẵng... đã khiến Sở Thông tin và truyền thông phải phối hợp liên tỉnh, kể cả bộ vào cuộc.

Ông Nguyễn Văn Hạnh

Mỹ vất vả chống thông tin sai lệch về vắc xin

Nhà Trắng ngày 15-7 đã yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook và Twitter phải xử lý các thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin COVID-19 được lan truyền tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Cũng trong tháng 7, Tổng y sỹ Mỹ Vivek Murthy kêu gọi các công ty công nghệ điều chỉnh thuật toán để giảm bớt thông tin sai lệch, đồng thời chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với các nhà nghiên cứu và chính phủ.

Facebook cho biết họ sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn thông tin không đúng sự thật, bắt đầu bằng thông báo sẽ xóa tất cả thông tin sai lệch về vắc xin khỏi nền tảng.

Trên nền tảng chia sẻ hình ảnh Instagram, Facebook nói họ sẽ làm người dùng khó tìm thấy các trang "không khuyến khích mọi người tiêm chủng". Mạng xã hội Twitter cũng có chính sách yêu cầu xóa các bài tweet chứa thông tin sai lệch về COVID-19 và vắc xin.

Đối với một số chuyên gia, các nỗ lực can thiệp của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêm vắc xin. "Công việc giao tiếp với người dân là của chính phủ" - Vish Viswanath, giáo sư truyền thông sức khỏe tại Đại học Harvard, nói với Đài Al Jazeera.

Giáo sư Viswanath cho biết chính phủ cần làm việc ở cấp độ cơ sở, như thu hút sự tham gia của những người có uy tín hay sức ảnh hưởng như các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận hay người nổi tiếng.

Từ tháng 6, Nhà Trắng đã bắt đầu triển khai đội quân KOL, hay các influencer (người có sức ảnh hưởng trên mạng) để kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin.

Không chỉ Nhà Trắng, nhiều chính quyền địa phương ở Mỹ cũng làm tương tự, chiêu mộ nhiều người có lượng theo dõi cao trên nhiều nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube để thúc đẩy tiêm vắc xin và phản công với tin giả trên mạng.

MINH KHÔI

Khó ngăn tin giả không phải tiếng Anh

Cho tới nay Facebook đã xóa hơn 18 triệu thông tin sai về COVID-19 và đóng các tài khoản liên tục vi phạm quy định. Tuy nhiên điểm hạn chế của các mạng xã hội mà quan chức Mỹ chỉ ra là chưa ngăn chặn tốt các thông tin sai lệch không phải bằng tiếng Anh.

Xử phạt hai chủ tài khoản Facebook vì vô ý chia sẻ tin Xử phạt hai chủ tài khoản Facebook vì vô ý chia sẻ tin 'bác sĩ Khoa nhường ống thở cứu sản phụ'

TTO - Chiều 9-8, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hai chủ tài khoản Facebook vì đã 'vô ý chia sẻ' thông tin chưa đúng vụ 'bác sĩ Khoa'.

HÀ QUÂN - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên