Câu chuyện của tôi là một ví dụ:
Sau giờ học tôi lên xe buýt, tầm hơn 5g chiều. Vào giờ này nếu ai đi xe buýt thường xuyên thì biết đông đến mức nào, trong đó sinh viên như tôi chiếm hơn phân nửa. Đến trạm bến xe miền Đông, khách lên thêm một đông. Và tất nhiên không ai biết được rằng lẫn trong những hành khách lên xe kia là đám móc túi.
Xe chật. Người đông. Thiếu tính cảnh giác. Cơ hội không thể tốt hơn cho tụi móc túi.
Xe đi được 5 phút, gần đến trạm kế tiếp thì một nam sinh viên la lớn “móc túi, có móc túi”. Mọi người chưa kịp hiểu gì thì nam thanh niên bị cho là móc túi nhảy bổ tới, đấm túi bụi vào mặt. Chưa kịp định thần thì có hai thanh niên khác nhảy vào đấm đá nam sinh viên.
Có lẽ các bạn đọc tới đây sẽ nêu ra giả thiết sao cả đám đông không đứng lên bảo vệ anh sinh viên, chống lại tụi móc túi?
Nhưng đó là những suy nghĩ của những người không ở trong hoàn cảnh, tận mắt chứng kiến và quy kết cho đám đông vô cảm.
Anh chị sẽ làm gì khi những tên móc túi lấy dao và liên tiếp đe dọa. Anh sinh viên kia từ vị trí người hùng lên tiếng phát hiện móc túi biết mình không thể “chọi ba” với tay không nên im lặng.
Và đám đông (có tôi) khi thấy dao, thấy vẻ mặt đầy manh động của tụi móc túi cũng rùng mình, rồi thấy thần tượng anh hùng của mình bỗng dưng bị đánh máu me nên cũng rụt rè lại.
Bản chất con người là vậy? Sao phải trách họ?
Nếu anh chị ở Sài Gòn, còn đi xe buýt sẽ còn nghe thấy những câu chuyện đại loại “thanh niên nghiệp ngập mang dao lam lên xe buýt móc túi, xin đểu. Và đã có người bị rạch mặt bằng dao lam”.
Nếu anh chị gặp trường hợp đó, tôi không nghĩ anh chị sẽ quyết định đứng lên chống lại?
Suy cho cùng mất tài sản vẫn không thể nào sánh được với tính mạng con người. Nên đừng bắt những người trẻ, đám đông kia (có tôi) làm anh chàng Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió, làm những anh hùng!
Tất nhiên, nếu anh chị đủ sức mạnh (có võ, có mưu kế hay…) vẫn có thể đứng lên làm anh hùng đánh lại với tụi móc túi đầy manh động. Nhưng trước hết hãy bảo vệ tính mạng của mình.
Nói về móc túi, trước khi trách… tụi móc túi (là điều tất nhiên) thì hãy nên trách những người đi xe buýt vì tính hớ hênh của họ. Điện thoại sang để ở túi quần nghe nhạc, bóp tiền để túi sau lộ ra gần nửa, balô đeo sau lưng có lap top, tiền,… không thèm khóa. Chính sự hớ hênh đó tạo cơ hội cho bọn móc túi.
Chỉ một vài thao tác đơn giản thôi: điện thoại, bóp, laptop bỏ trong balô lên xe buýt thì xin hãy đeo…trước ngực. Nếu bóp để túi sau thì xin hãy gài nút. Và lúc lên xuống xe hãy cảnh giác. Vài việc làm nho nhỏ nhưng phòng bị móc túi rất cao. Hãy tự cứu mình trước khi đợi người khác cứu mình!
Câu chuyện trên chuyến xe của tôi chưa hết.
Chừng 15 phút sau một tên chạy xe máy theo đón xe buýt để đòi lại chiếc bóp mà trong lúc đánh đấm kia làm rơi. Tất nhiên đó là chiếc bóp của hành khách mà tụi kia móc được. Hắn ra lời hăm dọa cả tiếp viên xe buýt. Kể thêm để thấy sự lộng hành và manh động của tụi móc túi này.
Có lẽ bạn cho rằng cả đám đông chắc chắn sẽ chống lại được ba tên móc túi hoặc thậm chí nhiều hơn, nhưng tâm lý đám đông trong hoàn cảnh ấy ai cũng biết sợ, ai cũng lo cho mình.
Có ai đảm bảo được rằng bạn đứng lên chống lại tụi móc túi thì đám đông sẽ hỗ trợ? Bởi thế nên đừng xem đó là sự vô cảm! Đừng bắt họ làm anh hùng khi tính mạng của họ không được đảm bảo.
Chúng ta không thể bắt những những người trẻ (tay không) sống theo chủ nghĩa anh hùng, mỗi người trẻ không phải là một hiệp sĩ. Đừng lên án bởi vì họ không thể làm hiệp sĩ.
Theo bạn, vì sao đám đông không dám ra tay khi chứng kiến cảnh trộm cắp, nạn "xin đểu"? Nếu bạn chứng kiến những tệ nạn này, bạn sẽ làm gì? Cơ quan chức năng cần làm gì để xóa sổ tình trạng này? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
[poll width="400px" height="230px"]99[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận