25/01/2019 11:02 GMT+7

Chọn nghề - chọn công việc phù hợp

D.KIM THOA thực hiện
D.KIM THOA thực hiện

TTO - Trước đây, 'công việc tốt' được quan niệm là công việc ổn định và thu nhập tốt, nhưng nay theo tôi, 'công việc tốt' là tất cả những việc gì bạn có thể làm tốt.

Chọn nghề - chọn công việc phù hợp - Ảnh 1.

GS Kim Rando giao lưu với độc giả TP.HCM hôm 19-1 - Ảnh PHƯƠNG ANH

Đó là chia sẻ của GS Kim Rando, tác giả cuốn sách Chọn nghề bạn yêu - Yêu nghề bạn chọn và nhiều cuốn sách bán chạy khác. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Kim Rando nhấn mạnh điều quan trọng khi chọn nghề là chọn được công việc phù hợp với khả năng và sở thích của mình.

Luôn nhìn mới về công việc cũ

* Theo ông, giữa hai vế "chọn nghề bạn yêu" và "yêu nghề bạn chọn", vế nào quan trọng hơn?

- GS Kim Rando: Tôi cho rằng "chọn nghề bạn yêu" quan trọng hơn. Trong 22 năm làm giáo sư và nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này, tôi nhận thấy rất nhiều người thực sự không biết mình thích làm gì. Do đó, họ có xu hướng chọn nghề theo ý của người khác như cha mẹ, bạn bè, người quen.

* Nhưng theo ông, làm thế nào để người trẻ có thể tăng thêm cơ hội trải nghiệm?

- Bạn phải nhìn theo góc độ mới về công việc đang làm. Ví dụ như trước đây khi tới Việt Nam tôi đi taxi, nhưng giờ tôi đi Grab. Đó là điều trước đây không ai nghĩ tới. Như vậy, với mỗi công việc đang làm, nếu nhìn ở góc độ mới bạn sẽ thấy cơ hội. 

Một ví dụ khác như với một nhân viên của Starbuck, nếu bạn đó nghĩ công việc của mình là hằng ngày bưng bê, phục vụ khách và chỉ làm như vậy cũng không sao. Nhưng nếu bạn nghĩ tới việc làm thế nào để khách đỡ tốn thời gian chờ đợi, làm thế nào thanh toán cho khách nhanh hơn thì khác. 

Khi một người luôn nhìn công việc theo cách mới và tìm giải pháp cho nó, điều đó sẽ giúp họ có thêm kỹ năng và tự nâng cao trình độ bản thân.

* Như vậy, tinh thần chủ động trong công việc là điều quan trọng mà ông muốn nhấn mạnh với người trẻ nếu muốn phát triển sự nghiệp?

- Tôi có nhắc tới những yếu tố quan trọng với người trẻ là phải tìm được công việc họ yêu thích và phải có cơ hội phát triển nghề nghiệp. 

Còn một yếu tố rất quan trọng này nữa mà tôi gọi là "meta-self", có nghĩa là bản thân luôn phải tự biết nhìn lại mình, soi vào bản thân trong công việc để thấy mình đã làm/chưa làm được những gì. 

Nói cụ thể hơn, "meta-self" có nghĩa bạn không nên chỉ là làm việc chăm chỉ, mà còn phải luôn sáng tạo, luôn tìm cách cải thiện công việc tốt hơn, tránh lặp lại các lỗi.

Thời của "lao động áo nâu"

* Xin ông chia sẻ thêm về một số xu hướng nghề nghiệp đáng chú ý...

- Tôi muốn nhắc tới xu hướng đầu tiên mà tôi đặt tên là "brown collar" (áo nâu), để phân biệt với những người lao động văn phòng là "white collar" (cổ cồn) và những người công nhân là "blue collar" (áo xanh). 

"Brown collar" là những người lao động biết vận dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả và giá trị công việc của họ. Tôi chọn màu nâu, vốn là màu đất, màu của lao động làm màu biểu trưng cho những người lao động đông đảo thuộc nhóm này xuất hiện trong thời đại ngày nay.

Chẳng hạn khi đến Hội An, tôi đã đi xích lô ở đây. Ở Seoul cũng có dịch vụ xe kéo tương tự. Nhưng cách điều hành của công ty cung cấp dịch vụ xe kéo thì rất khác. Họ không chỉ cung cấp xe kéo mà còn lập trang Facebook, lập trang web để giới thiệu, quảng bá công ty. 

Để tiếp cận người nước ngoài, họ còn làm các thông báo bằng tiếng Anh. Trong khi chở khách, họ kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch. Đó chính là một cách làm mới.

Nếu ngày xưa mỗi người gần như cả đời chỉ làm một nghề thì nay có sự thay đổi rất nhiều, theo đó tính chuyên môn hóa của họ cũng bị tác động. 

Chẳng hạn, nói một cách hình tượng, nếu tính chuyên môn ngày xưa được ví như hình chữ "I", tức chuyên sâu vào một lĩnh vực thì nay là chữ "T", có nghĩa người lao động đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn rộng ở nhiều lĩnh vực dù vẫn phải có một cái chuyên sâu riêng của họ.

Xu hướng thứ hai là những người làm việc di động, không cố định trong văn phòng. Trong chữ "nghề nghiệp" chiết tự theo chữ Hán đã bao hàm hai ý "ở đâu" và "làm gì". Tuy nhiên, hiện nay làm ở đâu không còn quá quan trọng nữa, mà quan trọng hơn là làm gì.

Ông Kim Rando là giáo sư khoa khoa học tiêu dùng Trường CĐ Sinh thái nhân văn, ĐH Quốc gia Seoul. Ông là tác giả của ít nhất 12 cuốn sách best-seller tại Hàn Quốc, trong đó có 3 cuốn sách dành cho giới trẻ đã được chuyển ngữ và in tại Việt Nam là Tuổi trẻ - Khát vọng và nỗi đau (tái bản hơn 800 lần), Tương lai nghề nghiệp của tôi (mới được tái bản với tên gọi khác là Chọn nghề bạn yêu - Yêu nghề bạn chọn Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu.
Chọn đúng nghề vẫn tốt hơn! Chọn đúng nghề vẫn tốt hơn!

TTO - Ngày 6-1, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 của báo Tuổi Trẻ sẽ khởi động với hai buổi tư vấn đầu tiên tại Tây Ninh và Bình Dương.

D.KIM THOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên