![]() |
Nước cạn trơ đáy hồ Gươm |
* Thưa ông, việc nước hồ Gươm cạn có nguy hiểm đến tính mạng của rùa trong hồ không?
- Rùa rất khó chết vì là loài có khả năng chống chịu cao. Rùa đã sống hàng trăm năm, biết bao biến cố nhưng đều vượt qua được. Trước đó, ở đầm Phương Lâm (Hòa Bình), khi nước cạn như một bãi sình rùa vẫn sống được. Vì vậy, nếu nước có cạn tới lòi mai rùa thì rùa hồ Gươm cũng không thể chết được ngay. Đằng này không bao giờ thành phố để nước hồ cạn đến mức như vậy.
* Có ý kiến cho rằng không nên nạo vét vì sẽ ảnh hưởng đến những loài động thực vật quí hiếm của hồ?
- Mọi việc nên được đưa ra bàn bạc dân chủ để có kết luận. Tôi tán thành việc bảo vệ các loài động thực vật vốn có ở hồ. Nhưng như thế không phải là không được động đến hồ. Tôi cho rằng phương án nạo vét từng phần là hợp lý. Có thể đắp đập ngăn hồ thành hai, ba phần. Nước từ phần dự định nạo vét trước sẽ bơm sang phần còn lại. Khi cạn, ta đào đất ngay.
Nên đào khoảng 1,5m chứ không nên đào quá sâu. Phải làm nhanh, gọn, cố gắng càng giữ được sạch càng tốt. Mọi việc phải tiến hành từ 22g đến 5g sáng hôm sau. Xong phần đó, ta tháo toàn bộ nước ở phần kia vào rồi làm tiếp phần còn lại. Nếu cần giữ cả bùn, ta lấy một phần bùn ở phần chưa nạo vét cho sang phần mới nạo vét. Như thế động thực vật của hồ đều vẫn được bảo tồn. Sau khi nạo vét xong ta cho kè bờ luôn, kè thật đẹp và vững chắc.
Cùng với nạo vét hồ, ta cũng nên xây cho các “cụ” rùa một chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh. Chỗ đó được xây từ dưới lên, theo kiểu hình trụ, có bề mặt 30-40m2, nhô cao hơn mặt nước một chút, phía trên có mái che. Việc này nên lấy ý kiến các chuyên gia kiến trúc và mỹ thuật.
* Vậy còn phương án đưa nước từ sông Hồng vào hoặc khoan giếng trong lòng hồ để lấy nước thì sao, thưa ông?
- Đó là những ý kiến rất đáng trân trọng nhưng về lâu dài thì không hay. Không có hồ nào trên thế giới mà cứ bơm nước ra, bơm nước vào liên tục. Ý kiến của giáo sư Hà Đình Đức là nâng cống thoát nước lên cũng cần tham khảo.
Nhưng chúng tôi cho rằng khi nạo vét, đào sâu xuống 1,5m rồi thì nước sẽ rất nhiều. Mà nếu thực hiện cả phương án của giáo sư Đức thì lượng nước sẽ rất lớn. Vì thế, theo tôi, nên kết hợp nhiều phương án khác nhau để hồ Gươm vẫn là một thắng cảnh đẹp giữa lòng thủ đô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận