Phóng to |
Lễ phát động Ngày cứu đói tại Nhà hát lớn Hà Nội |
Trong sáu vấn đề đó, vấn đề số 1 là cứu đói: “Nhân dân ta đang đói... Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống” (Hồ Chí Minh toàn tập).
Có hai giải pháp chống giặc đói.
Giải pháp cấp cứu: nhường cơm sẻ áo
Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.
Ngay từ giữa tháng chín, Chính phủ đã tổ chức một lễ phát động phong trào cứu đói. Buổi lễ này được tổ chức long trọng tại Nhà hát lớn. Cụ Ngô Tử Hạ, người cao tuổi nhất trong Quốc hội, là chủ tịch buổi lễ, đã long trọng đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói. Chính cụ cầm càng một chiếc xe bò tượng trưng để đi các phố phường, nhân dân ai có chút gạo chút ngô đều mang ra đóng góp vào phong trào cứu đói.
Chính phủ còn phái một ủy ban vào Nam bộ điều tra và cấp tốc tổ chức việc vận chuyển gạo ra Bắc. Chính phủ cũng hô hào các hội buôn và tư nhân tham gia công việc vận chuyển này. Việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc chỉ thực hiện được trong tháng 9-1945, với tổng số không quá 30.000 tấn. Từ sau khi Pháp gây chiến ở Nam bộ, con đường vận chuyển bằng đường sắt bị khó khăn và không bao lâu sau thì tắc nghẽn.
Giải quyết vấn đề từ gốc: tăng gia sản xuất
Tăng gia sản xuất không chỉ là cơ sở để giải quyết triệt để nạn đói, mà còn là cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ Cách mạng VN. “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập” (Hồ Chí Minh toàn tập).
Để phục vụ tăng gia sản xuất, điều cấp bách trước mắt là phải hàn khẩu xong các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới. Việc này không thể chỉ dùng nhân lực mà còn cần có những chuyên gia. Nhà nước quyết định cho đấu thầu việc đắp đê. Chủ thầu phải là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Cụ Nguyễn Xiển, lúc đó là chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ, là người trực tiếp điều hành việc đắp đê, kể lại trong bài hồi ký về sự nghiệp đắp đê sau cách mạng: “Cách làm đó lại gặp những mắc mớ về quan điểm. Có người nói: “Làm cách mạng mà còn dùng thầu khoán? Thầu khoán là bóc lột nhân công”. Chính Bác Hồ, trong một chuyến đi thị sát đắp đê, đã giải đáp vấn đề này: “Thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước”. Câu trả lời trên đã giải tỏa được những vướng mắc”.
Cho đến đầu năm 1946, tức là chỉ bốn tháng sau cách mạng, công tác đê điều đã hoàn thành. Đó là một bằng chứng về trách nhiệm, năng lực và sức sống của chính quyền mới.
Bà Ngô Thị Hoàn, nguyên trưởng phòng tổ chức Viện Kinh tế học, kể lại : “Lúc đó tôi mới 10 tuổi, trong đội nhi đồng, được đi theo chiếc xe của cụ Ngô Tử Hạ, đánh trống, phất cờ, hô khẩu hiệu để vận động đồng bào cứu đói. Cụ Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe qua phố Tràng Tiền. Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng bờ hồ thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát lớn gặp Bác Hồ, cụ Ngô Tử Hạ chỉ cho Bác Hồ xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô, lại có nhà thêm mấy ống đỗ. Bác Hồ nói: “Đấy mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon, nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất...”. |
Đồng thời với việc đắp đê, phải gấp rút tiến hành trồng trọt, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”. Chính quyền tất cả các địa phương quyết định cho phép sử dụng những đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê để trồng trọt.
Chính quyền còn vận động cả tư nhân cho sử dụng tạm các vườn trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Mỗi địa phương lập ra một tiểu ban để huy động nhân lực và tổ chức sản xuất. Lương thực làm ra được dùng để cứu tế...
Ở Hà Nội, học sinh đã cuốc xới cả sân trường, vỉa hè, bất cứ nơi nào đất trống. Viên chức cuốc vườn trong công sở để trồng ngô, khoai... Thanh niên thủ đô chia thành những đội tăng gia đi trồng sắn ở bờ đê, bãi sông, lề đường.
Bộ trưởng Bộ Lao động lúc đó là Lê Văn Hiến kể lại: “Vào khoảng tháng 11-1945, tôi được Bác gọi sang giao nhiệm vụ mới là thay mặt Bác đi kinh lý các tỉnh phía Nam. Tôi đã báo cáo với Bác tình hình bộ trước khi đi. Bác nghe xong hỏi luôn: “Chú còn quên không báo cáo một chuyện nữa”.
Tôi ngớ người, vì trước khi gặp Bác tôi đã chuẩn bị rất đầy đủ những tài liệu về công việc của Bộ Lao động trong hai tháng qua. Chẳng lẽ mình còn thiếu sót gì?
Tôi nói: “Thưa Chủ tịch, còn chuyện gì nữa?”. Bác bảo: “Chú quên không nói về tình hình tăng gia sản xuất. Ở trước cửa bộ chú có một vườn rất rộng để không, dân thì đói, tại sao không cuốc lên trồng khoai trồng sắn để cứu đói. Trước khi đi công tác chú phải nhắc nhân viên làm việc đó”.
Trên đường trở về bộ, tôi thầm nghĩ: Bác quả là người thấu đáo, không quên một việc gì. Một việc nhỏ như thế, mình là bộ trưởng cũng không để ý tới, Bác ở tận xa mà Bác còn biết. Tôi liền triệu tập anh em trong bộ, nói ý kiến của Bác. Hôm sau mọi người đến sớm, người thì dao, người thì cuốc, thuổng, ào ào xới đất lên để trồng khoai...”.
Mặt trận quyết định nhất của tăng gia sản xuất cuối năm 1945 đầu 1946 là trồng màu. Lúa không còn kịp thời vụ nữa, phải dành phần lớn đất đai để tranh thủ trồng liên tiếp hai vụ màu bù cho phần thiếu hụt về lúa. Đây là giải pháp sáng suốt. Phải trồng màu ngay từ tháng 11-1945 để tháng giêng đã có thu hoạch khoai lang. Tháng hai đã có thu hoạch ngô, đậu.
Ngay sau đó, trồng tiếp một vụ nữa có thể cho thu hoạch bổ sung vào tháng ba và tháng tư để chịu đựng được suốt thời kỳ giáp hạt cho đến vụ thu hoạch lúa chiêm vào tháng năm.
Kết quả sản lượng màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ trong năm tháng từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946 đã đạt 614.000 tấn, qui ra thóc là 506.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui.
* * *
Trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh 2-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã lúc đó, lụt và hạn hoành hành, giặc ngoại xâm hoành hành, tiền và phương tiện gần như không có gì, giống má cạn kiệt, trâu bò chết gần hết…, mà đánh thắng được giặc đói, thắng một cách oanh liệt thì quả là một kỳ công. Kỳ công đó không thuộc riêng ai. Đó là sự nỗ lực của toàn dân. Nhưng không chỉ đơn giản là như vậy.
Cũng là toàn dân Việt Nam đấy mà năm trước đó thôi tại sao hàng triệu người vẫn chết đói? Còn phải kể đến một nhân tố vô cùng quan trọng nữa: nhờ có chính quyền cách mạng, nhờ tài tổ chức của chính quyền đó.
Đó là sự thật. Đó cũng là lý do giải thích tại sao tuyệt đại đa số dân chúng đã tin và đã theo Việt Minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận