![]() |
Tui tỉnh giấc, thì ra chỉ là một giấc mơ. Nhìn qua, thấy ổng vẫn nằm kế bên ngủ ngon lành. Hôm nào ngủ một mình, ổng cứ trằn trọc thao thức... - Bà Lương Thị Sử, nhân viên một siêu thị, nở nụ cười méo xẹo không rõ vui hay buồn, kể.
Ai cũng bảo bà... khỏe. Đứa con gái có chồng, bên nội thương dâu thương cháu. Con trai lên lớp 10 đã biết tự lập. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng son. Mấy bà hàng xóm ganh tị với bà: “Chồng tôi cứ ở ngoài đường, về hưu rồi, càng rảnh lại càng đi, cứ bảo đi làm ăn, mà có mang về đồng nào đâu... Phải chi được như ông xã chị”. Đời trớ trêu lắm, bà lại mong ông xã bà “ra ngoài đường với người ta”.
Đàn bà sợ nhất là bạn bè của chồng rủ đi nhậu. Chồng bà chẳng thân với ai để bị rủ rê. Ông bảo “Chả có gì vui!”. Đồng nghiệp của ông có vài người “nói chuyện được” là thân lắm rồi. Nói chung, ông là người hướng nội và ông chỉ thích ở nhà với vợ. Bà vui chứ sao không? Nhưng trong vui có... buồn, như trong không khí có bụi vậy! Mỗi lần bà đi công tác, ở nhà ông bồn chồn gọi điện suốt, khiến bà vừa xong việc là bắt xe khách về ngay, bỏ luôn khoản đi tham quan với các đồng nghiệp.
Những bữa tiệc quan trọng phải tiếp khách, bà ráng ăn... ít, để bụng về ăn với ông xã, bởi ông không thể ăn cơm một mình. Những lúc gặp mặt bạn bè cũ, bà cũng từ chối ăn uống, hát hò... vì không nỡ nhìn cảnh ông đang ra ngõ dài cổ trông vợ về. Có lần, đám cưới người em họ của ông, bà bận họp gấp với đối tác, ông cũng: “Thôi mệt! Khỏi đi luôn!”. Bạn thân của bà vừa gọi điện cho bà vừa khóc thút thít: “Ông xã tui có bồ, có chết không! Phải được như chồng chị thì tui đâu có khổ...”. Không đi nhậu, không có bồ... chồng bà đúng là người đàn ông... mẫu. Nhưng bà vẫn thấy khổ vì phải trông chồng mọn! Bà Lâm Thị Phượng nhà ở phường 7 (Gò Vấp) đã về hưu và có sở thích trông cháu. Anh con trai lập gia đình ra riêng, muốn đi đâu đều điện cho mẹ nhờ đến trông nhà. Bà vất vả với cháu nhỏ, nhưng mà vui lắm, cứ như trở lại thời mới có con. Nhưng niềm vui của bà không trọn vẹn, vì ông chồng bà luôn đau khổ khi vợ vắng nhà. Dù cô con gái vẫn cơm nước đầy đủ cho bố, nhưng ông vẫn muốn “nhìn mặt vợ, ăn cơm mới ngon”.
Từ ngày, về hưu, ông càng... bám vợ hơn. Ngày xưa, ông đi công tác khiếp lắm, nên bà cứ mong chồng về nhà; bây giờ, ông ở nhà để bù đắp cho vợ, nhưng ông bù quá nhiều, bà cũng phát mệt! Lắm tối, bà chỉ muốn nằm một mình xem phim hay đọc sách tùy thích, nhưng vướng ông chồng kế bên, phải tắt đèn ngủ sớm. Lắm khi, bà “bốc lửa” vì rối loạn tiền đình, chồng cứ lại khều khều... Nhà rộng, nhưng phương án “phòng ai nấy nằm” bị ông chồng lên án “chia loan, rẽ phụng”.
Theo ông, người già mới luôn cần bên nhau, nhỡ trúng gió, hay đột quị còn biết cứu chữa. Bà muốn tham gia hội thơ, muốn đi tập dưỡng sinh... ông không cấm, nhưng bà về đến nhà thấy chồng rầu rầu như bị bỏ đói, lại áy náy. Bà rủ ông đi, ông bảo không phù hợp “mấy chỗ đó toàn phụ nữ”. Bà nhìn mấy bà bạn trong xóm hùn tiền rủ nhau đi chùa hành hương mà lòng thèm một lần đi cho biết nhưng phải nói xạo: “Đi làm gì cho mệt!”.
Các bà vợ nói trên sợ nói ra chuyện gia đình mình người ta mỉa mai là “chảnh”, “được voi đòi tiên, có chồng ngoan, mà còn than...”. Nhưng thật ra vợ chồng cũng có lúc cần “riêng một góc... trời” để cảm thấy mình được là mình.
PHƯ CHU
Tuổi Trẻ Cười số 419 (ra ngày 1-1-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận