23/10/2007 15:44 GMT+7

Chọn mặt gửi công lý

Theo HUY ĐỨC - Pháp Luật TP.HCM
Theo HUY ĐỨC - Pháp Luật TP.HCM

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã bỏ phiếu phê chuẩn chức danh Chánh án TAND tối cao cho ông Trương Hòa Bình, trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Như vậy, chỉ trong vòng một thập niên, Việt Nam đã thay tới ba vị chánh án.

Về chiếc ghế Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:

mOYaQpyN.jpgPhóng to
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã bỏ phiếu phê chuẩn chức danh Chánh án TAND tối cao cho ông Trương Hòa Bình, trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Như vậy, chỉ trong vòng một thập niên, Việt Nam đã thay tới ba vị chánh án.

Thực trạng buồn!

Tuy mỗi vị chỉ ngồi nhấp nhổm trên ghế chánh án một nhiệm kỳ nhưng chắc chắn cả hai ông Trịnh Hồng Dương và Nguyễn Văn Hiện sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam bởi những tuyên bố trứ danh trước Quốc hội. Chánh án TAND Trịnh Hồng Dương từng nói về việc xét xử án dân sự: “Luật pháp thế này thì xử thế nào cũng được!”. Người kế nhiệm ông, Chánh án Nguyễn Văn Hiện, thay vì ghi nhớ bài học ấy đã lại gây sửng sốt khi báo cáo bằng văn bản với Quốc hội rằng thời gian qua, ngành tòa án đã phải “vơ vét” cả những người không đủ tiêu chuẩn làm thẩm phán.

Những ai biết đến sự thận trọng của cựu tướng an ninh Trương Hòa Bình có thể hy vọng rồi đây “dớp vạ miệng” ấy của ngành sẽ không còn bị tái lập. Nhưng những người trong cuộc hiểu ông Nguyễn Văn Hiện và ông Trịnh Hồng Dương đã nói rất thật về hiện trạng của ngành. Chính hiện trạng ấy, chứ không chỉ vài câu nói lỡ lời của hai ông, đã thách thức niềm tin của các vị đại biểu, của dân chúng vào công lý.

Khi nghị trường biến thành phiên tòa

Quốc hội đã phản ứng đầy xúc cảm trước tình trạng ấy. Những chỉ trích mạnh mẽ đã được các đại biểu của dân trút lên đầu ông chánh án trong những buổi chất vấn trực tiếp truyền hình. Cử tri có thể đã hả cơn nóng giận khi mục kích những phiên chất vấn ấy. Nhưng nếu như tư pháp tiếp tục bị bêu riếu, các đại biểu lập pháp được cử tri tin tưởng hơn quan tòa thì chính lập pháp sẽ phải hứng chịu những áp lực mới. Khiếu kiện của cử tri thay vì được đưa đúng địa chỉ là tòa án có thể sẽ được chuyển cho Quốc hội. Trong khi ấy, Quốc hội không thể đưa ra các phán quyết thay tòa. Chất vấn là giám sát nhưng Quốc hội không thể can thiệp quá sâu vào các hoạt động tư pháp.

Ông Nguyễn Văn Hiện đã không bình tĩnh khi cật vấn ngược đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh: “Chị Xinh ở Vũng Tàu, vì lý do gì lại có đủ chứng cứ của vụ án đang có nhiều nghi vấn ở 83 Đội Cấn, Hà Nội?”. Ông Hiện không thể nói vậy vì đại biểu Quốc hội là đại diện cho cử tri cả nước. Nhưng đưa một vụ án ra để yêu cầu chánh án giải thích như bà Xinh là vô tình biến Quốc hội thành phiên tòa. Quốc hội chỉ có thể giám sát chính trị. Còn trong những vụ án cụ thể, luật đã quy định những thủ tục để các cơ quan tố tụng có thể tự giám sát lẫn nhau.

Từ tỷ lệ án bị hủy, sửa thấp

“Độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” là một trong những nguyên tắc tối thượng của các cơ quan tố tụng. Rất mừng khi ông tân chánh án Trương Hòa Bình đã nhắc đến nguyên tắc này với báo chí ngay sau khi nhậm chức. Nhiều đại biểu Quốc hội đã rất đúng đắn khi chất vấn các cơ quan tố tụng trước hiện tượng ngay khi một vụ án được khởi tố, cả ba cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án đã ngồi lại với nhau dưới sự chủ trì của cơ quan nội chính. Vì để tránh oan sai mà pháp luật quy định các cơ quan này phải hoạt động tố tụng một cách độc lập. Điều tra viên nếu thu thập đủ chứng cứ phạm tội của một tên trộm, cũng như của một ông bộ trưởng thì cứ khởi tố, luật không hề quy định điều tra viên đó phải “thỉnh thị” ai. Tuy nhiên, điều tra viên này không thể bắt giam họ nếu như các chứng cứ thu thập không thể thuyết phục kiểm sát viên. Ở tòa, trong cuộc tranh luận giữa luật sư và viện kiểm sát, nếu được tôn trọng thì chính luật sư cũng là một định chế hết sức hữu hiệu để giám sát hoạt động của các điều tra viên và công tố viên.

Căn cứ vào con số 9.700 vụ án bị hủy, bị sửa trong năm 2006, các đại biểu đã chất vấn căng thẳng chánh án TAND tối cao. Rất ít ngưòi lưu ý đến tỷ lệ: sửa án - 1%; hủy án - 4%. Và rất ít người nghe ông Hiện giải thích: “Tỷ lệ ấy là thấp so với các nước”. Để các công dân phải trải qua một hành trình tố tụng với cả sự tù tội dài ngày rồi mới được tuyên vô tội là rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu như các tòa trên chỉ “y tuyên” các án của tòa dưới thì có nhiều cơ quan tố tụng, nhiều cấp xét xử chẳng để làm gì.

Chất vấn và áp lực ngược

Đại biểu quốc hội Hữu Thọ đã từng chỉ ra một vụ án các cơ quan tố tụng “đỡ” cho nhau bằng cách “công an đã trót bắt giam một năm 13 ngày, tòa án phải tuyên tù một năm 13 ngày cho nó hợp pháp”. Nếu như những con số án bị hủy, bị sửa ấy không được phân tích một cách khoa học thì chất vấn rất dễ chỉ tạo ra áp lực chính trị lên các quan tòa. Kết quả, các cơ quan tố tụng sẽ “đối phó” bằng cách “bàn án” với nhau trước, tòa dưới lên “tranh thủ ý kiến” tòa trên trước, bản án ít bị cải sửa hơn; thành tích của tòa nhờ thế có thể tăng lên. Nhưng các cơ quan tố tụng không còn thực sự là công cụ giám sát lẫn nhau, phúc thẩm không còn giám sát được sơ thẩm nữa. Khi đó, án hủy, sửa có thể ít đi mà án oan sai chiếm bao nhiêu thì không thể nào biết được.

Tất nhiên, Quốc hội không thể không lên tiếng khi tố tụng thi hành yếu do trình độ, năng lực và phẩm chất của các quan tòa. Thẩm phán thiếu đến mức phải “vơ vét” cả những người không đủ trình độ là một thực tế. Nhưng cách tổ chức một hệ thống tòa án khép kín như hiện nay là khó tránh khỏi tình trạng đó. Ở nhiều quốc gia, chỉ những người nào đã hành nghề luật sư nhiều năm, có uy tín, có năng lực mới được bổ nhiệm làm thẩm phán ở cấp sơ thẩm. Quá trình bổ nhiệm cũng giúp sàng lọc rất khắt khe thông qua việc Quốc hội (địa phương hoặc trung ương) đàn hạch ứng cử viên và xem xét những tố cáo một cách cẩn trọng trước khi phê chuẩn.

Chỉ những người đã từng chứng tỏ được phẩm hạnh của mình qua nhiều năm ngồi ở ghế sơ thẩm mới mong được bổ nhiệm làm thẩm phán ở tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, các vị thẩm phán sau khi được bổ nhiệm thường giữ chức vụ cả đời. Không ở đâu sự nghiệp của các thẩm phán lại phải rủi ro năm năm bổ nhiệm lại một lần như ở ta; không ở đâu sau khi đã trở thành quan tòa vẫn bị lập pháp hạch hỏi nhiều như ở ta. Việc chất vấn các vị quan tòa ở Quốc hội như hiện nay là rất cần xem xét lại. Quy trình tố tụng đã có những thủ tục để giám sát các quan tòa và bản thân các quan tòa sẽ phải tự giám sát họ. Công lý vận hành trên cơ sở lòng tin, nếu như một quan tòa không còn giữ được lòng tin, họ không thể tiếp tục đưa ra những phán quyết “nhân danh công lý”.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình:

"Thẩm phán phải độc lập, án phải được tranh tụng"

Ông Trương Hòa Bình là con của một gia đình hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mẹ ông từng là chánh văn phòng của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ông Lê Duẩn còn ở miền Nam. Ông Bình tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Đại học An ninh, thạc sĩ sử học, thạc sĩ luật.

Ông từng giữ các chức vụ: Phó phòng An ninh kinh tế, A17; Cục phó Cục An ninh văn hóa A25; Phó Giám đốc Công an TP.HCM; Viện trưởng VKSND TP.HCM; Tổng cục phó, Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân; Thứ trưởng Bộ Công an.

Thời gian ấn tượng nhất, thể hiện bản lĩnh của ông nhất là lúc ông làm Viện trưởng VKSND TP.HCM. Vào thời điểm đó, ở TP đang xảy ra vụ án Năm Cam. Cái cách ông xử lý các viên chức thuộc quyền có dính líu vào vụ án này rất kiên quyết.

Giữ nhiều chức vụ quan trọng ở TP.HCM, ông có thể nhận và mua hóa giá một căn nhà của nhà nước theo tiêu chuẩn của riêng mình. Nhưng ông đã không “xin nhà”. Căn nhà mà ông đang ở có được từ tiền bán nhà tiêu chuẩn của bố mẹ. Không phải là một người quá cực đoan nhưng những người đã từng làm việc với ông lâu năm tin rằng rất khó để có thể mua ông bằng tiền bạc.

Chưa từng là một thẩm phán, nay lãnh đạo cả ngành tòa án, nơi mà “thủ trưởng chế” không còn dễ dàng áp dụng như khi ông giữ những cương vị trước đây. Không có một tuyên bố thực sự đặc biệt, tuy nhiên khi nhậm chức ông đã dẫn hai nguyên tắc quan trọng của tố tụng: thẩm phán hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; án không chỉ “tại hồ sơ” mà còn căn cứ vào tranh tụng (giữa luật sư và công tố). Đây là hai nguyên tắc mà từ hàng trăm năm nay thế giới tiến bộ đã áp dụng nhưng không phải dễ dàng được chấp nhận ở ta ngay sau tuyên bố của ông. Hy vọng là ông tiếp tục giữ được niềm tin vào các nguyên tắc đó cho đến khi chúng được thực sự áp dụng.

Theo HUY ĐỨC - Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên