25/11/2016 07:57 GMT+7

Chống ngập tại TP.HCM, tìm lời giải 'bài toán quá khó'

Q.KHẢI - N.ẨN - TH.DUNG
Q.KHẢI - N.ẨN - TH.DUNG

TTO - Dù có nhiều nỗ lực trong công tác chống ngập nhưng nhìn lại hàng chục năm qua, ngập nước vẫn là một vấn đề nan giải ở TP.HCM, cả trong thời gian tới.

Người dân vất vả trên đường về nhà do nước ngập sâu trên đường Lê Văn Lương xã Nhơn Đức, H. Nhà Bè TP.HCM hôm 15-11 - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân vất vả trên đường về nhà do nước ngập sâu trên đường Lê Văn Lương xã Nhơn Đức, H. Nhà Bè TP.HCM hôm 15-11 - Ảnh: Hữu Khoa

Đây là những nhận định của nhiều chuyên gia tại hai hội thảo liên quan chống ngập ở TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Sở GTVT TP và Hội Cầu đường cảng TP tổ chức tại TP.HCM ngày 24-11.

Đầu tư chống ngập không theo kịp biến đổi khí hậu

Dẫn các số liệu thống kê tình hình mưa, triều cường, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - cho rằng diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi cho công tác chống ngập.

Trong khi đó, theo ông Long, việc đầu tư các công trình thoát nước hiện nay không đáp ứng yêu cầu và trở nên lỗi thời trước diễn biến biến đổi khí hậu.

Công tác chống ngập ở TP.HCM hiện nay được thực hiện theo quy hoạch 752 (quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, Thủ tướng phê duyệt năm 2001) và quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM phê duyệt năm 2008).

Theo hai quy hoạch này, TP.HCM xây dựng 6.000km cống thoát nước, xây 103 hồ điều tiết, 12 nhà máy xử lý nước thải, hơn 170km đê bao cùng 12 cống ngăn triều lớn...

Nhưng đến nay chỉ mới xây được gần 50% số lượng cống trên, chưa có hồ điều tiết nào, chỉ mới được một nửa nhà máy xử lý nước thải và 1 cống kiểm soát triều lớn.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho rằng việc đầu tư các công trình chống ngập hiện nay tỉ lệ nghịch với diễn biến thời tiết.

Theo ông Phùng, để giải quyết bài toán chống ngập, chi phí đầu tư rất quan trọng nhưng nếu không quan tâm đến vấn đề kiểm soát được tốc độ đô thị hóa, nâng cao ý thức người dân và sự phối hợp các cơ quan liên quan thì cũng “vỡ trận”.

20% ao hồ, kênh rạch bị san lấp

Góp ý giải pháp chống ngập, ông Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng TP.HCM không nên đi ngược với xu hướng thế giới là lấp quá nhiều sông rạch mà hãy mạnh dạn “hoàn nguyên” hệ thống thoát nước tự nhiên và tạo ra nhiều mảng xanh thấm nước thay vì bêtông nhiều như hiện nay.

“Hoặc giải pháp thu gom nước mưa từ các mái nhà, đã nói nhiều nhưng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức” - ông Phùng nhận định.

Cùng chung quan điểm, TS Phạm Viết Thuận - Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - cho rằng qua 40 năm nhìn lại chúng ta có tới 20% ao hồ, kênh rạch bị san lấp, tương ứng với 3.506ha diện tích chứa nước (chứa khoảng 25 triệu m3) bị mất đi.

Đây là một trong những yếu tố làm TP.HCM ngập nặng thêm.

*** Error ***
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện kinh tế tài nguyên môi trường 

Do đó, theo TS Thuận, ngoài việc khai thông hết những kênh rạch đang bị lấn chiếm, TP.HCM xem xét nên hay không dừng sự phát triển về hướng nam gồm một phần quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh vì đây vốn là nơi trữ nước lớn của TP.HCM.

Ông Bùi Văn Phương - đại diện Công ty tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp đề xuất TP.HCM cần xem xét xây dựng mạng lưới, quy mô và vị trí xây dựng hồ điều tiết cho phù hợp.

Bởi vì xây hồ quá lớn sẽ gặp trở ngại về đền bù giải tỏa mặt bằng và chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, ông Phương đề xuất nên đầu tư hồ nhỏ, phân tán có hiệu quả hơn.

Trao đổi lại, KTS Hoàng Minh Trí - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - cho rằng quy hoạch phát triển khu vực phía nam đã được Thủ tướng phê duyệt có quy định rõ phải giữ lại hệ thống sông rạch hiện trạng, trường hợp san lấp 1m2 rạch thì phải trả lại diện tích trữ nước là 1,2m2.

“Phát triển là đúng nhưng có nhiều nhà đầu tư thực hiện sai quy hoạch, lấp rạch nhưng không trả lại diện tích chứa nước” - ông Trí nhấn mạnh.

Lún “khủng khiếp”

Một bất cập trong công tác đầu tư công trình chống ngập thời gian qua được TS Phạm Văn Long đưa ra mổ xẻ tại hội thảo là việc áp dụng các cao độ và tình trạng lún mặt đất.

Ông Long cho rằng tất cả các công trình chống ngập đều căn cứ vào địa hình và cao độ, nhưng có một thực tế là không ai biết bản đồ địa hình, cao độ đang áp dụng đúng tới đâu, sai chỗ nào!

Dẫn các số liệu thu thập, ông Long cũng nhận định tình trạng lún tại TP.HCM hiện nay không thua gì Bangkok (Thái Lan). Tốc độ lún chung khoảng 1cm/năm, có nơi khoảng 3cm/năm, thậm chí một số nơi ở huyện Bình Chánh lún tới 7cm/năm.

Ông Long đánh giá việc này “khủng khiếp” hơn các nguyên nhân gây ngập khác, bởi hiện tượng này làm xuất hiện những khu vực trũng cục bộ, nước không thể tự chảy tự nhiên, vô hiệu hóa hệ thống cống thoát nước hiện hữu.

Đồng tình, TS Nguyễn Hồng Quân - Viện Tài nguyên và môi trường - cho rằng tốc độ lún hiện cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng và đây là một nguy cơ gây ngập nghiêm trọng.

Vì vậy, ông Quân cho rằng ngoài các giải pháp công trình, trong chiến lược chống ngập TP.HCM cần có giải pháp thích nghi, hoàn trả không gian cho nước.

Tư duy chống ngập cần có sự thay đổi, cân bằng giữa yếu tố bảo vệ (công trình) và thích nghi. Việc này phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có bước chuẩn bị phù hợp.

Một trong những giải pháp khác mà ông Vương Hoàng Thanh - ủy viên ban chấp hành Hội Cầu đường cảng TP.HCM - đưa ra là TP.HCM cần tính đến phương án xây dựng thêm một hệ thống thoát nước mới song song với hệ thống thoát nước cũ để kết nối ra tuyến cống thoát nước chính.

Bên cạnh đó, có thể đầu tư công nghệ khoan ngầm đặt ống cống, sử dụng cống HD PE (làm bằng nhựa) có tuổi thọ hơn 70 năm để hạn chế việc đào đường gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Nâng đường không khả thi

Ông Vương Hoàng Thanh đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không kiểm soát mực nước mà cứ đợi nước dâng đến đâu thì nâng đường đến đó?”.

Theo ông Thanh, từ trước đến nay các đơn vị đều mắc sai lầm trong quy hoạch xây dựng cốt nền đường và không tính đến phương án biến đổi khí hậu về lâu về dài.

Do vậy, các công trình sắp tới nên chú trọng nghiên cứu yếu tố biến đổi khí hậu để có những thay đổi về mặt kỹ thuật khi xây dựng cốt nền. Đây là phương án chống ngập hiệu quả lâu dài cần quan tâm thực hiện.

Theo ông Bùi Văn Phương, những khu vực có cốt nền thấp đòi hỏi phải có đê bao, hồ chứa hoặc trạm bơm.

Giải pháp nâng nền sẽ không hiệu quả vì nền đất nền nhà công trình ở hai bên vẫn thấp thì nước cũng không thoát được.

Còn tại một số khu vực có cốt nền cao, việc nâng đường càng lãng phí, vô tình làm nhà dân bị tụt xuống, dễ ngập. Khi muốn nâng cốt nền, chủ đầu tư công trình cần tìm hiểu kỹ càng về tình trạng cốt nền để việc chống ngập có hiệu quả, tránh lãng phí.

Nghiên cứu việc nâng cốt nền đường

Ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết thời gian tới sở sẽ thúc đẩy các công trình xây dựng hệ thống cống thoát nước, bờ bao nhanh chóng hoàn tất, đưa vào sử dụng để khắc phục tình trạng ngập.

Đồng thời nghiên cứu việc có nên nâng cốt nền đường để chống ngập trên địa bàn một số quận, huyện.

Cần có sự tham gia của các bộ, ngành

Ông Đỗ Tiến Lanh - Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - cho rằng câu chuyện ngập ở TP.HCM phải đặt trong bối cảnh địa phương hạ du sông Đồng Nai.

Vì vậy cần có sự tham gia sâu hơn của bộ, ngành trung ương như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cần quy tụ các chuyên gia đầu ngành, có chuyên môn sâu về lý thuyết và kinh nghiệm phụ giúp bộ máy quản lý chính sách, hiến kế chống ngập.

Q.KHẢI - N.ẨN - TH.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên