16/11/2013 08:58 GMT+7

Chồng là hậu phương

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Đường vào nhà của vợ chồng ông Huỳnh Văn Hồng (58 tuổi) và bà Trần Thị Tuyết (55 tuổi) là một cây cầu khỉ mỏng manh. Mùa mưa gió, cầu trơn trượt đi té rớt xuống sông không phải là chuyện lạ.

0ywVoXYG.jpgPhóng to
Cây cầu khỉ quen thuộc vợ chồng ông Hồng thường vác lúa, xách nước qua lại cùng nhau - Ảnh: Bảo Châu

Vậy mà gần 30 năm nay, hai vợ chồng vẫn thoăn thoắt khiêng lúa, xách nước qua cây cầu nhỏ ấy, cùng nhau giữ gìn mái ấm ở miệt vùng sông nước ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Việc nhà không của riêng ai

12g trưa, bà Tuyết về nhà, dựng xe vào gốc cây bên này sông, một tay xách giỏ, tay kia là xô nước cơm dư làm thức ăn cho đàn heo sau nhà, bà đi vun vút qua chiếc cầu khỉ nhỏ xíu vào nhà. Ở nhà, cơm canh nóng hổi sẵn chờ. Ông Hồng, chồng bà, đã nấu nướng, dọn dẹp tinh tươm cả gian bếp từ lâu.

“Thấy bừa bộn tui chịu không nổi, thấy chén bát dơ là phải rửa liền” - ông Hồng cho biết về sự sạch sẽ của căn bếp do ông quản lý. Mà không chỉ có gian bếp này, phạm vi “quản lý” của ông Hồng còn trải rộng cả giàn chanh dây trước nhà, chuồng gà hơn 40 con, đàn heo liên tục đòi ăn ồn ã phía sau và một căn chòi khoảng 500 tai nấm linh chi đang làm thử nghiệm. Ông chăm sóc tất cả kỹ lưỡng từng chút một, từ vá lưới chuồng gà đến trồng giàn chanh dây trái xanh bóng, căng tròn...

Không chịu thua kém chồng, bà Tuyết chẳng mấy khi ngồi yên, hễ chồng trèo dừa hái trái, đi vác lúa thì bà cũng cẩn thận tưới nước cho mấy trăm tai nấm linh chi, cắt chuối dành cho heo ăn. Việc nhà hai vợ chồng không phân công cho nhau song như một “luật bất thành văn”, cứ thấy việc gì chưa xong thì ai cũng phải xắn tay vô làm, không tị nạnh chuyện chồng chuyện vợ, từ giặt đồ, rửa chén tới cả nấu cơm.

Cứ thế, dần dà dù nhà nằm hiu hắt giữa đồng, trước sau mênh mông sông nước, ngay cả chiếc xe máy cũng phải gửi nhờ nhà người ta bên kia sông, vợ chồng ông Hồng lại là một trong những hộ có mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất xã Tân Hưng, huyện Long Phú này. Nghe ở đâu có mô hình nuôi trồng nào mới, hai vợ chồng lại xăng xái sắp xếp nhà cửa, chở nhau đi coi người ta làm như thế nào, từ Trà Vinh tới Vĩnh Long, Bến Tre rồi về nhà áp dụng lại. Ví dụ như mô hình trồng nấm linh chi, bà Tuyết kể: “Mới đầu tui run lắm, nhưng ổng động viên em không làm được thì có anh phụ”. Vậy là hai vợ chồng mang về thử. Đến nay, những tai nấm đã bắt đầu nên hình nên dáng.

Mỗi ngày, cứ 4g sáng hai vợ chồng lại lục tục thức dậy quét dọn ở ủy ban xã, chia nhau làm vườn làm ruộng suốt tới chiều tối mới ngơi tay. “Trước đây cũng có mấy ông hàng xóm sáng là rủ tui đi nhậu rồi, nhưng tui thấy uống suốt ngày mệt quá nên không uống nữa, riết rồi người ta không qua rủ nhậu nữa, chỉ kêu đi cà phê thôi” - ông Hồng dí dỏm. Sống giữa xứ miệt vườn, nơi mà chỉ cần trái cóc con mực lai rai là ra độ nhậu, có thể say sưa từ sáng tới tối, ông Hồng là trường hợp rất đặc biệt. Không rượu, thuốc lá cũng bỏ, những cái “ngộ” đó của chồng cũng khiến bà Tuyết rất bất ngờ.

“Lo chuyện thiên hạ”

Không chỉ lo đủ thứ việc vườn tược ở nhà cùng chồng, bà Tuyết còn là cán bộ phụ nữ rất có năng lực của xã Tân Hưng suốt gần 20 năm nay. Trong xóm hễ ở đâu có bạo lực gia đình, chị em phụ nữ bị nợ nần, túng thiếu là sẽ có bà Tuyết đến hòa giải, làm đơn thư xin vay vốn, rồi tập huấn chuyển giao cách làm ăn, cách giáo dục con cái...

Bà Trần Thị Thôi (50 tuổi), một hàng xóm của bà Tuyết, kể: “Trước đây chồng đánh tui riết, mỗi lần chồng đánh là chị Tuyết qua can. Nghe nói có dự án về phòng chống bạo lực gia đình trên xã, chị đến vận động cả hai vợ chồng tui đi, giờ ổng biết đánh vợ là vi phạm pháp luật, ít chửi bới nên tui khỏe hơn!”.

Ngay cả tiệm tạp hóa nhỏ ven sông của bà Thôi cũng do bà Tuyết đi vận động, hướng dẫn bà Thôi làm đơn xin vay vốn để hỗ trợ sinh kế, đỡ phải phụ thuộc suốt ngày vào chồng. Thỉnh thoảng đang ăn cơm mà nghe có tiếng í ới cãi nhau ngoài xóm rồi có người gọi “chị Tuyết ơi” là bà bỏ chén cơm, tất tả chạy đi, nhiều khi về tới nhà trời đã tối như hũ nút.

Hỏi ông Hồng có thấy khó chịu khi việc nhà thì nhiều mà bà lại hay “lo chuyện thiên hạ” như thế, ông nói ngay: “Lúc đầu cũng có bực nhưng ở với nhau suốt mấy chục năm, tôi biết cản bả cũng đi à. Thôi thì bả cũng làm chuyện tốt cho người ta, mình không càm ràm nữa”! Cứ vậy, khi nào bà bận việc, rồi phải đi tập huấn các chương trình cho Hội phụ nữ, ông lại âm thầm ở nhà nấu nướng, dọn sẵn cơm ra bàn rồi ra vườn lúi húi với đàn heo, bầy gà.

Ông không nói năng gì nhiều nhưng bà thì hiểu: “Tui biết ơn ổng nhiều thứ, trong đó có chuyện cho tui ra ngoài đi làm đúng với cái tui yêu thích. Bởi vậy dù có đi đâu tui cũng ráng sắp xếp về nhà sớm, để ổng khỏi trông và phụ được ổng cái gì hay cái đó!”.

Gần 30 năm chung sống với nhau, qua bao nhiêu thăng trầm, hai vợ chồng vẫn xưng hô “anh, em” từ tốn, thân thiết, không mấy khi cãi vã nhau. “Có lúc bực mình tui cũng nói lớn tiếng này nọ, nhìn qua nhìn lại ổng đi mất tiêu ra ngoài ruộng làm đất, tới chừng nguôi nguôi thì ổng đẩy cửa nhẹ nhàng vào nhà, vậy là thôi” - bà Tuyết nói với vẻ tự hào âm thầm dành cho chồng, người đang tỉ mẩn ngồi đóng đinh lại cây cầu khỉ ngoài sân nắng vì “mùa mưa trơn trượt sợ bả đi té, bả coi vậy chứ không biết bơi”.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên